Fitch nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”
Mới đây, Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, với triển vọng “Ổn định”.
Ngày 8/12, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings vừa nâng xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành ngoại tệ dài hạn (Long-Term Foreign-Currency Issuer Default Rating) của Việt Nam từ BB lên mức BB+ với triển vọng “ổn định” (stable).
Fitch Ratings cũng nâng xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn (Long-term Issuer Default Rating) và trần đánh giá tín nhiệm quốc gia của Việt Nam (Country Celling) từ BB lên BB+. Trong đó, triển vọng của xếp hạn nhà phát hành nợ dài hạn ở mức “ổn định”.
Xếp hạng nhà phát hành nợ ngắn hạn (Short Term Issuer Default Rating) và nhà phát hành nội tệ ngắn hạn (Local Currency Short Term Issuer Default Rating) được giữ nguyên ở mức B.
Theo Fitch Ratings, động thái nâng hạng phản ánh triển vọng tăng trưởng trong trung hạn thuận lợi của Việt Nam. Triển vọng trên được củng cố bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ. Cơ quan này kỳ vọng FDI sẽ tiếp tục thúc đẩy những cải thiện bền vững về cơ cấu tín dụng.
Fitch Ratings ngày càng tin tưởng rằng những trở ngại kinh tế trong ngắn hạn do căng thẳng trong lĩnh vực bất động sản, nhu cầu quốc tế suy yếu… khó có thể ảnh hưởng đến triển vọng vĩ mô trung hạn. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ được kỳ vọng đủ séc để kiềm chế rủi ro trong ngắn hạn.
Cơ quan này cũng dự báo tăng trưởng trung hạn của Việt Nam vào khoảng 7%/năm. Khả năng cạnh tranh về chi phí, lực lượng lao động có trình độ cao so với các quốc gia khác và việc tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do sẽ là tín hiệu tốt cho dòng vốn FDI tới Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các nước đang nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Theo Fitch Ratings, việc Việt Nam và Mỹ nâng quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9 vừa qua có thể là động lực cho hoạt động thương mại và dòng vốn FDI từ Mỹ.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng được cải thiện nhẹ, lên 89 tỷ USD tính đến cuối tháng 9/2023. Trước đó, dự trữ ngoại hối từng giảm mạnh vào cuối năm 2022. Fitch Ratings đánh giá diễn biến trên phản ánh sự trở lại của dòng vốn và thặng dư thương mại. Cơ quan này cũng kỳ vọng dự trữ ngoại hối sẽ cải thiện hơn nữa trong giai đoạn 2024 – 2025.
Cơ quan xếp hạng này đánh giá cao cơ cấu nợ của Việt Nam thuận lợi do phần lớn là nợ song phương và đa phương. Nợ của Chính phủ Việt Nam cũng thấp hơn so với các nước có cùng xếp hạng.
Theo Fitch Ratings, đánh giá BB+ còn phản ánh các yếu tố khác, chẳng hạn như rủi ro trong lĩnh vực bất động sản được kiểm soát, hệ thống tài chính có quy mô lớn, chính sách tiền tệ thích ứng, nợ chính phủ thấp…
Fitch Ratings cũng nhấn mạnh một số thách thức với Việt Nam như những khó khăn về tăng trưởng trong ngắn hạn, thu nhập Chính phủ thấp, các chỉ số về phát triển thấp hơn với những quốc gia cùng hạng …
Tiến Phát