James Harmon: Ông vua của những thương vụ đầu tư vùng hoang dã
Tập đoàn Caravel của James Harmon tìm cơ hội đầu tư ở những nơi không giống bất cứ nơi nào trên thế giới.
Nếu coi James A. Harmon là một nhà đầu tư đi ngược trào lưu thì chúng ta đã đánh giá thấp ông. Vị chủ tịch Quỹ quản lý Caravel có trụ sở tại New York – một công ty đầu tư theo cách mà người ta gọi là đầu tư ở các thị trường hoang dã – đang tìm kiếm những cơ hội kinh doanh ở những nơi rất ít người dám dấn thân vào. Quỹ Caravel đã từng đầu tư tiền vào những thị trường bất ổn nhất thế giới như Lebanon và Pakistan – nơi mà những cuộc bạo động chết người vẫn đang diễn ra tràn lan; hay Bangladesh – nơi mà nạn nghèo đói diễn ra ngày càng trầm trọng bởi những trận bão lũ diễn ra hàng năm, và thậm chí cả ở Zimbabwe – nơi lạm phát đã phi mã lên đến 500.000% bởi nền kinh tế bị tàn phá dưới sự cai trị của Tổng thống Robert G. Mugabe.
Nếu thực sự nghĩ rằng quá tệ – thì đó mới là điểm mấu chốt. Ông Harmon tiết lộ rằng: “những rủi ro đã bị phóng đại lên”. Biêt cách khai thác khoảng cách giữa ý niệm thông thường và thực trạng của thị trường đã mang lại những thương vụ đầy lợi nhuận. Harmon lập Quỹ quản lý Caravel – theo tên một con tàu thám hiểm sau thế kỷ 15 – vào tháng 10 năm 2004 với số vốn 1 triệu USD. Hiện nay, quỹ này đã quản lý số tiền lên đến 150 triệu USD và đang hướng tới con số 500 triệu USD vào cuối thập kỷ này. Tính đến 30 tháng 11, khi các con số báo cáo tài chính được công bố, công ty đã đạt mức lợi tức thuần (sau thuế ) là 224% kể từ ngày hoạt động, so với chỉ số thị trường mới nổi MSCI là 179% và 41% của chỉ số chứng khoán 500 Standard & Poor.
Những mối liên hệ
Ở thời điểm mà dường như mọi cơ hội ở các thị trường mới nổi đã bị xới tung lên, thì nhà đầu tư cần dũng cảm và có mối quan hệ tốt để tìm ra những cơ hội mới. Kinh nghiệm nghề nghiệp của Harmon đã đặt ông vào một vị trí hiếm có để nắm bắt được những cơ hội nhưng vậy. Trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Clinton, Harmon giữ vị trí lãnh đạo Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ – một cơ quan của chính phủ Mỹ nhằm giúp đỡ tài chính cho việc xuất khẩu hàng hóa Mỹ ra nước ngoài. Trước đó, ông đã làm việc 38 năm tại Phố Wall, nắm vị trí trụ cột tại Ngân hàng đầu tư Schroder Wertheim New York. Ngày nay, Harmon là trụ cột của cả hai nơi này, ông bay đến Washington ít nhất một lần một tuần để thảo luận với các chính trị gia và đàm đạo thường xuyên với các nguyên thủ nước ngoài khác. David W.Blood – đồng quản lý của Quỹ Quản lý đầu tư Thế hệ, công ty ông đồng điều hành cùng cựu Phó tổng thống Mỹ Al Gore – một người bạn chung, cho biết: “Ông ta (Harmon) là một nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm và người am hiểu tài chính. Trong lĩnh vực đầu tư tại các thị trường hoang dã, bạn không thể có được sự kết hợp hoàn hảo hơn thế”.
Những mối liên hệ trong ngành ngân hàng của Harmon đã được chứng minh cho thấy vô cùng giá trị, giống như những mối quan hệ về chính trị của ông. Theo những người thân cận với công ty của ông, công ty đã thu hút được 15 triệu USD mỗi quý từ các nhà đầu tư – mà rất nhiều người trong số họ là những người của công chúng. “Đó chỉ là sự truyền miệng” ông nói, “và tôi thích điều đó”. Trong những năm 1980, Harmon là thành viên Hội đồng quản trị của công ty Orion Pictures, nơi đã cho ra đời các bộ phim của đạo diễn Woody Allen và bộ phim dành giải Oscar “Nhảy múa cùng bầy sói”. Và ông còn là chủ tịch không điều hành của hãng Warner Music (WMG). Hơn nữa, người bạn đời chung sống 50 năm với ông, Jane, là nhà sản xuất hàng đầu dựng những vở kịch tại Broadway như “Lái xe cho Mss Daisy” và vở kịch đoạt giải Tony năm 1997 “Đêm cuối cùng của Ballyhoo”. Trong số bạn bè của Harmon còn có cả Arnold Schwarzenegger, Thống đốc bang California.
