fbpx

Gây nợ rồi về nhà xin thêm tiền cha mẹ: lối sống phổ biến của người trẻ Trung Quốc

Người trẻ Trung Quốc nợ bình quân gấp 18 lần thu nhập. Phổ biến nhất là tình trạng vay tiền vô tội vạ để sắm sửa hàng hiệu, xa xí phẩm, rồi về xin gia đình thanh toán nợ.

Thế hệ từ 8x đến giữa 2000 ước tính sẽ đóng góp gần một nửa thị trường hàng hiệu Trung Quốc đến năm 2025, theo Bain & Co. Thống kê này có thể dẫn đến hiểu nhầm rằng người trẻ Trung Quốc giàu, thực tế là họ vay nhiều tiền để mua sắm.

Giới trẻ Trung Quốc vay nợ để thỏa mãn nhu cầu mua sắm
Giới trẻ Trung Quốc vay nợ để thỏa mãn nhu cầu mua sắm

Một khảo sát gần đây của HSBC cho thấy tỷ lệ nợ trên thu nhập của 9x Trung Quốc đạt con số gây choáng: 1.850%. Bình quân, họ nợ các tổ chức cho vay và phát hành tín dụng trên 17.000 USD.

Trang cho vay tài chính Rong360 thống kê tới 85% khách vay Trung Quốc sinh sau năm 1980. Một lý do người trẻ Trung Quốc chọn lối sống nợ nần là không muốn trì hoãn việc nuông chiều bản thân. Họ chấp nhận vay để sở hữu ngay đồ hiệu, trước khi có thể kiếm đủ tiền. Yu Runting, 26 tuổi, làm marketing và quan hệ công chúng ở Thượng Hải. Yu lĩnh hơn 1.300 USD sau thuế hàng tháng. Cô chi 95% thu nhập thuê nhà, đáp ứng nhu cầu sống cơ bản và cho tiêu dùng khác.

Tuy nhiên, một năm qua, người phụ nữ trẻ đã mua 4 món đồ hiệu bằng thẻ tín dụng và tiền từ hệ thống cho vay trực tuyến Huabei. Chúng gồm túi Medium Classic của Celine (4.400 USD), túi Hobo Gabrielle của Chanel (4.500 USD), túi Serpenti Forever của Bvlgari (2.100 USD) và một đôi khuyên tai vàng Tasaki (1.800 USD).

Bạn có thể vay nợ dễ dàng thông qua  Huabei
Bạn có thể vay nợ dễ dàng thông qua Huabei

Hiện, Yu mới trả được một vài khoản nợ thẻ, và chưa có tiền thanh toán nợ trực tuyến. Cô nợ tổng cộng 8.400 USD, lãi hàng tháng 300 USD. “Mọi người trong công ty tôi, từ lễ tân đến các giám đốc, ai cũng có ít nhất hai túi xách hàng hiệu. Tôi biết thừa đa số đồng nghiệp ngang cấp vay tiền chi cho lối sống xa xỉ”, Yu nói, nhìn nhận hiện tượng này phổ biến trong giới cô hoạt động.

Phải trả nợ không khiến Yu lo lắng. Cô lý giải: “Tôi sẽ xin bố mẹ thanh toán hết nợ khi về nhà vào Tết Âm lịch tháng 2 này“. Cô gái cực kỳ tự tin vào kịch bản đó, bởi cho biết mình không đòi mua xe hơi đắt tiền như bạn bè.

“Nhiều người trẻ mua hàng hiệu này là con một và dùng tiền gia đình”, Chen May Yee – một giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của tập đoàn JWT Intelligence – nhìn nhận. “Họ tự do khỏi rào cản văn hóa hay đời sống từ thời bố mẹ, thế hệ được dạy phải tiết kiệm, tiết kiệm và tiết kiệm”. Phụ huynh giờ đây được đánh giá mới là động lực chính đứng sau xu hướng tiêu dùng xa xỉ của giới trẻ, một mô hình tiêu dùng không bền vững.

"Nhiều người trẻ mua hàng hiệu này là con một và dùng tiền gia đình"
“Nhiều người trẻ mua hàng hiệu này là con một và dùng tiền gia đình”

Pascal Martin, đối tác của hãng tư vấn OC&C, nói: “Giả thuyết chúng tôi đưa ra là cách người trẻ ngày nay nhìn hàng hóa giá trị lớn, như nhà hay xe hơi, rất khác thế hệ trước”. Martin tin nhóm tiêu dùng này dễ dàng bỏ qua mục tiêu mua nhà, vì không đủ điều kiện. Ngoài ra, các phương thức đi lại của nền kinh tế chia sẻ ngày càng phổ biến và tiện lợi, làm họ bớt hứng thú mua ôtô.

Theo chuyên gia Martin, hệ quả là người trẻ có thu nhập dành cho những thứ hấp dẫn như hàng hiệu và trải nghiệm (du lịch, nghỉ dưỡng…). Ông kết luận: “Khả năng cao họ sẽ vẫn tiếp tục thói quen chi tiêu cao khi trưởng thành hơn”.  Tuy nhiên, giám đốc Chen của JWT Intelligent cho rằng xu hướng này tạm diễn ra trong tương lai gần, khó nói về dài hạn. “Tôi tin các thương hiệu xa xỉ không lấy đó làm cơ sở kinh doanh chắc chắn”, Chen khẳng định.

Nguồn: Ngoisao.net

Các viết cùng chủ đề