Giao dịch T+0 và bán khống còn vướng công nghệ, năm 2021 dự kiến ra mắt
Cùng với giao dịch trong ngày (T+0), bán khống sẽ là cú hích cho thị trường chứng khoán cũng như giúp Việt Nam cải thiện các tiêu chí đánh giá nâng hạng theo FTSE Russell và MSCI.
Bộ Tài chính hiện đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm được niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán, thay thế cho Thông tư số 203/2015/TT-BTC. Dự thảo Thông tư này lần đầu đưa ra định nghĩa cũng như các quy định cho giao dịch bán khống có bảo đảm.
Cùng với giao dịch trong ngày (T+0), bán khống sẽ là cú hích cho thị trường chứng khoán cũng như giúp Việt Nam cải thiện các tiêu chí đánh giá nâng hạng theo FTSE Russell và MSCI.
Chia sẻ về vấn đề này tại tọa đàm“Sự vươn lên của thị trường chứng khoán Việt Nam hậu Covid-19”, tổ chức sáng 21/10, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cho biết giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về đã có cơ sở pháp lý nhưng phải dựa trên nền tảng công nghệ. Hiện Việt Nam đang đầu tư gói thầu công nghệ toàn thị trường và dự kiến vận hành vào 2021. Khi đó, trên nền tảng pháp lý là các văn bản, nghị định, quy trình cùng hệ thống công nghệ sẵn sàng thì có thể triển khai các sản phẩm nói trên.
“Chúng tôi đang cùng nhà thầu thử hệ thống với các thành viên viên thị trường, còn thời điểm chính xác thì chưa thể nói được”, ông Sơn cho biết thêm.
Với giao dịch bán khống, người đứng đầu VSD cho biết hiện luật không cấm nhưng chưa có văn hướng dẫn cụ thể. Khi có hệ thống công nghệ mới thì có thể dần dần triển khai vào năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Sơn cũng chia sẻ thêm, trong lần thay đổi pháp lý lần này, CCP (đối tác bù trừ trung tâm là một cơ chế hoạt động của trung tâm thanh toán bù trừ, trong đó CCP đóng vai trò là một chủ thể đứng giữa các bên giao dịch) sẽ được áp dụng cho thị trường cơ sở sau khi triển khai cho thị trường phái sinh năm 2018. Với CCP, Việt Nam có thể tháo gỡ vấn đề vướng mắc ký quỹ 100% khi đặt lệnh mua chứng khoán. Thay vào đó, nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ 10-20% giá trị mua.
Đây cũng là hạn chế duy nhất khiến Việt Nam chưa được thăng hạng theo FTSE Russell.
Dưới góc nhìn của nhà quản lý, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết cơ quan quản lý đang tập trung cao độ cho hoàn thiện khung pháp lý mới cho thị trường chứng khoán. Theo kế hoạch, đến 15/11, các cấp quản lý sẽ ký ban hành toàn bộ 4 nghị định và 11 thông tư hướng dẫn để đảm bảo có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Chứng khoán năm 2019 từ ngày 1/1/2021.
Điểm mới trong hệ thống pháp lý này không chỉ là về phát triển hệ thống kỹ thuật, hạ tầng công nghệ, mà thể hiện rõ quan điểm của cơ quan quản lý là thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán bền vững. Bởi vậy, từ năm 2021, chứng khoán Việt Nam sẽ thay đổi vượt bậc về chất và phát triển bền vững hơn.
Nguồn: NDH
Có thể bạn quan tâm: Tuyệt kỹ giao dịch bằng đồ thị nến Nhật
“Bộ vuốt” phân tích đồ thị cho những góc nhìn độc nhất về sức khỏe thị trường và những tín hiệu đảo chiều sớm