Gọi xe xưa rồi, giờ là gọi máy bay
Gọi xe xưa rồi, giờ là gọi máy bay! Những chiếc taxi bay có thể sẽ sớm xâm chiếm các bầu trời.
Ứng dụng gọi xe không mới và những chuyến bay trực thăng cũng vậy. Nhưng sự kết hợp giữa ứng dụng gọi xe và máy bay trực thăng vẫn còn rất hiếm. Uber là một trong số những doanh nghiệp kỳ vọng có thể thay đổi được điều ấy.
Kể từ ngày 9.6.2019, những người sử dụng thường xuyên ứng dụng của Uber có thể đặt chỗ trên Uber Copter. Dịch vụ mới này sẽ đưa khách bằng trực thăng từ khu hạ Manhattan ở New York đến sân bay JFK của thành phố. Để lướt qua đám đông kẹt xe ở bên dưới trong giờ cao điểm, hành khách phải chi từ 200-225USD nhưng lại tiết kiệm cho họ nhiều giờ đồng hồ, quãng thời gian phải bỏ ra khi lái ô tô trong điều kiện giao thông tắt nghẽn, trong khi bay bằng Uber Copter chỉ mất 8 phút.
Uber không phải là công ty đầu tiên tung ra dịch vụ như vậy. Voom, thuộc sở hữu của hãng sản xuất máy bay châu Âu Airbus, cũng cung cấp dịch vụ đặt máy bay trực thăng bằng ứng dụng trong điều kiện giao thông tắt nghẽn ở São Paulo và thành phố Mexico. Những dịch vụ gọi máy bay trực thăng như vậy cho phép các doanh nghiệp có được trải nghiệm bay trước khi ra mắt hạm đội taxi bay quy mô lớn trong tương lai. Các doanh nghiệp muốn tìm hiểu xem vào thời điểm nào trong ngày taxi bay có thể cất cánh được, mức giá nào các khách hàng tiềm năng sẵn sàng chi ra cho dịch vụ bay của họ và làm thế nào xe bay có thể di chuyển hành khách đến và đi từ các bãi đáp trực thăng. Việc thu nhập dữ liệu và có được trải nghiệm bay có thể mang đến cho các doanh nghiệp nói trên lợi thế cạnh tranh trước những đối thủ, một khi thị trường taxi bay cất cánh.
Những doanh nghiệp khác vẫn còn chờ đợi sự ra đời của những mẫu máy bay cải tiến hơn trước khi tung ra dịch vụ taxi bay. So với các máy bay trực thăng truyền thống, những chiếc máy bay bằng điện cất cánh và hạ cánh theo chiều dọc (eVTOL), hay được gọi là xe bay, lại có động cơ êm hơn trong khi nhu cầu bảo trì, bảo dưỡng lại ít hơn, theo Robin Lineberger, một chuyên gia tư vấn ngành hàng không vũ trụ tại Deloitte. Những đặc điểm này giúp các chiếc máy bay eVTOL dễ dàng được chấp nhận bởi các cư dân trong vùng và cũng hấp dẫn với các đơn vị vận hành nhờ chi phí thấp hơn. Nhưng trong khi xe bay đã và đang gây ra nhiều xôn xao thì hiện không có chiếc nào sẵn sàng để đưa vào khai thác thương mại. Hơn 70 công ty trong đó có Boeing và Airbus vẫn đang phát triển và thử nghiệm máy bay loại này.
Tuy vậy, chắc chắn một điều thị trường xe bay cực kỳ tiềm năng. Đó là kết luận của một nghiên cứu gần đây của công ty tư vấn Booz Allen Hamilton. Các tác giả của nghiên cứu này cho rằng chỉ tính tại Mỹ, sẽ có đủ lượng khách hàng sẵn sàng trả tiền để được đi nhanh hơn trong một thị trường taxi bay trị giá ít nhất 2,5 tỉ USD trong những năm đầu tiên hoạt động. Họ ước tính giá cước của một chuyến bay với loại máy bay eVTOL 5 chỗ ngồi là 6,25USD/dặm bay/hành khách, thấp hơn so với giá cước của một chuyến bay bằng trực thăng sử dụng dịch vụ Voom, vốn có giá cước lên tới 10 USD/dặm bay/hành khách. Những chiếc xe bay không người lái, hoàn toàn tự động có thể vận hành với giá cước còn thấp hơn nữa. Trong khi đó, đón một chiếc ô tô vẫn tốn của hành khách khoảng 3 USD/dặm.
Sau khi vượt qua các rào cản kỹ thuật, những chiếc taxi bay chạy điện vẫn cần được cấp phép bởi các cơ quan chức năng. Uber kỳ vọng dịch vụ taxi bay của Hãng là Uber Air (dự kiến sử dụng chiếc máy bay eVTOL có người lái) sẽ được phép cất cánh vào năm 2023. Airbus đang phát triển chiếc máy bay tương tự nhưng vẫn chưa công bố ngày ra mắt taxi bay. Lilium, một startup taxi bay của Đức, dự kiến sẽ hoạt động toàn phần ở nhiều thành phố trên khắp thế giới đến năm 2035. Nếu taxi bay bằng điện sớm trở thành hiện thực thì các dịch vụ thuê máy bay trực thăng truyền thống thông qua ứng dụng có thể sẽ chỉ là một xu hướng sớm nở tối tàn.
Nguồn: Nhịp cầu đầu tư