John Gutfreund – Huyền thoại “Trò bịp Phố Wall”
John Gutfreund – người được mệnh danh là “Ông vua của Phố Wall” và từng là Chủ tịch của ngân hàng huyền thoại Salomon Brothers.
Nhiều người sẽ nói rằng sự kiện Gutfreund qua đời chính là một dấu chấm hết chính thức cho một thời kỳ đặc biệt trong lịch sử phố Wall, khi mà ở nơi đây đầy rẫy những nhà giao dịch trái phiếu mạnh bạo sử dụng những mánh khóe dối trá để mang về cho bản thân số tiền khổng lồ.
Huyền thoại nhấn chìm Phố Wall
John Gutfreund đã trải qua 38 năm ở Salomon Brothers – ngân hàng một thời được ca ngợi là “tổ chức giao dịch vĩ đại nhất mà thế giới từng biết đến”. Thành lập năm 1910, đây là một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất phố Wall (trong thập kỷ 1980. Năm 1984, tổng tài sản của ngân hàng này đạt mốc 34 tỷ USD.
Gutfreund biến Salomon thành tổ chức thống trị thị trường trái phiếu chứng khoán hóa, quản lý sàn giao dịch có quy mô bằng một cả một sân bóng đá. Dưới triều đại của ông, Salomon bước vào những canh bạc lớn bằng tiền mặt của nhà đầu tư và bán những trái phiếu đảm bảo bằng tài sản thế chấp (MBS) đầu tiên. Dưới bàn tay của ông, Salomon từ một công ty liên doanh tư nhân trở thành công ty đại chúng.
Thế nhưng sau những ánh hào quang cũng là bóng tối. Sự nghiệp của Gutfreund đột ngột chấm dứt vào năm 1991, sau vụ scandal đấu giá trái phiếu lớn nhất trong lịch sử Phố Wall. Salomon bị phát hiện kiểm soát tới 94% số trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm được bán ra tại một buổi đấu giá và hiển nhiên đã vi phạm luật pháp.
Vụ bê bối khiến Gutfreund buộc phải từ chức. Đây chính là một trong những cú trượt ngã đau nhất của một vị CEO trên Phố Wall. Warren Buffett lúc đó đang nắm giữ một lượng lớn cổ phần ở đây và đã phải ra tay cứu giúp để vực dậy Salomon sau bão scandal. Sau này Charlie Munger – người phụ tá trung thành của Buffett – từng so sánh bộ phận giao dịch của Salomon giống như “một sòng bạc có cả một nhà hàng ở mặt tiền”.
Năm 1992, Salomon chịu án phạt 290 triệu USD để giàn xếp vụ bê bối này với Ủy ban chứng khoán Mỹ và các cơ quan quản lý khác.
Trong những năm sau đó, Gutfreund sống một cuộc đời ẩn dật với vai trò là cố vấn cấp cao của ngân hàng đầu tư C.E. Unterberg.
Quá khứ của ông vua “bịp bợm”
Sinh ra ở Scarsdale (New York), Gutfreund từng theo học ngành ngôn ngữ Anh tại Oberlin College và đã có thời gian tham gia vào lực lượng quân đội Mỹ ở Hàn Quốc. Năm 1953, ông gia nhập Salomon và trở thành nhà giao dịch trái phiếu. Kể cả khi đã làm quản lý, Gutfreund vẫn giành nhiều giờ mỗi ngày để vừa hút thuốc vừa chơi chứng khoán.
Trong cuốn sách “Trò bịp trên Phố Wall”, cựu giao dịch viên Michael Lewis của Salomon đã hồi tưởng về quãng thời gian 4 năm làm việc ở đây và vẽ nên bức tranh trần trụi về những mánh khóe mà Salomon đã áp dụng.
Đối với Michael Bloomberg, người từng có 15 năm làm việc ở Salomon cho đến khi ngân hàng này bị bán cho Philipp Brothers năm 1981, Gutfreund là một người truyền cảm hứng. Trong cuốn tự truyện xuất bản năm 1997, Bloomberg đã nhớ lại cuộc trò chuyện với Gutfreund về tiền lương sau khi ông tốt nghiệp Harvard và được nhận về Salomon làm việc. Gutfreund trả cho Bloomberg mức lương 9.000 USD mỗi năm, thấp hơn 5.000 so với lời đề nghị của Goldman Sachs. Bloomberg đã đưa ra con số 11.500 USD, và đáp lại Gutfreund đã nói: “Được thôi. Cậu sẽ có lương 9.000 USD và khoản nợ 2.500 USD”.
Nhiều người sẽ nói rằng sự kiện Gutfreund qua đời chính là một dấu chấm hết chính thức cho một thời kỳ đặc biệt trong lịch sử phố Wall, khi mà ở nơi đây đầy rẫy những nhà giao dịch trái phiếu mạnh bạo sử dụng những mánh khóe dối trá để mang về cho bản thân số tiền khổng lồ.
Hoai An Le (Tổng hợp theo Vietnamfinance)
Tham gia Cộng đồng Happy Live – Đầu tư tài chính & Thịnh vượng