Làm ông chủ ngân hàng một cách tình cờ
Harmon, 72 tuổi, người thanh mảnh bởi duy trình lịch chạy 4 dặm mỗi ngày, đã đến với ngành tài chính đỉnh cao bằng sự tình cờ. Sinh ra tại thành phố New York và lớn lên gần Mamaroneck – thành phố New York, là con của một luật sư và chủ cửa hàng, ông theo học văn học Anh tại trường đại học Brown năm 1953. Công việc làm thêm mùa hè như một nhà môi giới chứng khoán tại công ty Hansetic New York đã khơi gợi sự hứng thú của ông đối vơi Phố Wall. Sau khi hoàn tất bằng thạc sỹ (MBA) của trường Wharton năm 1959, Harmon đã dành 15 năm sau đó làm việc cho Hanseatic, nơi ông chuyển sang làm việc trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư. Năm 1974, ông gia nhập Wertheim, thăng tiến dần lên làm chủ tịch và giữ chức tổng giám đốc (CEO) năm 1986. Trên tất cả, Harmon có một sự quan tâm mạnh mẽ đến chính trị. Ông phụ trách tài chính cho chiến dịch tái bầu cử năm 1993 của ứng cử viên đảng Dân chủ ở New York, Mayor David N. Dinkins và vào năm 1996, ông đã giúp quyên góp số tiền 100.000 USD cho chiến dịch tái bầu cử của tổng thống Clinton.
Cuộc đời làm ngân hàng của ông đã thay đổi năm 1997, khi Tổng thống Mỹ bổ nhiệm ông phụ trách Ngân hàng xuất nhập khẩu Hoa Kỳ. “Tôi đã không biết nó là cái gì” ông cho biết điều này tại văn phòng của ông, nơi có khung cảnh nhìn ra Công viên trung tâm New York. “Tôi đã phải dành thời gian tìm hiểu nó”. Ông thừa nhận việc bổ nhiệm đã không được nhận thức một cách đúng đắn, ông sớm nhận ra mình bị đặt giữa tâm của một cơn bão mà không giống những gì ông đã điều hành trước đó: cuộc khủng hoảng của các thị trường mới nổi cuối những năm 1990.
Chỉ sau một tháng khi sự bổ nhiệm của ông được Thượng viện thông qua, đồng tiền Thái lan sụp đổ, và cuốn theo đó Indonesia, Malaysia và Hàn Quốc, và rồi toàn bộ phần còn lại của khu vực (châu Á). Ông cho biết, tại Seoul, ông chứng kiến những đám người thất nghiệp tuyệt vọng đi kèm với hàng đoàn người xếp hàng dài trên đường phố, quyên góp nữ trang nhằm giúp vực dậy đồng nội tệ nước mình. Ông Harmon nói: “tôi đã biết rằng sự phục hồi sẽ không còn xa nữa”. Và quả thực đúng như vậy. Hàn Quốc đã phục hồi rất nhanh, giờ đây đất nước này đang dần bước vào hàng ngũ các nước có nền kinh tế phát triển.
Một thập kỷ sau, Harmon vẫn còn đang sử dụng những kinh nghiệm như vậy – và các mối liên hệ cấp cao mà ông đã thiết lập được trong suốt chặng đường đó – khi ông “lao đầu” vào những thị trường biến động khó nhằn nhất. Quỹ Quản lý Caravel nắm giữ 34 hạng mục đầu tư tại 16 nước, bao gồm cả Kazakhstan và Zambia. Quỹ có tới 10% giá trị tài sản nằm ở Pakistan, nơi họ đầu tư vào hãng Adamjee, một công ty bảo hiểm đang phát triển nhanh chóng. Ngành bảo hiểm tại Pakistan vẫn còn đang ở giai đoạn “trứng nước”, thậm chí khi so sánh với thị trường này của các nước láng giềng. Ông Donald L DeVivo, trưởng bộ phận đầu tư của Quỹ Quản lý Caravel cho biết: “Khi nền kinh tế tiêu dùng của Pakistan cất cánh thì nhu cầu bảo hiểm cho tài sản, phương tiện cơ giới, và một loạt các sản phẩm liên quan tín dụng tiêu dùng và du lịch cũng sẽ tăng theo”. Tuy nhiên, rủi ro cũng rất cao: Pakistan đã từng rơi vào thời kỳ khẩn cấp khi đất nước này bạo loạn đòi nhà lãnh đạo Pervez Musharraf từ chức.
