Force sell là gì? Làm thế nào để tránh force sell khi đầu tư chứng khoán?
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm điểm liên tục, thanh khoản có thời điểm thấp nhất trong 2 năm vừa qua cùng với quyết định tăng lãi suất của nhiều ngân hàng, rất nhiều nhà đầu tư rơi vào tình trạng force sell. Vậy force sell trong chứng khoán là gì? Khi nào nhà đầu tư sẽ bị Force sell và cách phòng tránh thế nào?
Force sell là gì?
Force sell hay còn được hiểu là thanh lý bắt buộc. Hiện tượng force sell xảy ra khi tài khoản giao dịch của nhà đầu tư vi phạm tỷ lệ ký quỹ tối thiểu do công ty chứng khoán quy định.
Khi đó, công ty chứng khoán sẽ thực hiện bán giải chấp bắt buộc một số lượng nhất định cổ phiếu của nhà đầu tư trong phiên giao dịch tiếp theo để đưa tỷ lệ ký quỹ về ngưỡng an toàn.
Khung giờ force sell của hầu hết công ty chứng khoán là từ 10 – 11 giờ sáng và 14 giờ chiều. Nếu thấy nhiều cổ phiếu đang nằm sàn và lệnh bán được thực hiện ồ ạt như đang xả hàng tức là thị trường đang bị force sell.
Phân biệt force sell và call margin
Một khái niệm khác liên quan tới force sell là call margin. Nhiều nhà đầu tư thường có sự nhầm lẫn giữa 2 khái niệm này, tuy nhiên, call margin và force sell lại là 2 trường hợp khác nhau.
Hiểu đơn giản, call margin là hiện tượng tỷ lệ ký quỹ giảm tới mức duy trì quy định (chưa tới mức bị force sell). Lúc này, công ty chứng khoán sẽ thông báo tới nhà đầu tư bằng cách gọi điện, email, tin nhắn… để có phương án nâng tỷ lệ ký quỹ đến mức quy định. Nếu nhà đầu tư không thực hiện trong vòng 3 ngày, công ty chứng khoán sẽ tiến hành bán cổ phiếu để nâng mức ký quỹ lên.
Cách hoạt động của Force sell
Mỗi công ty chứng khoán có quy định tỷ lệ ký quỹ tối thiểu riêng, tuy nhiên cách hoạt động của force sell đều giống nhau. Cụ thể như sau:
– Tỷ lệ ký quỹ ≥ ngưỡng duy trì: Tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư đang ở trạng thái bình thường.
– Ngưỡng duy trì > tỷ lệ ký quỹ ≥ ngưỡng xử lý: Tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư bị call margin. Công ty chứng khoán sẽ thông báo cho nhà đầu tư để phương án xử lý nâng mức ký quỹ lên.
– Tỷ lệ ký quỹ < ngưỡng xử lý: Tài khoản bị Force Sell, công ty chứng khoán sẽ bán cổ phiếu của nhà đầu tư để đưa tỷ lệ ký quỹ về mức an toàn.
Ví dụ:
Bà A mua 100.000 cổ phiếu X có giá trị 10 tỷ đồng, giá cổ phiếu là 100.000đ/cổ phiếu. Bà A đã có 5 tỷ, vay ký quỹ thêm 5 tỷ để đủ tiền mua lô cổ phiếu này. Biết, ngưỡng duy trì quy định là 35%, ngưỡng xử lý là 30%. Lúc này tổng tài sản của bà A là 10 tỷ đồng.
Sau 3 tháng, giá cổ phiếu giảm chỉ còn 75.000đ/cổ phiếu, tổng tài sản của bà A chỉ còn 7,5 tỷ đồng. Trong đó, 5 tỷ là tiền vay ký quỹ, vốn ban đầu chỉ còn 2,5 tỷ. Khi đó, tỷ lệ ký quỹ trên tài khoản là: 2,5/7,5 = 33% < 35%, chạm ngưỡng duy trì, tài khoản bị call margin.
Nếu giá cổ phiếu tiếp tục giảm còn 71.000đ/cổ phiếu, tổng tài sản lúc này chỉ còn 7,1 tỷ đồng, 5 tỷ vốn vay, 2,1 tỷ vốn ban đầu. Tỷ lệ ký quỹ trên tài khoản là: 2,1/7,1=29,57% < 30%, tài khoản bị force sell.
Muốn thoát khỏi force sell, nhà đầu tư cần nộp thêm tiền vào tài khoản hoặc bán bớt cổ phiếu để tăng tỷ lệ ký quỹ trở về mức duy trì.
– Trường hợp 1: Nhà đầu tư nộp thêm 1 tỷ vào tài khoản. Lúc này tổng tài sản là 8,1 tỷ đồng, 5 tỷ vay, 3,1 tỷ vốn ban đầu. Tỷ lệ ký quỹ lúc này là: 3,1 / 8,1= 38,27% > 35%, đã quay trở về mức an toàn.
– Trường hợp 2: Nhà đầu tư bán bớt 10.000 cổ phiếu với giá 71.000đ/cổ phiếu, thu về 0,710 tỷ đồng. Lúc này tổng tài sản tăng thêm 0,71 tỷ đồng là 7,81 tỷ đồng. Trong đó, 5 tỷ vay, 2,81 tỷ đồng vốn gốc. Tỷ lệ ký quỹ lúc này là: 2,81/7,81 = 36% > 35%, tỷ lệ ký quỹ đã quay về mức an toàn.
