Giới đầu tư Hồng Kông đặc biệt quan tâm đến Việt Nam
Hiệp định tự do thương mại và đầu tư ASEAN – Hồng Kông (AHKFTA) được dự đoán sẽ tạo ra động lực mở rộng không chỉ quy mô về thương mại, mà còn cả về năng lực, chuyên môn cũng như các khía cạnh xã hội và văn hóa giữa các bên. Tuy nhiên, so với các nước thành viên ASEAN, Việt Nam được đánh giá đang sở hữu một số tiềm năng riêng, được giới lãnh đạo Hồng Kông đặc biệt quan tâm.
Trong làn sóng đầu tư khoảng 2 thập kỷ vừa qua, bên cạnh nhiều gã khổng lồ thì Hồng Kông từ rất sớm đã được nhắc đến như một bạn hàng tiềm năng của kinh tế Việt Nam.
Trải qua các giai đoạn phát triển đầy biến động, nhiều doanh nghiệp Hồng Kông đã định hình được vị thế của mình trong bối cảnh kinh tế chung tạị Việt Nam, điển hình như ngân hàng HSBC (từ 1870) và tập đoàn Sunwah (từ 1970).
Bước tiếp đến thời buổi hội nhập, trước những diễn biến mới về chính trị và kinh tế trên toàn cầu, vai trò của Việt Nam lại một lần nữa được khẳng định trong mắt các nhà đầu tư Hồng Kông khi trở thành một nhân tố quan trọng trong định hướng củng cố thị trường cũng như một mắc xích tại Đông Nam Á của mạng lưới hạ tầng kinh tế.
Gần đây nhất, dự án Vịnh Lớn (vành đai kinh tế kết nối 9 thành phố Quảng Đông từ Trung Quốc đại lục với Macau và Hồng Kông) sẽ giúp Việt Nam sở hữu các lợi thế đặc biệt khi là quốc gia Đông Nam Á có vị trí gần nhất với khu vực này – một yếu tố gây sức hút trong mắt các nhà đầu tư Hồng Kông.
Bên cạnh đó, môi trường kinh tế tại Hồng Kông cũng sẽ đem lại làn gió mới cho nền kinh tế Việt Nam – nhất là thông qua AHKFTA với các lộ trình đưa thuế hải quan về mức 0%, sẽ là tiền đề để các khu vực kinh tế, nhất là ngành hàng tiêu dùng hai khu vực, phát triển sôi động và tiếp cận được thị trường lớn hơn.
Trước các cơ hội được mở ra, Hội đồng phát triển Thương mại Hồng Kông (HKTDC) – cơ quan hàng đầu về xúc tiến và hỗ trợ doanh nghiệp của Hồng Kông – cũng đang có các hoạt động xúc tiến cụ thể tại Việt Nam trước bối cảnh hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2019.
Sau cuộc gặp gỡ với bà Magaret Fong hồi tháng 3, ông Nicholas Kwan – Giám đốc nghiên cứu của HKTDC, chính là lãnh đạo cấp cao tiếp theo từ cơ quan này mà TheLEADER có dịp trò chuyện, để lắng nghe quan điểm của HKTDC về vị thế của Việt Nam trong bức tranh chung AHKFTA.
Theo ông, những điểm chính của Hiệp định thương mại tự do giữa Hồng Kông và các nước ASEAN mới ký gần đây có những ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế khu vực và Việt Nam?
Ông Nicholas Kwan: Trước hết, Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN và Hồng Kông là hiệp định có khả năng tác động mạnh mẽ đến cả 10 nước thành viên ASEAN. Theo đúng tên gọi thì hiệp định này tác động lớn nhất ở khía cạnh tự do trong thương mại, không chỉ ở khu vực hàng hóa mà còn là dịch vụ, đầu tư và đặc biệt là tính pháp lý trong các chương trình hợp tác.
Do vậy, tựu trung lại, hiệp định sẽ tác động tương đối toàn diện đến mọi hoạt động hợp tác kinh tế giữa Hồng Kông và các nước ASEAN như Việt Nam.