Còn tại Philippines, nơi có tới 14% danh mục đầu tư của Quỹ Caravel, quỹ này đã hỗ trợ DMCI, một công ty xây dựng lớn nhất nước này. Harmon ấn tượng với cách công ty này đã mở rộng việc xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng cung cấp nước và năng lượng cho những người thu nhập thấp – khi mà ở Philippine ngành xây dựng nhà ở đang bùng nổ trên diện rộng. Ông cũng chỉ ra rằng nền kinh của các nước Đông Nam Á, được trong sạch sau các cuộc cải cách về thuế và tài khóa, đang tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 30 năm.
Đánh cược ở Zimbabwe
Có lẽ ván bài mạo hiểm nhất của Caravel là ở Zimbabwe. Có khoảng 2% dạnh mục đầu tư của quỹ này nằm ở Tập đoàn bất động sản Dawn, nơi sở hữu và quản lý 10 khách sạn và các khu đất ở chưa được phát triển nằm trong thủ đô Harare, với nhu cầu du lịch ngày càng tăng – do sự yếu đi nhanh chóng của đồng bản tệ. “Đất đai và bất động sản của Dawn là rất trọng yếu và không bị đánh giá thấp bởi nền kinh tế đang bị xấu đi của nước này” ông DeVivo cho biết: “Với bất kỳ cách tính toán nào thì cổ phiếu ở đây vẫn đang quá rẻ”.
Không phải mọi thương vụ đầu tư của Caravel đều mang lại trái ngọt. Tháng 5 năm 2006, quỹ đã mua cổ phần trong công ty BMB Munai, một công ty nhỏ khai thác dầu mỏ ở Kazakh, với mức giá tương đương 10$ một cổ phiếu. Trong vòng vài tháng, cổ phiếu của công ty này đã rớt xuống mức 5,25$ một cổ phiếu. Harmon đã phải bán đi số lượng cổ phiếu nắm giữ vào tháng 12 năm 2006, thiệt hại gần 50% số tiền đầu tư. Hiện nay ông đang có kế hoạch cho cuộc phiêu lưu mới ở vùng lãnh thổ Palestin và Libang – nơi mà chiến tranh vẫn còn đang diễn ra. Nhưng trước tiên, ông đang thiết lập nền tảng quan hệ ngoại giao. Harmong cũng khuyến cáo Washington và các nước G8 còn lại nên đổ các khoản vay và viện trợ tới khu vực này, để thiết lập nền tảng cho hòa bình, và cuối cùng là đầu tư – như là một vòng tròn đạo đức.
Tất nhiên, những thị trường non trẻ mà Harmon đang đầu tư vào có thể trở nên rất tồi tệ, có thể làm nhà đầu tư hoảng loạn mà tìm kiếm những bến đỗ đầu tư an toàn hơn. Nhưng nếu linh cảm của ông được chứng minh là đúng, thì khi đó có thể gặt hái được những trái ngọt thực sự xứng đáng.
Quyền lực mới nổi
Trong một báo cáo ngày 26 tháng 10, chiến lược gia của tập đoàn Merrill Lynch (MER) Michael Hartnett Lucila Broid, đã miêu tả các nền kinh tế hoang dã – bao gồm Jamaica, Sri Lanka và Slovenia – là “các thị trường mới nổi của mới nổi”. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhóm 37 nước đại diện cho gần một tỷ người tiêu dùng và tạo ra tổng sản phẩm quốc nội 2,4 nghìn tỷ USD. Con số này vẫn rất nhỏ so với các nền kinh tế mới nổi truyền thống. Nhưng lợi tức của cổ phiếu thì tăng mạnh hơn nhiều. Báo cáo cũng chỉ ra rằng kể từ tháng 01 năm 2000, các nền kinh tế hoang dã có mức lợi tức hàng năm trung bình 24%, so với tỷ lệ 12% của các nền kinh tế mới nổi và 3% của các nền kinh tế phát triển.
Nguồn: Roben Farzad LA/Góc nhìn Alan
Có thể bạn quan tâm
Tủ sách tinh hoa chứng khoán – Đầu tư hiệu quả trong mọi thị trường