fbpx

Đừng khóc nữa có cha luôn bên con – câu chuyện huyền thoại về tình cha ở Olympic 1992

Đây cũng là lúc người ta chứng kiến cảnh tượng cảm động nhất tại thế vận hội ở Barcelona. Từ trên khán đài, một người đàn ông lao như bay qua các hàng ghế, vượt qua hai nhân viên an ninh để đến bên cạnh con trai đang bị thương. Đó chính là cha anh – ông Jim Redmond.

Derek Redmond từng là đôi chân vàng của điền kinh Anh quốc trong những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Khi mới 19 tuổi, anh xác lập kỷ lục quốc gia khi chạy nước rút ở cự ly 400 m. Anh cũng là người đứng đầu trong nhiều giải thi đấu lớn trên thế giới, như giải Vô địch Thế giới ở bộ môn điền kinh của IAAF, giải Vô địch Điền kinh châu Âu do EAA tổ chức, và Đại hội Thể thao khối Thịnh vượng chung Anh.

Derek Redmond
Derek Redmond

Thế nhưng, con đường chinh phục Olympic của Derek Redmond lại không hề dễ dàng. Năm 1988, Derek đại diện cho nước Anh tham dự Thế vận hội Mùa hè tại Seoul, Hàn Quốc. Chỉ một ít phút trước khi khởi động đường đua, Derek buộc phải rời khỏi sân đấu khi phát hiện chấn thương dây chằng. Giấc mơ Olympic chưa thành, nhưng Derek vẫn không ngừng nuôi hy vọng cho kỳ vận hội tiếp theo được tổ chức tại Barcelona.

4 năm sau đó, vào tháng 8/1992, tại thành phố Barcelona của Tây Ban Nha, Derek lại hăm hở viết tiếp giấc mơ còn dang dở. Để chuẩn bị cho chặng đường này, anh đã miệt mài tập luyện suốt những năm qua, vượt qua mọi nỗi đau thể chất và 8 lần phẫu thuật. Và khi đến với Olympic 1992, Derek tưởng như mình có thể sẵn sàng cuộc đua ở phong độ đỉnh cao nhất trong sự nghiệp. Derek Redmond cũng hứa hẹn là cái tên sẽ đạt huy chương vàng điền kinh ở cự ly 400m năm ấy.

Khi tiếng súng báo hiệu vang lên, Derek lao về phía trước với tốc độ ấn tượng. Không còn nghi ngờ gì nữa, vận động viên đã xuất sắc dẫn đầu hai vòng chạy đầu tiên đang tiếp tục hoàn thành chặng đường cuối cùng để trở thành nhà vô địch. Nhưng tại 250m trước vạch kết thúc, Derek đột ngột cảm nhận cơn đau nhói ở một bên chân. Anh không thể giữ mình được vững và rồi ngã xuống đường đua. Những ai từng chứng kiến gần đó đều có thể nghe thấy tiếng kêu của Derek trong đau đớn.

Derek Redmond tại Olympic 1992
Derek Redmond tại Olympic 1992

Biết bao hy vọng, biết bao đợi chờ, biết bao nỗ lực và vất vả luyện tập trong những năm qua,… tất cả chỉ để đợi một phút giây này thôi. Derek nằm đó và chứng kiến các vận động viên khác đều đang tiến về đích. Trên đường đua, anh nhận ra rằng chỉ một mình anh đang rớt lại ở phía sau. Giấc mơ ấp ủ của cả một đời sự nghiệp đều tan biến chỉ vì chấn thương nơi dây chằng. Phía trước anh là hai lựa chọn: Dừng lại và chấp nhận số phận hay tiếp tục chặng đường?

Với hầu hết các vận động viên, có lẽ con đường đua của họ đã kết thúc ở đây. Nhưng với Derek, anh không chạy vì để giành chiến thắng, mà là chạy vì thể thao. Anh chạy vì chính sự nghiệp, vì chính cuộc đời mình.

Giấc mơ của tôi đã kết thúc. Ở Seoul 4 năm trước đó, tôi thậm chí còn chưa đến được vạch xuất phát bởi một chấn thương dây chằng và bị đánh dấu “DNS” – Did Not Start (không bắt đầu) – bên cạnh tên mình. Tôi không muốn họ lại viết “DNF” – Did Not Finish (không kết thúc) – ở Barcelona”, Derek kể lại, theo một trích dẫn trên Daily Mail.

Khi các nhân viên y tế chạy đến, Derek đã từ chối nằm trên cáng cứu thương. Anh kiên quyết: “Tôi sẽ hoàn thành đường đua của mình!”

Quãng đường còn lại không phải là khoảng cách dài đối với một vận động viên điền kinh, nhưng lại là hàng trăm bước đau đớn mà không mang lại huy chương. Nhưng bất chấp cơn đau, Derek tiếp tục đứng dậy, và bằng một bên chân còn lành lặn, anh nhảy lò cò đến vạch kết thúc.