Điểm quan trọng lớn nhất trong nội dung hiệp định này chính là cam kết cắt giảm thuế hải quan còn 0% giữa các nước tham gia như mô hình mà Hồng Kông đã làm (Hồng Kông sớm trở thành một cảng thương mại tự do, không áp dụng chính sách thu thuế đối với nhiều hàng hoá xuất nhập khẩu).
Cụ thể, các thành viên ASEAN cam kết giảm thuế theo lộ trình; trong đó, Việt Nam đã cam kết miễn thuế với tất cả hàng nhập khẩu từ Hồng Kông trong khoảng thời gian 25-35 năm. Dù không ngay lập tức nhưng ít nhất những kế hoạch cắt giảm này đã cụ thể lộ trình giảm thuế với các mặt hàng, giúp các doanh nghiệp nắm bắt rõ hơn để có các định hướng tốt hơn.
Bên cạnh khu vực thương mại hàng hóa, hiệp định còn tạo ra những ảnh hưởng về đầu tư. Hồng Kông có lượng đầu tư lớn vào khu vực ASEAN bao gồm cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp.
Câu hỏi đặt ra là tại sao những nhà đầu tư này không đầu tư trực tiếp đến các thị trường họ quan tâm, điển hình như nhiều nhà đầu tư Mỹ khi đầu tư tại ASEAN cũng phải thông qua việc đầu tư tại Hồng Kông? Lí do là vì những đơn vị này không am hiểu thương mại khu vực bằng Hồng Kông, thứ hai là vì Hồng Kông có các cơ chế và môi trường thương mại đơn giản, nhanh chóng và thẳng thắn (chính sách và thủ tục thuế đơn giản, thuế thấp, cảng thương mại tự do, tính linh hoạt của quỹ đầu tư…).
Nói cách khác, Hồng Kông đóng vai trò như một bên trung gian, giúp các khoản đầu tư được tiếp cận thị trường mong muốn nhanh hơn, đơn giản hơn, thuận tiện hơn.
Trên nền tảng đó, hiệp định thương mại tự do sẽ là sự cổ vũ mạnh mẽ hơn cho mô hình này với các cơ chế bảo hộ đầu tư cho các thành viên tham gia hiệp định, các khoản đầu tư sẽ “trôi chảy” hơn, mang tính “mở” nhiều hơn, không bị hạn chế (cấm) hoặc gặp cản trở ngại về pháp lý nhiều như trước.
Điều này cũng sẽ tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư đối với chính phủ Hồng Kông khi họ không phải lo về việc nguồn đầu tư đã đưa mà không biết khi nào sẽ bị lấy mất như một số trường hợp trên thế giới (trước AHKFTA, Hồng Kông cũng có chính sách bảo vệ nhà đầu tư nhưng hiệp định sẽ là yếu tố cộng thêm để các chính sách này vững chắc hơn, nhất là cho khu vực đầu tư dài hạn)
Dịch vụ cũng là khu vực được tác động bởi hiệp định tự do, dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế và chiếm khoảng 97% nguồn xuất khẩu từ Hồng Kông. Cụ thể, các sản phẩm dịch vụ mà Hồng Kông cung cấp thuộc các khu vực: tài chính, logistics, thương mại và pháp lý.
Thị trường tài chính Hồng Kông là một trong những thị trường sôi động bậc nhất sau London và New York. Chúng tôi cũng có hệ sinh thái các quỹ đầu tư, ngân hàng và cổ phần; do đó, bất cứ khi nào bạn cần đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư về tài chính, không nên bỏ qua những nền tảng (platform) từ Hồng Kông.
Ngoài ra, Hồng Kông còn có thế mạnh về dịch vụ tiếp thị, quảng cáo, độc quyền, hợp thức hóa sẽ là những hành trang hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp đầu tư khi ra biển lớn toàn cầu.
