Khác biệt mong manh giữa người trung lưu và người giàu: Bạn đang nằm ở đâu giữa ranh giới này?
Muốn trở thành người giàu, nhất định bạn phải hiểu sự khác biệt ngay từ trong tư duy. Giữa người trung lưu và người giàu tồn tại ranh giới mong manh sau đây.
1. Tầng lớp trung lưu sống thoải mái, người giàu thì không
Tác giả người Mỹ Peter McWilliams đã nói: “Để đạt được sự thoải mái, trước hết cần chuẩn bị sẵn sàng cho sự không thoải mái trước đã. Điều này có thể khó khăn nhưng vẫn rất rẻ nếu chi trả cho giấc mơ của mình”.
Ngay cả trong đầu tư hay trong cuộc sống, thứ mà đem lại sự thoải mái thường hiếm khi đem lại lợi nhuận. Công việc an toàn, quen thuộc, không phải đối mặt với nhiều khó khăn đương nhiên vô cùng thoải mái. Nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu cảm thấy hạnh phúc với điều đó.
Tuy nhiên, người giàu hiểu rằng, điều phi thường chỉ có thể xảy ra khi chúng ta đặt bản thân vào những tình huống không thoải mái. Với một người làm kinh doanh, phải dám dấn thân vào mạo hiểm thì mới mong gặt hái “trái ngọt”. Đây là nhân tố cần thiết để tạo ra sự giàu có, giúp đạt được kết quả vượt trội.
Do đó, những người luôn sẵn sàng bước ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân thường đạt được nhiều cơ hội hơn. Đôi khi, họ sẽ phải chấp nhận cuộc sống không thoải mái, nếm trải đủ loại thất bại, nhưng điều đó thật tuyệt vời vì nó sẽ giúp họ tiến gần hơn tới ngưỡng cửa của sự giàu có.
2. Tầng lớp trung lưu tiêu nhiều tiền hơn số kiếm được, người giàu thì ngược lại
Theo những nghiên cứu được thực hiện trong cuốn The Millionaire Next Door, các tác giả đã đưa ra nhận định rằng: Những người có khối tài sản triệu USD trở lên thường hiếm khi tiêu tiền của họ vào những thứ có giá trị khấu hao cao. Sẽ khó mà bắt gặp một triệu phú tầm trung đi chiếc xe 100.000 USD hay ở một ngôi nhà nhiều triệu USD.
Thay vì thế, họ luôn chi tiêu dưới mức mình kiếm được và đầu tư tiền bạc vào những tài sản có giá trị tăng theo thời gian. Cho dù có đủ tiền mua chiếc Escalade, họ cũng chỉ lái chiếc xe vài năm tuổi, không mua mới.
Họ ưu tiên dùng “tiền đẻ ra tiền” và việc này thường đem tới cảm giác thỏa mãn nhiều hơn là việc sở hữu một chiếc xe sang, một ngôi nhà đẹp.
3. Tầng lớp trung lưu cố gắng leo thang thăng chức, người giàu làm chủ chiếc thang đó
Nhà đầu tư Robert Kiyosaki nhận định: “Những người giàu nhất thế giới tìm kiếm các mạng lưới, còn những người khác thì tìm kiếm công việc”.
Muốn làm giàu, bạn nhất định phải biết cách kinh doanh và làm chủ. Quá trình này được tích góp trong khi đi làm thuê, quan sát và học hỏi từ những người xung quanh. Tuy nhiên, họ sẽ không đặt hết tâm trí vào việc làm thuê, không tìm cách để “leo thang” thăng chức.
Người giàu hiểu rằng họ cần nhiều người lao động làm việc cho mình để kiếm ra nhiều tiền hơn. Người giàu cũng hiểu được sức mạnh của thu nhập thụ động.
4. Tầng lớp trung lưu làm bạn với càng nhiều người càng tốt, người giàu chỉ chọn bạn khôn ngoan
Tỷ phú Warren Buffett từng nói: “Hãy kết thân với những người giỏi hơn bạn, hợp tác với những người có năng lực tốt hơn bạn, và bạn sẽ tự khắc đi theo hướng đó”.
Thường xuyên tiếp xúc với những người thành công, bạn sẽ học được thói quen của họ. Trong tình huống ngược lại cũng tương tự, những người thất bại và chán nản sẽ kéo chân ta xuống. Người ham thích chi tiêu sẽ kéo ta chi tiêu cùng họ, còn người thường xuyên tiết kiệm sẽ giúp ta hạn chế việc rút ví bừa bãi.
Người giàu hiểu rõ điều đó nên họ luôn đặt chất lượng của các mối quan hệ lên hàng đầu. Đó chính là cách để sắp xếp cho tư duy của mình được tiến bộ hơn mỗi ngày.
5. Tầng lớp trung lưu tập trung vào tiết kiệm, còn người giàu tập trung vào việc kiếm tiền
Diễn giả Brian Tracy đã nhận định rằng: “Khả năng kiếm tiền là tài sản lớn nhất của một người. Thời gian lại chính là nguồn lực giá trị nhất”.
Tiền kiệm là quan trọng, nhưng đầu tư càng quan trọng hơn, và khi bạn muốn làm được 2 điều đó thì phải kiếm được tiền.
Benjamin Franklin đã nói rằng: “Nếu bạn muốn giàu có, nên nghĩ về việc tiết kiệm cũng như kiếm tiền”.
Kiếm càng nhiều tiền thì hiệu quả tiết kiệm và đầu tư của bạn càng tốt hơn. Những người giàu hiểu điều đó nên dồn tâm sức để không ngừng tạo ra các cách kiếm tiền chứ không phải khả năng để tiết kiệm.
6. Tầng lớp trung lưu đánh giá thấp tiềm năng của họ, còn giới nhà giàu đặt ra những mục tiêu lớn
“Hãy cứ đặt ra cho bản thân những mục tiêu thật cao và đừng dừng lại cho đến khi đạt được nó” – Cầu thủ bóng chày nổi tiếng Bo Jackson.
Trong khi người thường chỉ đặt ra những mục tiêu an toàn, nằm trong tầm với của mình để tạo động lực kích thích bản thân hoàn thành thì người giàu thường đưa ra những điều vô cùng khó khăn. Một số tưởng chừng như “bất khả thi” hoặc thậm chí là “điên khùng”.
Nhưng họ luôn tin vào tiềm năng và sự đột phá của bản thân. Do đó, dù hiện tại chưa thể hoàn thiện, họ cho rằng chỉ cần tiếp tục nỗ lực thì tương lai không xa sẽ là lúc đạt mục tiêu này.
Khi bạn lập ra cho mình những mục tiêu, nên hỏi bản thân xem: Liệu đó có phải là tất cả những gì mà bạn có thể làm không, hay bạn có thể làm tốt hơn? Liệu có thể đặt ra mục tiêu cao hơn để nỗ lực nhiều hơn?
Theo: Lifehack
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách Trí tuệ tỷ đô của các bậc thầy đầu tư
Hấp thụ tinh hoa trí tuệ để trở thành nhà đầu tư tỷ đô