Điểm sáng của cuộc đua hôm đó không phải là nhà chiến thắng, cũng không phải là kỷ lục mới có được xác lập hay không, mà là một vận động viên có tinh thần không-bao-giờ-bỏ-cuộc.

Hơn 65.000 khán giả tại sân vận động dường như không thể tin vào những gì họ đang chứng kiến. Khi thấy Derek gắng gượng nhảy lò cò về đích, tất cả mọi người đều đứng dậy cổ vũ. Tiếng vỗ tay tán dương vang khắp khán đài.

Sau này, Derek kể lại: “Tôi không làm điều ấy vì đám đông – mà tôi làm vì chính mình. Cho dù mọi người có nghĩ rằng tôi là kẻ khờ khạo hay là một anh hùng, thì tôi vẫn muốn hoàn thành đường đua. Tôi chính là người phải sống cùng với nó”.

Và rồi 30 giây tiếp theo trôi qua, Derek vẫn lò cò từng bước mà chưa về tới đích. Có lẽ anh khó có thể tiếp tục chịu đựng nỗi đau thêm được nữa.

Đây cũng là lúc người ta chứng kiến cảnh tượng cảm động nhất tại thế vận hội ở Barcelona. Từ trên khán đài, một người đàn ông lao như bay qua các hàng ghế, vượt qua hai nhân viên an ninh để đến bên cạnh Derek. Đó chính là cha anh – ông Jim Redmond.

Derek Redmond, Olympic 1992
ông Jim Redmond vượt qua hai nhân viên an ninh để đến bên cạnh con trai mình

Derek Redmond, Olympic 1992

Derek Redmond, Olympic 1992

Ông Jim là người luôn bên cạnh Derek, ủng hộ và cổ vũ anh theo đuổi sự nghiệp thể thao từ khi Derek mới lên 7 tuổi. Là người cha hết mình vì con, ông Jim không ngần ngại thay đổi cuộc đời mình để con trai thực hiện giấc mơ thể thao. Ông từng phải đổi việc, chuyển đến sống ở nhiều thành phố khác nhau để Derek được đào đạo tốt nhất. Ông cũng dành phần lớn tiền kiếm được để đầu tư cho con trai. Không biết bao nhiêu lần ông từng phải dậy sớm, lái xe đạp bên cạnh Derek khi anh tập chạy, coi sóc và cổ vũ anh. Ông Jim cũng ở đó khi Derek phải vào phòng phẫu thuật và rồi lại theo chân con trai đến với các cuộc thi đấu lớn trên thế giới. Họ không chỉ là cha con, mà còn là hai người bạn gắn bó không thể tách rời.

Tại vị trí 120m trước vạch kết thúc, ông Jim chạy đến bên Derek, vòng tay ôm lấy anh.

– Derek, là cha đây. Con không cần phải làm như vậy.

– Có, con cần phải hoàn thành.

– Được, vậy thì… chúng ta sẽ hoàn thành chặng đường này cùng nhau.

Và thế là, có một tình cha trên đường đua, có một tình cha làm chỗ dựa cho con thực hiện tiếp hành trình còn dang dở, và có một tình cha làm trọn vẹn thêm câu chuyện huyền thoại về một tinh thần Olympic không-bao-giờ-từ-bỏ.

Derek Redmond, Olympic 1992
Derek Redmond, Olympic 1992

Trên khán đài, hàng ngàn khán giả đồng loạt vỗ tay và khóc. Giọt nước mắt của người trong cuộc, giọt nước mắt của những người chứng kiến, và giọt nước mắt của hàng triệu người đang dõi theo diễn biến cuộc thi qua màn ảnh nhỏ đã làm nên một câu chuyện xúc động trong lịch sử Olympic. Nhiều chục năm về sau, đoạn phim về chặng đua 400m của Olympic 1992 vẫn tiếp tục được nhiều người nhắc đến.

Mặc dù Derek không được Ban tổ chức Olympic công nhận đã hoàn thành cuộc thi bởi có cha anh giúp sức vào những phút cuối cùng, nhưng nỗ lực bền bỉ của anh đã làm nên toàn bộ ý nghĩa của giải đấu.

 

Khi trả lời các kênh truyền thông, ông Jim phát biểu: “Tôi là người cha tự hào nhất đang sống… Tôi tự hào về con trai mình còn hơn cả khi nó đạt huy chương vàng”.

Ngày 10/1/2012, ông Jim Redmond chính thức được lựa chọn làm một trong những người mang ngọn đuốc Olympic cho Thế vận hội Mùa hè tại London.

Nguồn: ĐKN

Nguồn video: just4realng/ Vietsub by Happy.Live