Thậm chí với những lĩnh vực không trực tiếp cần những dịch vụ này, chúng tôi vẫn có thể cung cấp các sản phẩm phù hợp hơn; điển hình như với khu vực bất động sản, bạn muốn xây dự án với các tiêu chuẩn như thân thiện môi trường, cảnh quan, quản lý năng lượng, an toàn… thì chúng tôi sẽ cung cấp các tư vấn các giải pháp và lộ trình cho các yêu cầu này.
Cuối cùng là về mặt hợp tác chuyên môn, ngoài thuế ra, trong thời buổi hiện tại, hợp tác không chỉ là thương mại và đầu tư, nền kinh tế luôn thay đổi và do đó việc học tập các cách làm, kinh nghiệm mới và cải thiện hệ thống (ví dụ như giáo dục-đào tạo) cũng rất quan trọng.
Ở nhóm này, Hồng Kông sẽ tập trung đến công nghệ (lĩnh vực phát triển nhanh chóng và sâu rộng) tại ASEAN vì chúng tôi các mô hình tiên tiến áp dụng công nghệ vào đầu tư cho thế hệ trẻ. Bản thân trong cam kết FTA chúng tôi có mục riêng dành cho việc hợp tác xây dựng hệ sinh thái kinh tế, đây chính là cách tiếp cận toàn diện hơn về hợp tác, giữa các doanh nghiệp, viện, ngành và quốc gia.
Vậy theo ông, nhà đầu tư Việt Nam cần chuẩn bị gì để có thể nắm bắt các cơ hội này tốt hơn?
Ông Nicholas Kwan: Ngoài những điểm chính trong hiệp định, chúng ta (các nước tham gia) còn cần nghĩ rằng mình sẽ tạo thêm được những giá trị cộng thêm gì cho đối tác.
Hồng Kông là đối tác nhập khẩu hàng lớn thứ 5 của Việt Nam nhưng xét về mặt dân số ít (7,5 triệu dân) thì Hồng Kông mua hàng Việt Nam còn nhiều hơn các đối tác thuộc top đầu với hàng trăm triệu dân (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc). Nói như vậy để hiểu rằng thị trường Hồng Kông sở hữu tiềm năng lớn thế nào với các nhà sản xuất Việt Nam.
Ngược lại, trong vòng 3 năm trở lại đây, Việt Nam cũng tiêu thụ khá nhiều mặt hàng đến từ Hồng Kông. Hiện nay, Việt Nam đang là bạn hàng lớn thứ 6 của Hồng Kông và lớn nhất tại Đông Nam Á.
Hàng hóa Việt Nam hiện nay có nhóm sản phẩm đến từ các nhà máy của các doanh nghiệp uy tín Hàn Quốc, Nhật Bản. Bản thân Hồng Kông cũng là kênh phân phối nguồn hàng này để xuất ra khu vực và thế giới. Xu thế này cũng ngày càng phổ biến kèm theo sự đáp ứng tốt của Việt Nam về vị trí, tiềm lực tài chính và thị trường nhân công của doanh nghiệp.
Việt Nam là nhà sản xuất và xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới về gạo và cà phê – đây cũng là những mặt hàng chất lượng mà Hồng Kông và thị trường khu vực cần. Do đó, doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng trên có thể xem Hồng Kông như một kênh phân phối để các mặt hàng này “ra biển lớn” dễ hơn.
Hồng Kông gần đây cũng là nước nhập khẩu lớn nhất của ngành hàng thực phẩm Nhật trên thế giới (chiếm 1/4 tổng lượng thực phẩm xuất khẩu trong năm vừa qua của Nhật), chúng tôi không tiêu thụ toàn bộ số sản phẩm này mà đem đi xuất khẩu cho khu vực.
Thực tế, Hồng Kông không đặt mục tiêu trở thành một “cửa khẩu” mà vì chúng tôi có mạng lưới logistics rộng, am hiểu sâu hơn về sự đa dạng thị trường nên sẽ giúp hàng hóa từ các đối tác lưu thông dễ dàng hơn.
