fbpx

Hệ quả với kinh tế toàn cầu khi các nước tăng lãi suất

Việc tăng lãi để hạ nhiệt lạm phát có thể khiến giá các đồng tiền biến động, danh mục đầu tư kém hiệu quả và chi phí rủi ro tăng.

Khi các ngân hàng trung ương phải chiến đấu với tình trạng lạm phát tồi tệ nhất một thập kỷ, họ quyết định đảo ngược chính sách nới lỏng tiền tệ. Hôm 4/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,5%, đồng thời thông báo sẽ sớm thu hẹp danh mục trái phiếu đang nắm giữ.

Còn tại Australia, ngân hàng trung ương cách đây không lâu vẫn dự kiến giữ nguyên lãi suất gần 0% cho đến 2024. Tuy nhiên, hôm 3/5, họ khiến các nhà đầu tư ngạc nhiên khi tăng thêm 0,25%. Ngân hàng Trung ương Anh thì lên kế hoạch hôm nay tăng lãi suất lên cao nhất kể từ năm 2009.

“Các ngân hàng trung ương đang lo sợ khi phải sử dụng chính sách tiền tệ để hạ nhiệt nền kinh tế. Họ không phản ứng thái quá, nhưng họ khiến tôi đặt câu hỏi liệu đó có phải là cách xử lý phù hợp cho vấn đề hay không”, Yvette Klevan, Giám đốc điều hành tại Lazard Asset Management, nhận xét.

Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm 2/3.Ảnh: Reuters
Chủ tịch Fed Jerome Powell hôm 2/3.Ảnh: Reuters

Dù giá cổ phiếu đi lên sau khi Fed tăng lãi suất, nhìn chung các thị trường tài chính vẫn đang điều chỉnh một cách đau đớn để phù hợp với môi trường thắt chặt tiền tệ. Thị trường chứng khoán toàn cầu giảm trung bình 8% trong tháng 4 do các nhà đầu tư dự báo lãi suất sẽ cao hơn và tăng trưởng kinh tế thấp hơn. Ngày 2/5, lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ có thời điểm chạm 3% – gần gấp đôi đầu năm.

The Economist chỉ ra 3 hệ quả của việc Fed và các ngân hàng trung ương quyết định tăng lãi suất. Đầu tiên là các tiền tệ bị định giá lại. Giá đồng đôla đã tăng 7% so với rổ tiền tệ trong năm qua. Mỹ cần nâng lãi suất hơn bất kỳ nền kinh tế lớn, phát triển nào khác, vì GDP và thị trường lao động đang phát triển quá nóng. Lãi suất tăng sẽ khiến đồng đôla thêm hấp dẫn, trong bối cảnh nhà đầu tư ngại mạo hiểm khi xung đột Ukraine vẫn căng thẳng và dịch bệnh ở Trung Quốc bùng phát.

Nổi bật nhất là sự tăng giá của đồng bạc xanh so với yen Nhật. Đồng tiền này hiện ở mức thấp nhất so với USD kể từ thập niên 70.

Thứ hai là phần bù rủi ro (risk premium) tăng lên khi các nhà đầu tư lo lắng về những cạm bẫy trong bối cảnh kinh tế mới. Ở Mỹ, các thước đo về “phần bù rủi ro lạm phát”, vốn tăng lên khi giá cả khó dự báo, đang ở mức cao nhất kể từ năm 1994.

Thanh khoản trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ dường như đang suy yếu, do nhà đầu tư lo ngại Fed có thể bán bớt trái phiếu. Ở châu Âu, chênh lệch lãi suất đi vay kỳ hạn 10 năm của chính phủ Đức và Italy đang tăng lên, do nguy cơ thắt chặt tiền tệ sẽ khiến Italy khó trả nợ hơn.

Tác động thứ ba là sự kém hiệu quả của các danh mục đầu tư vốn được thiết kế để miễn nhiễm với các cú sốc. Ở Mỹ, giá trị danh mục đầu tư gồm 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu đã giảm gần 12% trong năm nay. Danh mục kiểu này đã tạo ra lợi nhuận trung bình hàng năm là 11% giai đoạn 2008 – 2021,

Năm 2021 chứng kiến giá mọi tài sản lập đỉnh. Nhưng 2022 có thể là sự khởi đầu của “mọi thứ đều giảm”, với sự biến mất của lãi suất thấp.

Khi các nhà đầu tư gặp khó, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có thể dao động và cân nhắc lại việc thắt chặt tiền tệ. Nếu họ ngừng tăng lãi suất và để lạm phát tăng nóng, trái chủ sẽ mất tiền. Nhưng các tài sản thường tăng giá theo lạm phát, như cổ phiếu hay bất động sản, sẽ được hưởng lợi.

Cùng với đó, đồng USD giảm giá sẽ hỗ trợ nhiều nước định giá hàng xuất khẩu hoặc vay nợ bằng USD.

Tuy nhiên, nhiệm vụ của các ngân hàng trung ương là phải điều tiết kinh tế trong nước và ngăn lạm phát kéo dài. Theo Christopher Thornberg – chuyên gia tại Beacon Economics ở Los Angeles, các nhà hoạch định chính sách đang chạy đua để khắc phục vấn đề do chính họ tạo ra, đó là đợi quá lâu để loại bỏ các gói kích thích sau đại dịch. “Fed đã đưa quá nhiều tiền vào nền kinh tế. Chúng lớn một cách phi lý và không cần thiết”, ông nói.

Nỗi đau dường như vẫn còn ở phía trước. Các nhà đầu tư vẫn đang đánh cược rằng lãi suất của Mỹ sẽ còn tăng lên mức trên 3%. Nhưng mức đó vẫn không đủ cao để kiềm chế lạm phát cơ bản, vốn đã lên trên 5%. Theo dự báo, các yếu tố giữ lạm phát ở mức cao như thị trường lao động và nhà ở khan hiếm vẫn sẽ dai dẳng.

Vincent Reinhart – cựu nhà kinh tế cấp cao của Fed cho rằng Fed sẽ khó ngăn suy thoái khi hạ lạm phát. “Họ cần một chút may mắn để thay đổi sau một thời gian gặp vận rủi”, ông nói.

Phiên An (theo The Economist, WSJ)

Có thể bạn quan tâm:

Làm giàu từ chứng khoán bằng phương pháp VSA chính gốc

Nghiên cứu chuyên sâu về cách giao dịch của Wyckoff

Làm giàu từ chứng khoán bằng phương pháp VSA chính gốc: Nghiên cứu chuyên sâu về cách giao dịch của Wyckoff

ĐỌC THỬ

ĐẶT NGAY

Các viết cùng chủ đề