fbpx

Jeff Bezos – Hành trình trở thành người giàu nhất thế giới của ông trùm Amazon

Theo Forbes, Jeff Bezos đã giành vị trí cao nhất từ Bill Gates nhờ những bước nhảy vọt gần đây về giá trị cổ phiếu của Amazon sau một báo cáo tài chính ấn tượng hàng quý. Nhưng Bezos không phải là người có điều kiện ngay từ khi còn bé. Ông sinh ra là con trai của một bà mẹ 16 tuổi và một ông bố lười biếng, bên cạnh đó, ngay từ đầu ông cũng không đặt ra mục tiêu làm Giám đốc điều hành của một nhà lãnh đạo thương mại điện tử.

Jeff Bezos - CEO AmazonJeff Bezos - CEO Amazon
Jeff Bezos – CEO Amazon

Từ một cậu bé có tuổi thơ không trọn vẹn đến một nhà kinh doanh online

Jeff Bezos ra đời ngày 12 tháng 1 năm 1964 với tên khai sinh Jeffrey Preston Jorgensen. Cha của anh, Ted Jorgensen, đã gặp và hẹn hò với mẹ, Jacklyn Gise, khi cả hai đang học trung học. Khi Gise mang thai Bezos, bà mới 16 tuổi còn cha anh 18 tuổi, họ bay sang Mexico với số tiền của bố mẹ để kết hôn.

Jeff Bezos thời thơ ấu.
Jeff Bezos thời thơ ấu.

Jorgensen làm việc cho một đoàn kịch unicycle và làm việc tại một cửa hàng bán lẻ với mức lương 1,25 đô la một giờ, vì vậy ông không có nhiều tiền. Theo cuốn tiểu sử về Bezos “The Everything Store: Jeff Bezos và Age of Amazon”, ông bố Jorgensen là một kẻ nát rượu, khi Jeff Bezos 17 tháng tuổi, mẹ ông đã ly hôn với Jorgensen.

Năm 1968, bà Gise tái hôn với Miguel Bezos, một người Cuba di cư đến Miami vào năm 1962 và có vốn tiếng Anh ít ỏi. Jorgensen đồng ý để Miguel Bezos nhận nuôi con trai của mình và năm 4 tuổi, Jeffrey Preston Jorgensen trở thành Jeffrey Preston Bezos.

Theo một nhà văn viết về tiểu sử của nhà tỷ phú, dĩ nhiên là không ai biết được liệu quá khứ không bình thường có phải là yếu tố tạo cho Bezos sự thông minh, tham vọng và nhu cầu chứng minh bản thân không ngừng nghỉ hay không.

Tuy nhiên ông cũng có những điểm chung nhất định với những nhà tỷ phú khác: Hai nhân vật nổi tiếng khác của giới công nghệ là Steve Jobs và Larry Ellison cũng là con nuôi và đây được cho là nguồn cảm hứng tạo động lực thành công cho họ”.

Tuy không may mắn được lớn lên trong một gia đình đầm ấm vui vẻ như bao đứa trẻ khác nhưng Bezos lại được trải nghiệm nhiều điều kỳ thú qua những mùa hè ở nông trại cùng ông bà ngoại tại Texas.

Ông nói trong một bài phát biểu tại đại học Princeton vào năm 2010 rằng: “Tôi đã giúp ông bà sửa chữa cối xay gió, tiêm phòng cho gia súc và làm các việc vặt khác. Tôi cùng ông bà đã xem những bộ phim truyền hình dài lê thê vào mỗi buổi chiều, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần và bộ phim mà chúng tôi yêu thích nhất là “Days of our lives”.

Đôi khi tôi cũng đi du lịch đường dài với ông bà. Ông bà tôi là hội viên của Câu lạc bộ Caravan, một hội chuyên đi du lịch cùng nhau trên khắp Mỹ và Canada và cứ vài năm thì chúng tôi lại tham gia đoàn caravan”.

Khi còn trẻ, Bezos là một đứa trẻ thông minh: ông liên tục giành điểm cao khi học cấp 3, trở thành thủ khoa của năm đó và được nhận vào học sớm tại đại học Princeton. Khi học đại học, Bezos luôn ấp ủ ước mơ sẽ trở thành một nhà vật lý lý thuyết.

Nhưng sau đó, năm 30 tuổi, khi đang làm trong lĩnh vực tài chính ở New York, Bezos đã nảy ra ý định thành lập Amazon. Ông chia sẻ: “Tôi nhận ra một thực tế là tần suất sử dụng Internet đang tăng lên với tốc độ 2.300% mỗi năm. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy hoặc nghe thấy bất cứ thứ gì tăng nhanh như thế, và ý tưởng xây dựng một hiệu sách trực tuyến với hàng triệu đầu sách – một thứ đơn giản là không tồn tại trong thế giới vật chất – đã thu hút tôi”.