Như vậy, để thoát khỏi tình trạng force sell, bà A cần nộp thêm 1 tỷ vào tài khoản chứng khoán hoặc bán 10.000 cổ phiếu với mức giá 71.000đ/cổ phiếu.
Khi nào thì bị force sell?
Force sell xảy ra khi tỷ lệ ký quỹ của nhà đầu tư giảm xuống mức dưới ngưỡng xử lý được quy định bởi công ty chứng khoán. Nguyên nhân tỷ lệ ký quỹ giảm xuống chủ yếu do giá cổ phiếu nắm giữ mua nhờ vay margin giảm.
Trước khi tỷ lệ ký quỹ giảm xuống ngưỡng xử lý, công ty chứng khoán sẽ thông báo tới nhà đầu tư và đưa ra thời hạn để nhà đầu tư có biện pháp xử lý tình trạng này. Giải pháp tốt nhất để nâng tỷ lệ ký quỹ về ngưỡng an toàn là nạp thêm tiền vào tài khoản hoặc bán bớt cổ phiếu.
Thời hạn này thường là 3 ngày làm việc. Nếu hết thời hạn nhà đầu tư không thực hiện, công ty chứng khoán sẽ buộc bán cổ phiếu trong tài khoản của nhà đầu tư để đưa tỷ lệ ký quỹ lên ngưỡng an toàn.
Force sell ảnh hưởng thế nào đến chứng khoán Việt nam?
Trước mối lo ngại về việc nâng lãi suất của các ngân hàng, nhiều nhà đầu tư đã gặp tình trạng force sell khi thị trường chứng khoán Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua.
Trước sức ép của FED tăng lãi suất và tình hình lạm phát, tháng 9 vừa qua NHNN đã nâng lãi suất điều hành. Thêm vào đó, VND giảm sâu trước sức mạnh của USD khiến tâm lý thị trường khá ảm đạm.
Như vậy, cả force sell và tâm lý hoảng loạn dẫn tới việc nhiều nhà đầu tư phải bán cổ phiếu của mình, thậm chí bán một cách bất chấp. Điều này khiến dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán giảm, thị trường đã ảm đạm ngày càng âm u hơn. VN-Index liên tục giảm mạnh và có những thời điểm lùi về dưới ngưỡng 1.000 điểm.
Đầu tư thế nào để tránh force sell?
Với công cụ margin, nhiều nhà đầu tư không đủ vốn cũng có thể tham gia thị trường, nâng cao khả năng sinh lời. Tuy nhiên, công cụ này có lợi mà cũng tồn tại rủi ro nhất định. Đó chính là tình trạng force sell. Để tránh tình trạng này xảy ra, nhà đầu tư cần chú ý những điều sau:
– Chỉ vay margin khi có đủ kiến thức và kinh nghiệm về thị trường. Nếu không dễ dẫn tới thua lỗ, rơi vào force sell.
– Nên sử dụng margin khi thị trường đang tăng trưởng, không nên sử dụng khi thị trường đang đi ngang hoặc đi xuống.
– Nên sử dụng margin với cổ phiếu có thanh khoản tốt như cổ phiếu cơ bản và bluechip. Không nên sử dụng margin với cổ phiếu có lợi nhuận quá thấp.
– Không nên sử dụng full margin mà chỉ nên ở mức độ vừa phải, tạo biên độ an toàn cho tài khoản để khi cổ phiếu có biến động ngoài dự kiến tài khoản không rơi vào force sell.
– Quan trọng nhất, nhà đầu tư nên xây dựng danh mục đầu tư phù hợp với xu hướng thị trường, sàng lọc cổ phiếu tốt, quản trị rủi ro tốt.
Tuy nhiên, nhiều khi việc rơi vào tình trạng force sell nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà đầu tư. Làm thế nào để hạn chế rủi ro thấp nhất khi bị rơi vào tình trạng này? Một trong số biện pháp hiệu quả nhất là Isolated Margin.
Isolated Margin nghĩa là vay margin riêng biệt đối với từng mã cổ phiếu. Khi đó, tình trạng force sell xảy ra chỉ với mã cổ phiếu đó mà thôi, không liên quan đến các cổ phiếu khác, hạn chế rủi ro cho tổng tài khoản chứng khoán.
Hiện tại, nhiều nhà đầu tư đã bị force sell khi thị trường chứng khoán Việt Nam bị giảm thấp trong thời gian vừa qua. Đây như là lời chuông cảnh báo cho nhà đầu tư để sử dụng margin một cách hiệu quả hơn.
Hy vọng những thông tin về force sell có thể giúp nhà đầu tư sử dụng margin tốt hơn, tránh tình trạng force sell và bình tĩnh tìm các cách giải quyết khi tài khoản của mình rơi vào tình trạng force sell.
Nguồn: finhay
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách Làm giàu từ chứng khoán (phiên bản mới) + Hướng dẫn thực hành CANSLIM cho người mới bắt đầu
(Kết hợp Phân tích cơ bản (FA) và Phân tích kỹ thuật (TA) để tìm kiếm Siêu cổ phiếu)