fbpx

Hiểu lầm tai hại từ cửu âm bạch cốt trảo cho đến tiền bạc, tiêu sản

Trong truyện Anh hùng xạ điêu (Kim Dung), Mai Siêu Phong cùng chồng là Trần Huyền Phong trộm được nửa quyển Cửu Âm Chân Kinh, từ đó ra sức luyện tập. Trong số những độc chiêu của bộ Cửu Âm, độc nhất là Cửu Âm Bạch Cốt Trảo, chuyên luyện bằng cách lấy ngũ trảo phập vô sọ người, óc bay tứ tung. Từ ngày vợ chồng nhà này luyện võ, số người chết để luyện Cửu Âm Bạch Cốt Trảo nhiều không kể xiết, đến nỗi hai cao thủ tà môn này được mệnh danh là Hắc Phong Song Sát.

Nhưng lẽ ra không nhiều người phải chết đến vậy. Bộ Cửu Âm là võ công Đạo gia chính phái, không lí gì lại luyện bằng phương pháp kinh khủng như thế. Mấu chốt là hai vợ chồng nhà này tư chất không được tốt, lại chụp phải bộ võ công quá cao cấp, nên đã hiểu sai. Như Chu Bá Thông có nhận ra, trong bộ gốc Cửu Âm có ghi: “Năm ngón phát kình, không gì cứng không phá được, chụp vào đầu óc như xuyên vào đậu hũ,” vốn ý muốn nói sau khi luyện thành thì có thể tấn công vào đầu đối thủ dễ như trở bàn tay (còn khi luyện thì thực ra phải luyện bằng cách đánh ngũ trảo vào đá). Hai vợ chồng Mai Siêu Phong đọc ba chớp ba nhá, hiểu thành phải dùng đầu người thì mới luyện được. Thế là cả hai vừa luyện sai (vì đầu người coi vậy mềm hơn đá), mà lại còn mang tiếng ác. Bởi mới nói, đọc mà không hiểu thì thà đừng đọc.

Tuy nhiên Mai Siêu Phong không phải là nạn nhân duy nhất. Chuyện đọc sách mắt nhắm mắt mở rồi hiểu sai có ở khắp mọi nơi. Trong xã hội tồn tại rất nhiều người thù ghét sự giàu sang. Họ nghèo khổ, thế rồi bắt đầu coi khinh tiền bạc ra mặt. Để củng cố cho luận điểm của mình, họ bắt đầu dẫn Kinh Thánh câu “Tiền bạc là căn nguyên của mọi tội ác.” (Money is a root of all kinds of evil.) Đến Kinh Thánh còn viết như vậy, há chẳng đúng hay sao!

Thực ra không phải vậy. Tất cả những hiểu lầm về tiền bạc này vẫn lại do đọc không kĩ. Nguyên câu này là “Vì lòng ham mê tiền bạc là căn nguyên của mọi tội ác” (For the love of money is a root of all kinds of evil), ý nói lòng tham mới là thứ sinh ra tội ác, chứ bản thân tiền bạc không có tội. Thế nhưng gì thì gì, hiểu sai vẫn dễ dàng hơn hiểu đúng, nên giờ đây vẫn có rất nhiều người, từ việc chỉ phải tránh lòng ham mê tiền bạc, đã hăm hở xung phong ghét luôn cả tiền.

Mà nói đâu xa, sự tiếp thu sai lệch, ba chớp ba nhá ở ngay trước mắt chúng ta đấy thôi. Trong bộ sách Dạy Con Làm Giàu nổi tiếng của Kiyosaki, bạn đọc Việt Nam thường rất hứng thú với khái niệm tiêu sản thần thánh. Định nghĩa theo sách dịch thì như sau: “Tài sản bỏ tiền vào túi các con, còn tiêu sản thì lôi tiền ra khỏi túi.” Nghe có vẻ hợp lí vô cùng.

Khổ một nỗi, khi bạn xách chữ tiêu sản đi trao đổi với các đồng đạo nước ngoài đọc bản tiếng Anh, thì họ sẽ không hiểu nó là gì, và thậm chí không hiểu theo ý của độc giả Việt luôn. Vốn ở bản gốc, Kiyosaki dùng từ “liability,” tức là “nợ.” Nước Mỹ ngày nay, người dân mua hàng thường không dùng tiền mặt, mà trả bằng thẻ tín dụng. Sau khi sử dụng thì mỗi kì, bên công ty thẻ sẽ gửi hóa đơn hàng hóa họ mua về. Nói cách khác, hàng hóa tiêu dùng mà người Mỹ mua đa số là đi vay để mua (mua trước, rồi thanh toán sau), tức là về bản chất được tài trợ bằng một khoản nợ. Mà nợ thì phát sinh lãi. Thế mới có câu “Tài sản bỏ tiền vào túi các con, còn tiêu sản thì lôi tiền ra khỏi túi.” Không hiểu sao dịch giả không đơn giản dịch đúng bản chất của từ “liability” là “nợ” (hoặc rõ ràng hơn chút là “tài sản mua bằng cách đi vay”) mà lại “sáng tạo” ra từ tiêu sản thần thánh mà ta biết ngày nay, để cuối cùng độc giả loay hoay muôn đời cứ nghĩ tiêu sản là… tài sản tiêu dùng hoặc là tài sản xài xong bị… tiêu bớt (nghe cứ như cục xà phòng).

Chu Bá Thông sau khi phát hiện sự tiếp thu sai lệch của Mai Siêu Phong, đã đem hết huyền cơ của Cửu Âm dạy cho Quách Tĩnh. Khổ một nỗi, Quách Tĩnh tư chất không được sáng sủa cho lắm, học mãi chẳng hiểu bao giờ. Cuối cùng, Chu Bá Thông bắt hắn học thuộc lòng từng chữ, từng chữ một, nhưng tuyệt nhiên chả thể dùng.

Nhưng dù gì đi nữa, chẳng thà học thuộc lòng từng chữ như Quách Tĩnh, còn hơn suy bậy rồi làm bạ như Hắc Phong Song Sát. Nếu đã không thể hiểu, chẳng thà lặng thinh chấp nhận rằng mình không hiểu, còn hơn nhắm mắt cắm năm ngón tay ác quỷ vào đầu người vô tội.

“Một thằng ngu có học thì còn ngu hơn thằng ngu vô học.” – Molière

Nguồn: ecoblader

Các viết cùng chủ đề