fbpx

Đừng buồn vì không có đam mê, bạn chỉ cần có sự quan tâm

Trong cuộc sống, bạn không nhất thiết phải có đam mê, bạn chỉ cần có sự quan tâm sâu sắc là được.

Đam mê là một thứ gì đó lớn lao, đó là cảm nhận của riêng mình. Có thể trong quá khứ từ này có hàm nghĩa khác nhưng hiện nay, qua truyền thông và câu chuyện mình nghe từ mọi người, mình cảm nhận đam mê là một thứ cảm xúc mạnh mẽ, luôn đi kèm với những yêu cầu to lớn về bản thân.

“Anh/chị có đam mê hay không? Có sẵn sàng hi sinh vì đam mê, sẵn sàng mất ăn mất ngủ vì đam mê?”

“Tôi thấy sinh viên hiện nay không có hoài bão, không có đam mê, ra trường ngơ ngác.”

“Em ra trường em lo lắng, không biết mình thích gì, phải làm gì.”

Ngay cả bản thân mình khi nghĩ lại cũng ngạc nhiên vì mình không có cái gì gọi là đam mê to lớn. Nghĩ đến thứ mình đam mê từ nhỏ đến giờ, đeo đuổi mình đến gì thì chỉ có trò chơi điện tử. Mình chơi game từ năm 6,7 tuổi và vẫn chơi đến giờ, đã kinh qua đủ các loại game, thức đêm chơi game, trốn học chơi game và nếu hồi đó đã có hệ thống ghi lại số giờ chơi như Steam hiện giờ thì chắc giờ mình đã có khoảng 30 nghìn tiếng chơi game, vượt xa mốc 10,000 giờ mà Malcolm Gladwell đề xuất để đạt được trình “bậc thầy hiểu biết” trong mảng đó.

Nói chung là mình có đam mê về trò chơi điện tử và sẵn sàng bỏ vài chục triệu để tạo nguyên một cái phòng chơi game cho riêng bản thân và kiếm tiền từ việc đi thi đấu game hay là live-stream hay là quảng cáo game. Thế nhưng theo đuổi đam mê đó cũng như theo đuổi giấc mơ làm giàu bằng xổ số hay lô đề vậy, hạnh phúc thì ít mà thất vọng và cay đắng thì nhiều.

Nhưng liệu việc chẳng có đam mê nào ra hồn có khiến mình thấy trống rỗng hay nhạt nhẽo? Không hề. Bởi vì mình có rất nhiều sự quan tâm trong cuộc sống và những điều đó đủ để mình thấy cuộc sống này đầy ý nghĩa và muôn màu muôn vẻ.

Trong cuộc sống, bạn không nhất thiết phải có đam mê, bạn chỉ cần có sự quan tâm sâu sắc là được.

Xã hội đi lên là nhờ có sự quan tâm

Có một số nhận xét mình nhận được sau vài bài viết là: tại sao mấy ông phải cất công viết để nói cho người khác sống thế nào? Sao không kệ đi, người ta sống thế nào thì kệ người ta.

Câu trả lời của mình rất đơn giản: đó là vì mình quan tâm.

Cho dù bạn có tin rằng bạn đặc biệt hay là dạng người “lone wolf” (những con sói đơn độc) hay là bất cần người khác để ý, bạn vẫn đang sống trong xã hội, là một phần của xã hội, của cộng đồng và dù muốn hay không bạn vẫn phải cần đến sự quan tâm của mọi người. Chất lượng cái áo bạn mặc phụ thuộc vào sự quan tâm đến uy tín và sự quan tâm đến người làm ra nó. Bạn đi đường an toàn hay không phụ thuộc vào sự quan tâm của người khác đến luật giao thông. Đồ ăn của bạn có sạch hay không phụ thuộc vào sự quan tâm đến sức khỏe cộng đồng của người chăn nuôi, chế biến, sản xuất và những người kiểm tra chất lượng thực phẩm. Chương trình học của bạn có tốt hay không phụ thuộc vào sự quan tâm của người soạn chương trình.

Nếu bạn muốn biết một xã hội sống không quan tâm đến nhau thì nó như thế nào thì… thật ra bạn đang được trải nghiệm đấy!

Nói như vậy để thấy rằng không nên ảo tưởng tôi sống bất cần và cuộc sống này tôi không cần ai quan tâm. Nó chỉ cho thấy một người có góc nhìn rất hạn hẹp về cuộc sống và không hiểu xã hội vận hành như thế nào.

Quay trở lại việc viết bài, mình muốn viết là vì sự quan tâm đến cộng đồng vì nghĩ rằng điều đó là điều tốt.

