fbpx

Frank Abagnale: từ siêu lừa đảo thành cố vấn điều tra tội phạm của FBI

Đang thi hành bản án 12 năm tù giam về tội lừa đảo thì FBI đến tìm Frank Abagnale tại nhà tù ở thành phố New York và đề nghị ông hợp tác với họ làm cố vấn điều tra tội phạm và để đổi lấy tự do. Frank Abagnale đã đồng ý. 

Những ai từng xem bộ phim “Hãy bắt tôi nếu có thể” (Catch me if you can) do ngôi sao Hollywood Leonardo do Caprio thủ vai chính chắc hẳn không thể nào quên những mánh khoé lừa đảo tinh vi, tài tình, điệu nghệ của nhân vật Frank Abagnale. 

Catch me if you can
Catch me if you can
Catch me if you can
Bản thật và bản điện ảnh

Thực tế, bộ phim này được làm theo đúng nguyên mẫu ngoài đời về nhân vật Frank William Abagnale, Jr. – bậc thầy về lừa đảo những năm 1960, đã dùng các ngân phiếu giả để rút tới 2,5 triệu USD từ các ngân hàng ở 16 quốc gia.

Điều thú vị là tới nay, Frank William Abagnale lại được Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và nhiều nhà chức trách tín nhiệm mời làm cố vấn điều tra tội phạm lừa đảo.

Những bài học kinh nghiệm

Frank William Abagnale vẫn luôn liên tục bận rộn với những chuyến công tác từ Mỹ tới Anh. Số là, ông được cơ quan an ninh Anh mời tới thuyết trình, giảng dạy cho các điều tra viên về những mánh khóe lừa đảo của bọn tội phạm tài chính.

Ngay từ những buổi nói chuyện đầu tiên với Diễn đàn City IT và IT Security, Frank Abagnale đã chỉ ra những lỗ hổng lớn trong việc kiểm soát, bảo vệ bí mật thông tin khách hàng trong hệ thống quản lý dữ liệu cá nhân của Anh. Từ đó, Frank Abagnale còn gợi ý về việc cải tạo cơ chế bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng như những cách thức mới giúp cơ quan điều tra nhanh chóng tìm ra thủ phạm lừa đảo.

Frank William Abagnale trong một show truyền hình
Frank William Abagnale chia sẻ trong một show truyền hình

Trước đó, trong suốt 35 năm cộng tác với FBI, Frank Abagnale đã trở thành một cộng tác viên đắc lực, giúp cơ quan này khám phá được trên 200 vụ án có liên quan đến lừa đảo bằng ngân phiếu giả. Riêng trong năm 2007-2008, nhờ có sự tư vấn của Frank Abagnale, FBI đã bắt giữ được hàng chục kẻ lừa đảo và thu về hàng triệu USD.

Ông còn là giảng viên của Học viện FBI và thường xuyên có những buổi trao đổi kinh nghiệm với các văn phòng FBI trên toàn quốc. 4 cuốn sách do ông viết gồm: “Catch me if you can”, “The Art of Steal”, “Real U Guide to Identity Theft”, “Stealing your life” đã được đưa vào làm giáo án giảng dạy trong các trường an ninh, cảnh sát của Mỹ.

Ông còn trở thành cố vấn an ninh cho nhiều ngân hàng hàng đầu nước Mỹ. Bằng cách kể lại cho họ nghe những phương thức mà ông đã sử dụng để làm ngân phiếu giả, Frank Abagnale đã cung cấp cho nhiều nhân viên ngân hàng kỹ năng nhận biết giấy tờ giả và cách đối phó với loại tội phạm lừa đảo kiểu này.

Dần dần, với những thành tích này, cuộc sống hoàn lương của “ông trùm lừa đảo những năm 1960” đã bước sang trang mới với những lời đề nghị hợp tác từ nhiều cơ quan an ninh của Mỹ và nước ngoài.