Vào thời điểm đó, Bezos vừa mới kết hôn được một năm. Ông nói với vợ rằng ông muốn bỏ việc và đi làm điều điên rồ này và có thể thất bại vì hầu hết những người làm startup đều như vậy và ông không chắc những gì sẽ xảy ra sau đó. May mắn thay, vợ ông không phản đối dự định này.

Amazon những ngày đầu đi vào hoạt động chỉ tập trung vào bán sách, khi đó, Bezos còn đích thân mang những gói hàng đến bưu điện trên chiếc xe Chevy Blazer 1987 để gửi cho khách hàng. Bezos nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2016 rằng: “Khi ấy, tôi chỉ nghĩ có thể một ngày nào đó chúng tôi sẽ có đủ tiền mua một chiếc xe nâng”.

Sau đó, Bezos tiếp tục mở rộng mặt hàng kinh doanh như băng đĩa nhạc và phim ảnh cho Amazon và thăm dò ý kiến khách hàng xem họ muốn được mua sắm thứ gì nữa từ Internet. Ông đã gửi một email tới 1.000 khách hàng được lựa chọn ngẫu nhiên và hỏi rằng ngoài sách, nhạc và phim, bạn muốn mua gì từ chúng tôi? Và danh sách ông nhận lại vô cùng dài… Đó là lúc ông nhận ra rằng mọi người muốn dùng thương mại điện tử để mua sắm mọi thứ”.

Ngày nay, Amazon bán gần như mọi thứ: từ giấy vệ sinh đến đồ điện tử, thời trang và đồ nội thất.

Từ ông trùm thương mại điện tử đến đế chế truyền thông

Thị trường biến đổi không ngừng, nếu không đổi mới thì các nhà kinh doanh rất dễ bị đào thải. Khi nhu cầu của người dùng thay đổi, Amazon cũng chuyển mình rất nhanh.

Không chỉ cung cấp cho khách hàng các mặt hàng mà họ cần, Bezos còn không ngừng nâng cấp chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm công nghệ. Việc ra mắt chương trình thành viên Prime, cho phép các hội viên được nhận hàng sau 2 ngày cũng như được xem rất nhiều phim chất lượng cao, là một ví dụ điển hình.

Ngoài ra, Bezos còn muốn vươn xa hơn nữa khi lấn sân sang lĩnh vực giải trí. Một trong những series phim được ưa thích nhất của Amazon là “Transparent” đã giành được 8 giải Emmy. Một chương trình như ‘Transparent’ không thể được ra đời trên kênh truyền hình quốc gia bởi để thành công, các nhà sản xuất sẽ bị chi phối nhiều bởi lượng người xem.

Nhưng nếu chiếu trên kênh truyền hình kỹ thuật số, họ có thể thay đổi quy trình sáng tạo, thu hút những kịch bản mới lạ để tạo ra những giờ chiếu ít thu hút đám đông nhưng cực kỳ lôi cuốn và có ảnh hưởng mạnh mẽ.

Không chỉ sản xuất các chương trình truyền hình, Bezos còn lấn sân sang mảng báo chí. Thông qua công ty Nash Holdings của mình, ông đã mua tờ báo Washington Post vào năm 2013 với giá 250 triệu USD. Bezos cho biết: “Tôi đã mua Washington Post vì nó đóng vai trò rất quan trọng trong những dự án tiếp theo của Amazon… Tôi muốn nó có thể tự duy trì và có lợi nhuận”.

mua Washington Post Đế chế của Bezos hiện nay đã đầy đủ tất cả các lĩnh vực sau khi thêm vào danh sách của mình siêu thị Whole Foods, cửa hàng giày trực tuyến Zappos, dịch vụ livestreaming Twitch chuyên phục vụ giới game thủ, đầu tư vào mạng xã hội Twitter và công ty phần mềm Basecamp.

Hiện nay khi đã đạt đến đỉnh cao của danh tiếng và sự giàu có, ông vẫn không ngừng nghĩ cách phát triển bản thân và sự nghiệp. Ông đang lên kế hoạch cho dự án không gian khi sáng lập ra công ty Blue Origin với mục tiêu tạo ra những gói du lịch không gian với chi phí hợp lý.

Bezos nói: “Đây là một giấc mơ thời thơ ấu. Tôi đã yêu thích việc thăm dò không gian và khám phá vũ trụ khi tôi mới 5 tuổi. Tôi đã xem Neil Armstrong đặt chân lên mặt trăng. Bạn không chọn niềm đam mê, mà chính niềm đam mê sẽ chọn bạn. Tôi bị ám ảnh bởi những ý tưởng về không gian và không ngừng suy nghĩ về nó”.

Ông tuyên bố: “Một ngày nào đó khi tôi 80 tuổi, được nhìn lại cuộc đời của mình và thấy rằng điều ý nghĩa duy nhất mà mình đã làm được là tạo điều kiện để tạo ra sự bùng nổ làn sóng khởi nghiệp trong lĩnh vực khám phá không gian, thì tôi sẽ cảm thấy cực kỳ, cực kỳ hạnh phúc”.

Nguồn: Nguyễn Linh (Trí thức trẻ)

Các viết cùng chủ đề