Ông có thể chia sẻ thêm về các lĩnh vực tại Việt Nam thu hút đầu tư từ Hồng Kông trên nền tảng trợ lực từ AHKFTA?
Ông Nicholas Kwan: Ngoài các yếu tố đã nói ở trên, Việt Nam còn sở hữu hai khu vực tiềm năng khác sẽ thu hút giới kinh doanh Hồng Kông đến nhiều hơn trong thời gian tới.
Thứ nhất là khu vực thiết lập, tái định vị (re-locating) văn phòng, nhà xưởng tại Việt Nam. Lí do là vì Việt Nam vẫn đang sở hữu giá nhân công và nguồn nguyên liệu cạnh tranh. Đến thời buổi hội nhập, yếu tố này càng được củng cố thêm bởi chất lượng và hiệu quả ngày được nâng cao.
Mặt khác, chúng tôi cũng khuyên các nhà đầu tư đến Việt Nam cũng không nên lệ thuộc vào giá rẻ vì Hồng Kông hiểu rằng để thực sự nâng cao chất lượng mô hình sản xuất cũng đồng nghĩa với môi trường, lương bổng và cơ sở vật chất phải được đầu tư tốt hơn.
Thứ hai là sức hút từ thị trường hàng thời trang cao cấp với giá thành cạnh tranh, trên nền tảng tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh với thu nhập ngày càng tăng. Cần hiểu rằng, so với các khu vực hàng tiêu dùng cao cấp khác như hàng hiệu Mỹ, giá trị sản phẩm phần lớn được chi phối bởi yếu tố thương hiệu nên sẽ có giá thành cao, còn sự thật ít ai biết là nhiều sản phẩm trong số này đến từ các công ty gia công Hồng Kông.
Hiện nay các công ty này ngoài việc gia công thì đã mở thương hiệu riêng, với giá thấp hơn nhưng chất lượng và thiết kế không kém hàng cao cấp quốc tế, sẽ rất phù hợp với những thị trường như Việt Nam.
AHKFTA sẽ có hiệu lực vào đầu năm sau, ông có những dự đoán gì về quan hệ thương mại Hồng Kông – Việt Nam sau thời điểm đó?
Ông Nicholas Kwan: Thương mại, đầu tư sẽ là khu vực thay đổi đầu tiên và rõ nhất vì đây là những khu vực tương đối phức tạp, có sự tham gia của nhiều nhân tố. Trong bối cảnh tác động từ xung đột kinh tế Mỹ – Trung gần đây, hiệp định tự do sẽ có vai trò như một xúc tác giúp hạn chế phần nào các tác động xấu.
Giả định cho câu chuyện của Apple, hãng có rất nhiều bộ phận máy sản xuất tại nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc; nếu xảy ra chiến tranh thương mại thì Apple sẽ không nhận được kinh kiện từ Trung Quốc và do đó các thành phẩm từ Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam sẽ là điểm thu mua thay thế. Trong đó, Hồng Kông có thể đóng vai trò như một trung gian phân phối từ Trung Quốc đại lục.
Hồng Kông có lợi thế từ nguồn vốn “di cư” từ các nước lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc và mạng lưới thương mại rộng trong khi Việt Nam lại cần đầu tư và cửa ngõ ra các thị trường lớn trong đó có Trung Quốc đại lục. Vì thế trong tương lai, nếu Việt Nam có cơ chế thương mại đa chiều, hoàn thiện và thoải mái hơn, tôi tin rằng kim ngạch song phương sẽ tiến rất nhanh.
Cuối cùng là nhiều dự án, từ nhỏ đến lớn, sẽ được thực hiện với giá trị hàng triệu đô la (Việt Nam đã có rồi nhưng sẽ có nhiều hơn). Chúng tôi không kỳ vọng vào các khoản đầu tư khổng lồ nhưng lại tin tưởng rất cao vào chất lượng của các khoản đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới, theo nguyên tắc nền kinh tế lớn hơn thì không cần những khoản đầu tư giá rẻ, kém chất lượng.
Xin cám ơn ông!
Nguồn: Han Sovy / The leader