Năm 1980, ông lập một công ty có tên gọi Abagnale & Associates, chuyên tư vấn về sự an toàn của các vụ giao dịch tài chính. Và thật bất ngờ, từ một kẻ lừa đảo siêu hạng, Frank Abagnale đã trở thành người lập ra hệ thống chống lừa đảo tài chính hữu hiệu nhất nước Mỹ và là một trong những triệu phú nổi danh ở Tulsa, Oklahoma.

Hồi ký của trùm lừa đảo

Năm 2003, cuốn hồi ký có tựa đề “Hãy bắt tôi nếu có thể” của Frank Abagnale đã được đạo diễn Steven Spielberg dựng thành phim với sự tham gia của nam tài tử Leonardo di Caprio. Lúc này, một phần về cuộc đời của cố vấn lừa đảo hàng đầu FBI mới được tiết lộ. Hóa ra, khi mới 16 tuổi, Frank Abagnale đã bắt đầu những cuộc phiêu lưu lừa đảo của mình. Mọi chuyện bắt nguồn sau cuộc ly dị của bố mẹ ông năm 1966. Frank Abagnale bỏ nhà tới New York và nảy ra ý định lấy tiền từ ngân hàng. Để thực hiện trót lọt mọi việc, ông mở một tài khoản với vài chục USD tại ngân hàng Nothern, mua một vài lọ mực từ tính về viết lên những tờ khai còn trống và bí mật bỏ lại quầy giao dịch ở ngân hàng.

Chỉ vài tuần sau, tài khoản của Frank Abagnale đã có hơn 40.000 USD (ở thời điểm đó, các ngân hàng sử dụng mực từ tính để ghi những ngân phiếu của họ theo thể lệ của một mật mã). Đây cũng là lần đầu tiên tên ông bị ghi vào hồ sơ của FBI.

Sau này, trong thời gian làm việc với FBI, Frank Abagnale đã được hỏi rất nhiều về việc tại sao một thanh niên trẻ tuổi như ông lại có thể lừa được rất nhiều phi công lão luyện và lái một chiếc Boeing trong khi không được đào tạo một ngày nào. Hóa ra, chỉ cần ít thuốc nhuộm tóc, Frank đã hóa trang cho mình già thêm 10 tuổi và mua một bộ đồng phục phi công bằng ngân phiếu giả.

chỉ cần ít thuốc nhuộm tóc, Frank đã hóa trang cho mình già thêm 10 tuổi và mua một bộ đồng phục phi công bằng ngân phiếu giả.
Chỉ cần ít thuốc nhuộm tóc, Frank đã hóa trang cho mình già thêm 10 tuổi và mua một bộ đồng phục phi công bằng ngân phiếu giả.

Tiếp đó, ông làm giả thẻ phi công của hãng Pan American. Và thế là, từ 16 đến 18 tuổi, Frank Abagnale đã có mặt trên hơn 250 chuyến bay tới 26 quốc gia khác nhau trên thế giới, ăn nghỉ tại các khách sạn, nhà hàng sang trọng do Pan American chi trả…

Năm 20 tuổi, Frank Abagnale đã lừa đảo hơn 10 triệu USD và bị FBI truy lùng khắp nơi. Ông bay về Pháp, ẩn náu trong ngôi làng ở ngoại ô thành phố Montpellier, quê hương của mẹ.

Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, ông đã bị bắt, bị dẫn độ về Mỹ, bị truy tố về tội lừa đảo có chủ mưu và phải nhận bản án 12 năm tù giam vào tháng 11-1968.

Năm 1973, FBI đến tìm Frank Abagnale tại nhà tù ở thành phố New York và đề nghị ông hợp tác với họ để đổi lấy tự do. Frank Abagnale đã chấp thuận.

Giờ đây, ông yêu công việc tư vấn chống lừa đảo và coi đó là trách nhiệm để ông đáp lại ơn huệ với cuộc đời, với những người đã cho ông sống cuộc sống mới, hạnh phúc, tốt đẹp hơn.

Nguồn: Người lao động