fbpx

John Templeton: Bí quyết săn lùng cổ phiếu hạ giá toàn cầu

Sir John Templeton đã trở thành nhà đầu tư huyền thoại nhờ tiêu thụ các cổ phiếu giá rẻ ở những thị trường đang trỗi dậy như Nhật Bản và Argentina cho Quỹ Phát triển Templeton của ông từ các thập niên 1950 và 1960, khá lâu trước khi khái niệm này trở nên phổ biến.

Nhưng vụ đầu tư lớn đầu tiên của ông diễn ra ở thị trường Mỹ. Năm 1939, dựa trên suy luận rằng chiến tranh sẽ khiến cho cuộc Đại khủng hoảng bắt đầu năm 1929 kết thúc, Templeton đã mua khoảng 100 USD giá trị mỗi loại cổ phiếu đang giao dịch dưới 1 USD trên các sàn giao dịch chứng khoán lớn của Mỹ. Chính xác là ông mua 104 cổ phiếu tất cả, bao gồm cả những công ty sắp phá sản. Bốn năm sau, một số “công ty của Templeton” đã không còn tồn tại nhưng nhiều công ty khác đã vượt lên và có những công ty tăng trưởng đến 12.500%! Ít ai biết, ngay từ vụ đầu tư lớn đầu tiên này, Templeton đã dùng 100% vốn vay. Ông không có số tiền 10.000 USD và ông đã vay toàn bộ số tiền này!

Sir John Templeton.
Sir John Templeton.

John Templeton sinh năm 1912 tại một thành phố nhỏ thuộc bang Tennessee, Mỹ. Khi ông học năm thứ hai ngành kinh tế học tại Yale, cuộc Đại khủng hoảng xảy ra và cha ông không thể tiếp tục đóng tiền học phí cho ông nữa. Thế là Templeton phải vừa học vừa làm để theo học nốt mấy năm cuối đại học. Ông đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, thậm chí còn giành được học bổng Rhodes của Trường Oxford, Anh. Ngay từ khi còn ở Yale, ông đã bắt đầu quan tâm đến cổ phiếu.

Tại Oxford, dù theo học chuyên ngành luật nhưng ông đã thật sự sẵn sàng trở thành một nhà cố vấn đầu tư nhờ nghiên cứu sâu về các quốc gia trên thế giới. Ông còn tranh thủ đi khắp châu Âu, Nhật Bản và thăm 35 nước khác nhau. Khi Templeton trở về Mỹ, ông được tuyển vào làm việc tại bộ phận tư vấn đầu tư của Merrill Lynch ở New York. Đến năm 1940, ông quyết định thành lập hãng tư vấn của riêng mình. Đến cuối Thế giới thứ hai, dù mới chỉ có một vài khách hàng nhưng kết quả làm việc của ông đã được đánh giá là xuất sắc. Tiếng tăm về năng lực của Templeton lan rộng, thế là tiền của bắt đầu đổ vào và vào năm 1954, ông đã thành lập quỹ đầu tư toàn cầu đầu tiên của mình.

Khi hãng tư vấn của ông tăng trưởng đến mức 300 triệu USD, Templeton nhận ra mình quá bận rộn với việc điều hành doanh nghiệp hàng ngày đến nỗi ông cảm thấy mình không đủ thời gian để suy nghĩ mà ông thì tin rằng để trở thành một nhà đầu tư thành công, bạn cần có thời gian dừng lại và suy ngẫm về những gì đang diễn ra. Nhưng thay vì chia sẻ hoặc giao phó bớt công việc của mình cho người khác, ông lại quyết định ngừng hoạt động vào năm 1969. Ông bán toàn bộ công ty cho Piedmont Management và có thể nói ở tuổi 56 ông bắt đầu làm lại từ đầu chỉ với Quỹ Phát triển Templeton – thứ mà Piedmont không đoái hoài khi mua lại doanh nghiệp này.

Ông rời nước Mỹ, chuyển từ cuộc sống gấp gáp của Wall Street sang một phong cách thư giãn hơn nhiều tại quần đảo Bahama. Hơn thế nữa, sau khi từ bỏ quốc tịch Mỹ và nhập quốc tịch Anh, ông có thể sống ung dung ở đó mà không phải trả thuế. Động thái khôn khéo này về sau đã tiết kiệm cho ông khoảng 100 triệu USD tiền thuế khi ông bán các quỹ tương hỗ của mình cho Tập đoàn Franklin vào năm 1992. Từ tháng 11-1954, khi ông bắt đầu gây dựng Quỹ Phát triển Templeton cho tới khi bán cho Tập đoàn Franklin vào năm 1992, ông đã đạt được mức lãi kép hàng năm là 15,5%, trong khi suốt thời kỳ đó chỉ số công nghiệp Dow Jones chỉ tăng 5,8%/năm.

