Học 4 cách “growth hacking” từ TikTok: chạm mốc 500 triệu người dùng chỉ trong 2 năm phát triển
Tik Tok không phải ứng dụng điện thoại duy nhất trên thế giới giúp tạo và chia sẻ video với thời lượng ngắn. Vậy bằng cách nào ứng dụng này có thể tăng trưởng đột phá, trở thành “Startup giá trị nhất thế giới” chỉ sau 2 năm ra đời?
TikTok là phiên bản quốc tế của ứng dụng điện thoại Douyin của công ty ByteDance, Trung Quốc. Ứng dụng này được ra đời vào tháng 9/2016. TikTok cho phép mọi người tạo video cho riêng mình với nhiều thế loại: khiêu vũ, nhảy tự do, trình diễn, hát nhép… Người dùng có thể tự do tưởng tượng và thể hiện bản thân trong các video có độ dài 15 giây để chia sẻ với bạn bè và cộng đồng.
Sau 2 năm phát triển, ngày 17/7/2018, TikTok tuyên bố chạm mốc 500 triệu người dùng và hiện tại được định giá $75 tỷ, cao hơn cả Uber. TikTok là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên iPhone trên phạm vi toàn thế giới quý I năm 2018 – tổng cộng 45,8 triệu lượt và vượt qua Facebook, YouTube và Instagram.
TikTok đã làm thế nào?
1. Xây dựng Micro-influencer từ các trường nghệ thuật
Trong những ngày đầu phát triển của mình, TikTok tập trung phát triển cộng đồng những nhà sáng tạo nội dung hơn là phát triển người dùng bình thường – những người xem video.
Mục tiêu của TikTok là tạo ra 1.000 người có sức ảnh hưởng, từ đó kéo theo việc phát triển một cộng đồng 1.000.000 người theo dõi những người này. Để tìm kiếm những người có khả năng tạo nội dung “viral”, TikTok không chọn những người nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn, mà tập trung vào những người có sức ảnh hưởng tầm trung – các “micro-influencer”.
Đó là các bạn trẻ có ngoại hình bắt mắt, các “hot boy”, “hot girl” ở các trường nghệ thuật và âm nhạc khác nhau ở Trung Quốc. Ngoài ra, TikTok còn kết nối với các mạng lưới đào tạo “ngôi sao Internet” ở Trung Quốc, hợp tác với các công ty này và hướng dẫn cho các “ngôi sao Internet” tạo ra nội dung “viral”.
TikTok trực tiếp sử dụng hệ thống của mình để đẩy lượt xem những người này lên cao, bằng cách phân phối nội dung lên “top” đầu các danh sách đề xuất, nhằm khuếch trương sự thành công của những người này để tiếp tục thu hút người tạo nội dung mới. Trường hợp thành công nhất của TikTok là cô gái có tài khoản “Đại Cổ Lạp K”, cô này là một sinh viên múa. Cô thường xuyên đăng tải các video múa 15 giây của mình, cô đạt 10 triệu người theo dõi trên TikTok chỉ trong thời gian kỷ lục là 30 ngày.
2. “Cộng sinh” trên các nền tảng lớn như Facebook, Youtube, Weibo, Jinri Toutiao
Một tuyệt chiêu “growth hacking” mà các Startup thường sử dụng khác là chiến lược “cộng sinh”. Nếu ngày xưa Youtube từng rất thành công khi thay đổi tính năng để có thể dễ dàng chia sẻ và phát thẳng video trên mạng xã hội My Space thì TikTok cũng sử dụng chiêu này để “lây lan” trên các “đại thụ” mạng xã hội như Faceook, Youtube, Weibo, Jinri Toutiao…
Các video thời lượng ngắn của TikTok không chỉ được người dùng lan truyền tự nhiên trên mạng xã hội lớn, mà TikTok còn chủ động đặt hàng các quảng cáo ngắn phát đi phát lại các video “mẫu” của mình trên Youtube. Rõ ràng đây là chiến lược “đánh thẳng vào lòng địch” khôn ngoan của TikTok.
Tuy vậy, vì đây là chiêu “bổn cũ soạn lại” nên khó còn có thể qua mắt các ông lớn. Từ tháng 3 năm 2018, hai mạng xã hội lớn của Trung Quốc là Weibo và Jinri Toutiao đã chính thức “cấm cửa” TikTok – như Facebook cũng dùng chiêu “cấm cửa” để Youtube không thể phát dễ dàng trên nền tảng của mình. Tuy vậy, TikTok có thể nói là đã có được độ phủ lớn và thu được rất nhiều người dùng trước khi bị các mạng xã hội này “bắt bài”.
3. Topic Marketing: Khơi gợi chủ đề để người dùng tự phát triển nội dung
Nếu như bạn từng đọc những nghiên cứu “The Tipping Point” (Điểm bùng phát) của tiến sĩ Malcom Gladwell, bạn sẽ biết 3 yếu tố quan trọng tạo nên một đại dịch, trào lưu “viral” là: “Quy tắc thiểu số, Yếu tố kết dính và Sức mạnh của hoàn cảnh”.
TikTok đã áp dụng những nguyên tắc này một cách rất xuất sắc. Đầu tiên họ chọn một dịp thích hợp, sử dụng các KOL hoặc người nổi tiếng để tạo ra một chủ đề, chủ đề đó là một đoạn nội dung rất dễ bắt chước, lặp lại, và tìm cách đẩy nó thành một hiện tượng nhờ vào hệ thống phân loại bằng hashtag.
Một trào lưu “viral” toàn cầu mà TikTok đã tạo ra gần đây là trào lưu quay video “đặt cằm lên tay”. Vào ngày Valentine năm nay, TikTok kết hợp với ngôi sao Hàn Quốc Lee Jong Suk đã đăng tải một video anh này đặt cằm lên tay một người khác rồi mỉm cười ngọt ngào và đi kèm với hashtag “#iamyourvalentine”. Video này đã thu được hơn 680.000 lượt thích trên TikTok trong vòng một tuần và trở thành hiện tượng trên toàn thế giới khi hàng nghìn người cũng quay video bắt chước theo ngôi sao Hàn Quốc.
4. Địa phương hóa để tiến ra toàn cầu
Một năm sau khi Douyin được ra mắt tại Trung Quốc, ByteDance đã cho ra đời phiên bản tiếng Anh của Douyin là TikTok và cho ra mắt tại nhiều thị trường khác như Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Vẫn sử dụng “combo” chiêu thức như trên, nhưng TikTok đã “địa phương hóa” các chiến lược của mình cho phù hợp với văn hóa bản địa.
Tại các quốc gia ngoài Trung Quốc, TikTok tiếp tục kết nối với các nghệ sĩ, các “micro-influencer” tại địa phương – những người chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. TikTok tìm hiểu về âm nhạc và văn hóa địa phương, cho ra đời những khung video, đoạn video mẫu theo các đoạn nhạc, những lời thoại hài hước của từng quốc gia. Ví dụ như trào lưu vẽ mặt ở Indonesia, hay các video chủ để K-pop ở Hàn Quốc.
Nguồn: Tri thức trẻ
Có thể bạn quan tâm: Sách Marketing giỏi phải kiếm được tiền – The End of Marketing as We Know It