fbpx

“Giảng hoà” với Mỹ, OPEC+ tăng sản lượng dầu

Mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Saudi Arabia, thủ lĩnh không chính thức của OPEC, đã căng thẳng suốt mấy tuần qua. Các quan chức Mỹ đã tới vùng Vịnh để thảo luận trong tuần này, và việc OPEC+ tăng sản lượng có thể chính là kết quả của các cuộc đàm phán kín đó…

Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, hoàng tử Abdulaziz bin Salman Al-Saud – Ảnh: Reuters.

Mỹ và Saudi Arabia – hai đồng minh lâu năm – đã thân mật trở lại sau nhiều tuần căng thẳng vì đà leo thang chóng mặt của giá dầu. Liên minh OPEC+ đã đi đến quyết định tăng sản lượng dầu cho dù biến chủng mới của Covid-19 có thể đe doạ nhu cầu tiêu thụ năng lượng của thế giới.

Trong cuộc họp ngày 2/12, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số quốc gia sản xuất dầu ngoài khối gồm Nga đã nhất trí tăng sản lượng khai thác dầu 400.000 thùng/ngày mỗi tháng trong tháng 1, mặc sự xuất hiện của biến chủng Omicron khiến giá dầu giảm mạnh trong những phiên gần đây. Đây là mức tăng sản lượng mà OPEC+ đang áp dụng với tháng 12. Tuy nhiên, liên minh cũng để ngỏ khả năng điều chỉnh lại sản lượng, nói rằng các bộ trưởng có thể họp trở lại vào bất kỳ thời điểm nào để thay đổi quyết định nếu tình hình thay đổi.

Mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Saudi Arabia, thủ lĩnh không chính thức của OPEC, đã căng thẳng suốt mấy tuần qua. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra sức kêu gọi OPEC khai thác thêm dầu để hạ nhiệt giá dầu trong bối cảnh giá xăng bán lẻ ở Mỹ cao nhất 7 năm, nhưng Saudi Arabia phớt lờ. Quyết định tăng sản lượng mà OPEC+ đưa ra ngày 2/12 đã xoa dịu mối căng thẳng này.

Theo hãng tin Bloomberg, các quan chức Mỹ đã tới vùng Vịnh để thảo luận trong tuần này, và việc OPEC+ tăng sản lượng có thể chính là kết quả của các cuộc đàm phán kín đó. Thành phần của phái đoàn Mỹ trong chuyến đi này có ông Amos Hochstein, nhà ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ về năng lượng. Đầu tuần này, ông Hochstein nói Mỹ và Saudi Arabia đã bàn về làm thế nào để “hợp tác đầu tư vào dịch chuyển năng lượng và cộng tác để xây dựng một kiến trúc năng lượng sạch cho thế kỷ 21”.

Hiện chưa rõ ngoài vấn đề năng lượng, chuyến công du này của các quan chức Mỹ còn đạt kết quả nào khác. Kể từ khi lên cầm quyền, ông Biden chưa làm việc trực tiếp với nhà lãnh đạo không chính thức của Saudi Arabia là thái tử Mohammed bin Salman mà chỉ trao đổi với cha của thái tử là nhà vua Salman.

Quan hệ Mỹ-Saudi Arabia đã giảm xuống mức thấp sau khi chính quyền ông Biden tuyên bố cùng một loạt quốc gia nhập khẩu dầu lớn khác xả dự trữ để bình ổn giá xăng dầu, sau khi lời kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng mà ông đưa ra không được đáp lại. Trong lúc lạm phát là mối lo của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, ông Biden đã thuyết phục các quốc gia khác tham gia việc xả dự trữ dầu, gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Anh và Trung Quốc.

Những thùng dầu của đợt xả này dự kiến phải đến giữa tháng 12 mới được đưa ra thị trường, nhưng giá dầu đã giảm mạnh. Từ khi biến chủng Omicron xuất hiện, giá dầu đã giảm khoảng 20%. Trong bối cảnh như vậy, OPEC+ dường như có lý do để ngừng tăng sản lượng, thậm chí là cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, sau các cuộc đàm phán ở vùng Vịnh, một thoả thuận đã được đưa ra. Việc tăng sản lượng này cũng phù hợp với mong muốn của Nga – nước muốn sản xuất nhiều dầu hơn.

Diễn biến giá dầu WTI giao sau tại New York trong 1 năm qua. Đơn vị: USD/thùng – Nguồn: Trading View.

Mỹ hoan nghênh quyết định của OPEC+, trong đó đề cập đặc biệt đến Saudi Arabia.

“Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ trong những tuần gần đây với các đối tác của Mỹ gồm Saudi Arabia, UAE và các nhà sản xuất khác trong OPEC+ nhằm giải quyết sức ép giá dầu”, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố sau cuộc họp của OPEC+. “Cùng với việc chúng tôi gần đây phối hợp xả dự trữ dầu, chúng tôi tin rằng việc này sẽ giúp thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu”.

Tuy nhiên, giá dầu đã chuyển sang trạng thái tăng sau khi quyết định của OPEC+ được công bố, vì nhiều nhà giao dịch dầu lửa cho rằng việc tăng sản lượng này đã được phản ánh vào giá dầu từ trước. Ngoài ra, việc giá dầu liên tục giảm sâu những phiên gần đây cũng được nhiều nhà đầu tư xem là cơ hội bắt đáy.

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại London tăng 0,8 USD/thùng, tương đương tăng 1,16%, chốt ở 69,67 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,93 USD/thùng, tương đương tăng 1,4%, chốt ở 66,5 USD/thùng.

Nguồn: vneconomy

Có thể bạn quan tâm

Bộ sách Làm Giàu Từ Chứng Khoán (phiên bản mới) + Hướng Dẫn Thực Hành CANSLIM

(Kết hợp Phân tích cơ bản (FA) và Phân tích kỹ thuật (TA) để tìm kiếm Siêu cổ phiếu)

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề