George Soros – Người đàn ông đánh sập Ngân hàng Anh
Khi George Soros đặt cược 10 tỷ USD vào đồng Bảng Anh (GBP) và thắng, ông ta trở nên nổi tiếng và được biết đến như “người đàn ông đánh sập Ngân hàng Anh”. Cho dù bạn yêu hay ghét ông ta, thì Soros cũng đã dẫn đầu một trong những sự kiện hấp dẫn nhất trong lịch sử giao dịch tiền tệ.
Nước Anh gia nhập cơ chế tỷ giá hối đoái
Năm 1979, một sáng kiến của Pháp – Đức đã thiết lập hệ thống tiền tệ châu Âu (EMS) để ổn định tỷ giá hối đoái, giảm lạm phát và chuẩn bị cho hội nhập tiền tệ. Cơ chế tỷ giá hối đoái (ERM), một trong những thành phần chính của EMS, đã cho mỗi loại tiền tệ tham gia vào cơ chế này có một tỷ giá hối đoái trung tâm so với rổ tiền tệ được gọi là đơn vị tiền tệ châu Âu (ECU). Những nước tham gia (ban đầu là Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Ireland và Luxembourg), sau đó được yêu cầu duy trì tỷ giá của họ trong pham vi dao động 2,25% trên hoặc dưới mức tỷ giá trung tâm song phương. ERM là một hệ thống có thể điều chỉnh, và chín lần điều chỉnh giá trị tiền tệ đã xảy ra trong khoảng từ năm 1979 đến năm 1987. Mặc dù Anh không phải là một trong những thành viên ban đầu, nhưng cuối cùng Anh cũng đã tham gia vào năm 1990 với tỷ lệ mỗi đồng Bảng Anh tương ứng với 25 đồng Mác Đức (DEM) và với dải dao động +/- 6%.
Đến giữa năm 1992, ERM dường như là một thành công, vì hiệu ứng kỷ luật đã làm giảm phát trên khắp châu Âu dưới sự lãnh đạo của Ngân hàng Trung ương Đức (German Bundesbank). Tuy nhiên, sự ổn định không lâu khi các nhà đầu tư quốc tế đã bắt đầu lo lắng rằng giá trị tỷ giá cảu một số loại tiền trong ERM là không phù hợp. Sau khi thống nhất nước Đức năm 1989, chi tiêu của chính phủ đã tăng mạnh, buộc Ngân hàng Trung ương Đức phải in thêm tiền. Điều này dẫn đến lạm phát cao và khiến Ngân hàng Trung ương Đức không có nhiều lựa chọn ngoài việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất đi kèm với sức ép tăng giá lên đồng Mác Đức. Điều này buộc các ngân hàng trung ương khác phải tăng lãi suất cũng như duy trì tỷ giá hối đoái cố định của họ. Nhận thấy rằng nền kinh tế yếu kém của Anh và tỷ lệ thất nghiệp cao sẽ không cho phép chính phủ Anh duy trì chính sách này lâu dài, George Soros đã bước vào hành động.
Soros đặt cược chống lại khả năng thành công của việc tham gia vào ERM của Anh
Nhà quản lý quỹ phòng hộ Quantum về cơ bản đã muốn đặt cược rằng đồng Bảng Anh (GBP) sẽ mất giá vì Anh sẽ phá giá đồng tiền hoặc rời khỏi ERM. Nhờ loại bỏ dần các biện pháp kiểm soát vốn của EMS trong những năm hệ thống này còn hoạt động, các nhà đầu tư quốc tế đã có nhiều tự do hơn bao giờ hết để tận dụng sự mất cân bằng thị trường, vì vậy Soros đã thiết lập các vị thế bán đồng GBP và các vị thế mua đồng DEM bằng cách vay mượn đồng GBP và đầu tư vào các tài sản bằng đồng DEM. Ông cũng đã sử dụng rất nhiều các hợp đồng quyền chọn và hợp đồng tương lai. Tổng cộng, các vị thế của ông đã chiếm một khoảng khổng lồ 10 tỷ USD. Soros không phải là người duy nhất; nhiều nhà đầu tư khác đã sớm làm theo. Mọi người đều bán đồng GBP, gây áp lực giảm giá rất lớn đối với đồng tiền này.
Lúc đầu, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã cố gắng bảo vệ tỷ giá cố định bằng cách mua 15 tỷ GBP bằng tài sản dự trữ lớn, nhưng các biện pháp can thiệp trung hòa (trong đó lượng tiền cơ sở được giữ cố định nhờ các can thiệp thị trường mở) đã bị hạn chế về tính hiệu quả. Đồng Bảng Anh đã giao dịch trong tình trạng nguy hiểm vì gần với mức thấp nhất của biên độ tỷ giá cố định. Vào ngày 16 tháng 9 năm 1992, một ngày mà sau này được gọi là Ngày thứ Tư đen tối, ngân hàng đã thông báo tăng lãi suất 2% (10% lên 12%) trong nỗ lực để thúc đẩy sức hấp dẫn của đồng GBP. Vài giờ sau, họ đã hứa tăng lãi suất lên 15%, nhưng các nhà đầu tư quốc tế như Soros không bị lung lay, vì biết rằng khoản lợi nhuận khổng lồ đã đang ở ngay gần đó. Các nhà giao dịch tiếp tục bán khống đồng GBP với số lượng lớn và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tiếp tục mua vào, lúc 7 giờ tối cùng ngày, Thủ tướng Norman Lamont thông báo rằng Anh sẽ rời khỏi ERM và lãi suất sẽ trở về mức ban đầu là 10%. Ngày thứ Tư đen tối hỗn loạn đã đánh dấu sự khởi đầu của sự mất giá khủng khiếp đối với đồng Bảng Anh (GBP).
Liệu sự trở lại của chính sách thả nổi là do cuộc tấn công đồng GBP do Soros dẫn đầu hay do phân tích cơ bản đơn giản vẫn còn được tranh luận tới ngày hôm nay. Tuy nhiên, điều chắc chắn là sự mất giá của đồng GBP với gần 15% so với đồng DEM và 25% so với đồng USD trong năm tuần tiếp theo đã dẫn đến khoảng lợi nhuận to lớn cho Soros và các nhà giao dịch khác. Trong vòng một tháng, quỹ Quantum đã tìm kiếm được khoảng 2 tỷ USD bằng cách bán đồng DEM tăng giá cao hơn và mua lại đồng GBP mất giá.
“Người đàn ông đánh sập Ngân hàng Anh” đã cho thấy rằng các ngân hàng trung ương vẫn có thể dễ bị thiệt hại trước các cuộc tấn công đầu cơ.
Nguồn: Trích sách Các phương pháp giao dịch ngắn hạn hiệu quả trên thị trường Forex
Có thể bạn quan tâm:
Các phương pháp giao dịch ngắn hạn hiệu quả
trên thị trường Forex – Kathy Lien
(Chiến lược để thu lợi từ sự dịch chuyển của thị trường tiền tệ)