Mình đọc và viết về kinh tế không phải vì mình đam mê ấp ủ sau này vô được Ngân hàng Nhà Nước hay là nhà kinh tế học, cố vấn cho thủ tướng. Mình không có chút đam mê cháy bỏng nào về việc trở thành chuyên gia kinh tế học cả. Nhưng mình quan tâm đến thất nghiệp, lạm phát, về các mô hình tài chính, và từ đó mình nghĩ rằng nó sẽ tốt nếu mọi người cũng quan tâm đến nó.

Điều tương tự với lịch sử hay tâm lý học.

Elon Musk thành lập Space X không phải vì ông có ước mơ, đam mê cháy bỏng từ nhỏ là được bay ra vũ trụ, mà vì khi ông trưởng thành và lớn lên ông quan tâm đến tương lai nhân loại và khoa học.

Ngân hàng được thành lập không phải để thỏa ước mong, đam mê ngồi không kiếm tiền của mấy thương gia mà là vì sự quan tâm đến hoạt động buôn bán của thương gia, làm sao để có thể giúp người thiếu vốn có vốn và người có vốn thì bảo quản được tài sản của mình an toàn.

Nếu các bạn có sự quan tâm sâu sắc đến một vấn đề nào đó trong xã hội, dần dà các bạn sẽ tìm được đường đi cho mình để thỏa mãn sự quan tâm mãnh liệt đó. Lúc đó bạn sẽ không còn thấy lạc lõng và bối rối nữa.

Nuôi dưỡng lòng quan tâm

Lòng quan tâm thì nhẹ nhàng và dễ bắt đầu hơn sự đam mê. Chúng ta hay cố tìm sự đam mê, một thứ luôn đi kèm với những suy nghĩ lớn lao. Nhưng điều đó rất là khó, rất là khó để quan tâm đến một thứ gì đó lớn lao xa vời mà mình không cảm thấy có liên kết với cuộc sống hằng ngày của mình.

“Em có đam mê cháy bỏng về giáo dục, em có ý tưởng lập ra Startup này để giúp giáo dục và thay đổi hàng triệu cuộc sống của trẻ em Việt Nam”.

Mặc dù nghe rất cao cả nhưng thực sự bạn sẽ nhanh chóng bị ngộp và ngạt bởi tham vọng to lớn ấy. Nhưng hãy xét câu nói sau:

“Em thấy xóm em nhiều bạn khó học tiếng Anh nên em viết ra ứng dụng học tiếng Anh nho nhỏ cho mấy bạn cài vào điện thoại cho mấy bạn dễ học, dễ ôn bài.”

Nhìn hai câu trên có thể nói nếu bạn thay đổi góc nhìn từ việc tìm kiếm đam mê đến nuôi dưỡng sự quan tâm, bạn có thể thấy rằng sự quan tâm đến dễ dàng hơn. Bạn có thể bắt đầu từ những thứ rất nhỏ trong cuộc sống của mình: quan tâm đến cây kiểng, đến động vật nuôi, đến chứng khoán hay là xe cộ. Từ những sự quan tâm nhỏ ban đầu, bạn có thể nuôi dưỡng nó lên hoài bão lớn lao. Không ai nói rằng tôi có đam mê với trà sữa, nhưng thật dễ dàng và nhẹ nhàng khi nói rằng mình rất hứng thú với trà sữa và muốn biết cách kinh doanh một quán trà sữa.

Và khác với sự đam mê nhất thời, bạn không cảm thấy kiệt sức hay hụt hẫng hay bỏ cuộc vì tâm trạng của bạn nữa. Điều nguy hiểm với sự đam mê nhất thời và nhiệt huyết đó là bạn sẽ dễ dàng làm việc theo hứng thú, kiểu tâm trạng tốt thì làm, không tốt thì nghỉ. Có đam mê có nhiệt huyết thì gắn bó với công ty, không có thì thôi, chán, bỏ.

Nhưng sự quan tâm là một thứ bền vững hơn, chắc chắn hơn. Khi bạn đã nuôi dưỡng sự quan tâm qua nhiều năm tháng và chuyển hóa nó thành một cây đại thụ, bạn sẽ không dễ dàng bỏ cuộc. Sự quan tâm không đi kèm với sự hưng phấn mà thường đi với trách nhiệm và kèm với lòng trắc ẩn bên trong. Bạn cảm thấy chán nản nhưng vì bạn quan tâm tới công ty, bạn quan tâm tới đồng nghiệp, bạn biết rằng mình làm không tốt thì công việc của cả nhóm sẽ bị ảnh hưởng, và điều đó sẽ thôi thúc bạn tiếp tục làm và làm tốt. Bạn làm tốt chiến dịch marketing vì bạn biết rằng điều đó mang lại lợi ích cho công ty và những nhân viên sales, những người hoàn toàn phụ thuộc vào chiến dịch marketing của bạn.