Những món hời “Made in Japan”

Vào cuối thập niên 1960, Templeton bắt đầu đầu tư lớn vào Nhật Bản sau khi ông phát hiện ra rằng vẫn còn khá nhiều món hời ở Sàn Giao dịch chứng khoán Tokyo. Lúc đó, Nhật Bản được cả thế giới biết đến như điểm quy tụ của các loại hàng hóa “thứ phẩm, rẻ tiền”, thế nhưng cổ phiếu Nhật Bản thậm chí còn rẻ hơn, còn những công ty lớn mà các nhà đầu tư không để mắt đến thì đang được bán trung bình ở mức cao gấp 3 lần giá gốc. Trong khi đó, cổ phiếu Mỹ đang giao dịch ở cao gấp 15 lần.

Sir John Templeton bắt đầu đầu tư lớn vào Nhật Bản sau khi ông phát hiện ra rằng vẫn còn khá nhiều món hời ở Sàn Giao dịch chứng khoán Tokyo.
Sir John Templeton bắt đầu đầu tư lớn vào Nhật Bản sau khi ông phát hiện ra rằng vẫn còn khá nhiều món hời ở Sàn Giao dịch chứng khoán Tokyo.

Nhưng Templeton không chỉ muốn giá hời mà ông muốn có những món hời chất lượng cao. Ông liền lùng sục thị trường Nhật Bản để tìm những công ty được quản lý tốt với sản phẩm có tiềm năng tiêu thụ mạnh và mức tăng trưởng dự báo tối thiểu 15% mỗi năm. Khi tìm được một công ty như thế, ông mua ngay lập tức. Ông đã mua cổ phiếu của các công ty như Hitachi, Nissan, Matsushita và Sumitomo. Ngày nay, đây là những cái tên quen thuộc với cả thế giới nhưng hồi đó hầu như không một ai ở bên ngoài Nhật Bản biết đến. Ông dồn tiền vào thị trường Tokyo nhiều đến nỗi vào thời điểm ông hoàn tất việc mua cổ phiếu, tổng cộng ông đã đầu tư trên 50% các tài sản trong quỹ của mình vào những món hời “Made in Japan”.

Giá các loại cổ phiếu ở thị trường Tokyo lên đến đỉnh điểm vào đêm giao thừa năm 1989. Có những cổ phiếu được bán với mức lãi cao gấp 75 lần. Nhưng Templeton đã rút ra từ trước đó rất lâu. Sau này, ông tự thừa nhận là ông đã bán quá sớm. Ông hoàn toàn rút khỏi thị trường Nhật Bản vào năm 1986 khi cổ phiếu chỉ mới ở mức lãi gấp… 30 lần.

John Templeton hoàn toàn rút khỏi thị trường Nhật Bản vào năm 1986 khi cổ phiếu chỉ mới ở mức lãi gấp… 30 lần.
John Templeton hoàn toàn rút khỏi thị trường Nhật Bản vào năm 1986 khi cổ phiếu chỉ mới ở mức lãi gấp… 30 lần.

Dù Templeton đã bán quỹ đầu tư của mình vào năm 1992 để dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động tôn giáo và nhân đạo nhưng ông vẫn tiếp tục để mắt đến các thị trường. Vào năm 2000, ở tuổi 87, Templeton đã đột nhập trở lại vào thị trường chứng khoán để mua cổ phiếu của các công ty thương mại điện tử. Và trước khi thị trường này “xì hơi”, ông đã bổ sung 86 triệu USD vào tài sản của mình từ nguyên tắc “rút lui sớm” mà ông vẫn hay áp dụng. Đây quả là hành động đáng nể của một ông cụ già nua!

(*) Trích từ sách Bí quyết đầu tư và kinh doanh chứng khoán của tỷ phú Warren Buffett và George Soros do First News phối hợp với NXB Trẻ xuất bản.

Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng Online

Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Đầu tư giá trị từ A đến Z

tủ sách đầu tư giá trị

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề