Huyền thoại tài chính: “Napoleon của Phố Wall” – J.P. Morgan
Nếu trong lịch sử cận và hiện đại, người có thể so sánh sự giàu có với Vua dầu lửa Rockefeller – đứng đầu danh sách những người giàu nhất lịch sử – đó chính là J.P. Morgan. Nhiều người cho rằng nếu đặt mục tiêu làm giàu trên hết, tổng tài sản của J.P. Morgan hẳn phải hơn nhiều lần so với Rockefeller.
Sự nghiệp
Morgan bắt đầu nghiệp ngân hàng vào năm 1857 tại chi nhánh của cha mình ở London. Năm 1858, ông sang thành phố New York làm cho Ngân hàng Duncan, Sherman & Company – đại diện tại Hoa Kỳ của George Peabody & Company.
Từ năm 1860-1864, ông làm đại diện cho Công ty J. Pierpont Morgan & Company của cha ông tại New York. Với vai trò này, ông phát triển quan hệ với giới tài chính tại Hoa Kỳ và Anh, 2 cường quốc nắm giữ sức mạnh kinh tế và chính trị thế giới thời bấy giờ.
Năm 1870, J.P. Morgan cho Chính phủ Pháp vay tiền trong cuộc chiến tranh chống lại Ottovon Bismarck, người lập nên đế chế Giéc-manh. Sự kiện này làm cho J.P. Morgan trở thành tập đoàn đầu tiên tìm đến đối tác mới đầy tiềm năng: chính phủ các nước.
Năm 1871, ông cùng gia đình Drexels ở Philadelphia thành lập Ngân hàng Drexel-Morgan tại New Yorks. Anthony J. Drexel trở thành người thầy của Morgan. Hãng Drexel-Morgan cho nhà đầu tư xây đường ray xe lửa vay những khoản tiền khổng lồ.
Đồng thời, hãng cũng là chủ nợ của các tập đoàn công nghiệp lớn ở Hoa Kỳ trong những năm 1880.
Sau cái chết của Anthony Drexel, công ty đổi tên thành J.P. Morgan & Company năm 1895 và giữ quan hệ gần gũi với công ty Drexel & Company ở Philadelphia, Morgan, Harjes & Company ở Paris và J.S. Morgan & Company (năm1910 đổi tên thành Morgan, Grenfell & Company) ở London.
Thông qua các chi nhánh của J.P. Morgan và các ngân hàng khác, tín dụng được cấp cho các công ty Hoa Kỳ đang tăng trưởng và thiếu hụt vốn, đặc biệt trong thời kỳ nội chiến. Sau khủng hoảng tài chính năm 1893, Morgan hoạt động tích cực hơn trong lĩnh vực đường sắt, tham gia tái thiết một số tuyến đường sắt ở miền đông Hoa Kỳ.
Ông cũng góp phần giao dịch một lượng lớn chứng khoán của Chính phủ Hoa Kỳ. Năm 1889, ông bắt đầu tham gia lĩnh vực hợp nhất các ngành công nghiệp, thành lập US Steel – công ty có giá trị tỷ USD đầu tiên trên thế giới.
Ông cũng tham gia thành lập International Harvester và General Electric. J.P. Morgan quan tâm tới các hệ thống lớn và ổn định nhiều hơn một vài chu kỳ tăng trưởng bùng nổ.
Công cuộc Morgan hóa
Con đường dẫn đến quyền lực của Morgan đi kèm với những cuộc chiến tài chính quyết liệt. Năm 1869, ông tranh giành quyền kiểm soát Albany và Susquehanna Railroad từ Jay Gould và Jim Fisk. Ông đánh bại những đặc ân tài chính từ Chính phủ đối với Jay Cooke và trở thành nhân vật quan trọng trong hoạt động phát triển và cung cấp tài chính ngành đường sắt.
Ông huy động được lượng lớn ngân sách ở châu Âu, nhưng thay vì chỉ quản lý quỹ ông tái cấu trúc, sáp nhập giúp ngành đường sắt đạt hiệu quả hơn.
Năm 1885, ông tái cấu trúc New York, West Shore & Buffalo Railroad rồi cho New York Central thuê. Năm 1886, tái cấu trúc Philadelphia & Reading và năm 1888 là Chesapeake & Ohio.
Ông có liên hệ mật thiết với trùm đường sắt James J. Hill và Great Northern Railway. Quá trình thâu tóm và tái cấu trúc của Morgan được biết đến với tên gọi “Morgan hóa”.
Các doanh nghiệp nằm trong danh sách “Morgan hóa” đều trở thành điểm hút nhà đầu tư. Nhà đầu tư thấy tên Morgan trên cổ phiếu hay trái phiếu là như nhìn thấy một sự bảo đảm và tin tưởng.
Napoleon của Phố Wall
Morgan cũng được mệnh danh là “Napoleon của Phố Wall”. Suốt nửa sau thế kỷ 19, các ngân hàng của Morgan đã biến nền kinh tế non trẻ của Hoa Kỳ thành một cường quốc công nghiệp mạnh nhất thế giới. Đến đầu thế kỷ 20, Morgan đã thành lập những tập đoàn công nghiệp khổng lồ cho Hoa Kỳ và khiến trung tâm tài chính thế giới dịch chuyển từ London sang New York.
Morgan còn đóng vai trò “thủ lĩnh làm luật” cho nền tài chính Hoa Kỳ. Khi có một sơ suất trong bộ máy vận hành, lập tức những người điều hành sẽ bị Morgan sa thải. Quyền lực của J.P. Morgan không chỉ có được nhờ số tài sản khổng lồ, mà còn nhờ vào uy tín, lòng tin cậy của các ngân hàng trên khắp thế giới dành cho thuyền trưởng của họ.
Năm 1895, Morgan đã giải cứu Chính phủ Hoa Kỳ khỏi tình trạng khó khăn tài chính do không còn đủ lượng vàng cần thiết đảm bảo cho chế độ bản vị vàng. Ông huy động được 65 triệu USD cho ngân khố để làm dự trữ quốc gia. Năm 1907, nỗ lực đầu cơ đồng thất bại đã đẩy Phố Wall vào cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng.
Chính phủ Hoa Kỳ, lúc này chưa có ngân hàng trung ương, buộc phải tìm đến sự giúp đỡ của Morgan. Thông qua các chi nhánh mua bán hàng hóa của mình, Morgan trở thành mũi nhọn quan trọng trong khu vực tư nhân để hóa giải tình thế khó khăn, giúp công chúng khôi phục niềm tin vào Chính phủ và hệ thống ngân hàng.
Nỗ lực của Morgan cũng góp phần hình thành quan điểm ngân hàng trung ương. Đến năm 1912-1913, hệ thống Dự trữ Liên bang được xây dựng và vận hành như một ngân hàng trung ương (FED hiện nay).
Nguồn: Saigondautu