Lòng quan tâm được nuôi dưỡng sẽ theo bạn suốt đời, nếu bạn thực sự quan tâm đến thiết kế thời trang thì dù không được học trong ngành thời trang, bạn cũng sẽ cố gắng tự học và cố len vào ngành đó, dù lúc đó bạn là sinh viên hay đã làm cha làm mẹ. Nó sẽ là kim chỉ nam cho bạn trong những ngày tăm tối.

Để nuôi dưỡng sự quan tâm một người cần hành động. Nếu cứ ở nhà đọc tin tức thì lòng quan tâm đó vẫn chỉ khơi khơi, người đó cần ra ngoài, tham gia những hoạt động mình quan tâm, giao lưu gặp những người giàu kinh nghiệm để học hỏi, đi làm, đi tình nguyện, đi thực tập, làm cho startup, tự kinh doanh riêng. Chính những hành động đó sẽ nuôi dưỡng sự quan tâm bên trong chứ không phải là ngồi đọc tin tức và sách báo ở nhà.

Lựa chọn sự quan tâm

Có một sự thật là không phải sự quan tâm nào cũng có giá trị như nhau. Chúng ta hay nói chuyện kiểu huề vốn rằng mỗi người một sở thích, một sự quan tâm khác nhau nhằm bảo vệ giá trị bản thân mình. Tuy vậy sự thật là có những mối bận tâm có giá trị hơn cái khác.

Sẽ là điều bình thường nếu bạn quan tâm đến K-Pop hay các chương trình hài kịch nhưng sẽ là vấn đề nếu ngoài K-Pop và các chương trình hài kịch, bạn không quan tâm đến thứ gì khác. Những người xuất chúng không phải là họ không quan tâm đến những điều nhỏ nhặt mà là vì ngoài những điều nhỏ | bé, họ còn quan tâm đến những thứ lớn lao. Elon Musk đã từng bị phát hiện muộn họp với ban quản trị Tesla vài lần vì mải chơi Civilization. Hay Thống đốc Ngân Hàng bang New York đã chia sẻ trên Quora rằng ông thích chơi game Dark Souls sau những cuộc họp căng thẳng về các chính sách kinh tế.

Về trải nghiệm của mình, sếp của mình, một chuyên gia trong mảng phân tích nghiệp vụ doanh nghiệp (business analyst), từng làm trưởng phòng nhân sự, thì chết mê chết mệt với phim Star Wars, dành cả một tuần để hóa trang thành nhân vật Rey trong phim và tham gia cuộc thi hóa trang cuối năm của công ty.

Cuộc đời bạn sẽ mãi nhỏ bé nếu bạn chỉ quan tâm đến những thứ vặt vãnh nhỏ bé như quần áo hàng hiệu, hay là chuyện show biz và đừng tự cố gắng bào chữa rằng mỗi người một sở thích, đừng ép người khác phải quan tâm

đến những thứ lớn lao đau đầu nhức óc. Đừng nói rằng thôi sợ lắm, đừng quan tâm đến chính trị, và như thế bó hẹp hiểu biết và kiến thức của mình lại. Cuộc đời của một người sẽ đầy ý nghĩa và những thứ lớn lao nếu người đó chọn quan tâm đến những thứ có ý nghĩa với cộng đồng. Những thứ có ý nghĩa đó là gì? Đó là các công nghệ mới nổi, về thị trường, về văn hóa dân tộc, về xã hội. Còn nếu một người nghĩ rằng chả việc gì anh ấy phải quan tâm đến cộng đồng, thì điều đó có nghĩa là sẽ chẳng có cộng đồng nào quan tâm đến anh ấy.

Kiên trì

Để biến sự quan tâm ban đầu thành một niềm đam mê cháy bỏng, bền bỉ đòi hỏi sự kiên trì. Một người không thể ngủ dậy và bỗng nhiên đam mê cháy bỏng với thứ gì đó. Người ấy cần ra khỏi vùng an toàn, trải nghiệm những điều mới, để ý đến những thứ mới, đọc nhiều hơn, tiếp xúc và học nhiều hơn. Dần rồi người ấy sẽ tự tạo nên được sự quan tâm cho mình.

Nếu bạn cảm thấy lạc lối, hãy dành thời gian suy nghĩ xem điều gì là quan trọng với mình, trong cuộc sống của mình mình đã thực sự quan tâm đến thứ gì có ích hay chưa, thực sự quan tâm đến bản thân mình hay chưa.

Chúc các bạn thành công.

This Bear Cub is Proof You Should Never Give Up

Perseverance is everything ❤️Credit: ViralHog

Người đăng: Sassy vào Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2018

Nguồn: Spiderum

Các viết cùng chủ đề