Sa vào “lưới nợ” vì dùng thẻ tín dụng
N.T.H, nhân viên mới tại một ngân hàng thương mại cổ phần ở Hai Bà Trưng, Hà Nội tâm sự: “Em giờ bạc cả đầu vì ngày nào mở mắt ra cũng chỉ nghĩ làm thế nào có tiền để trả nợ các ngân hàng”.
H kể, nhân viên thẻ của một ngân hàng nước ngoài suốt ngày điện thoại mời mở thẻ tín dụng với nhiều ưu đãi như hoàn tiền khi chi tiêu, giảm giá tới 50% khi sử dụng một số dịch vụ… nên cô bùi tai.
Quá trình sử dụng thẻ thì chỉ quẹt, không nhìn thấy tiền trong ví “ra đi” nên không thấy tiếc, đến hạn phải thanh toán cô mới tá hoả là đã chi tiêu rất nhiều.
“Bản thân em vốn cũng đang sử dụng thẻ tín dụng của chính ngân hàng mình làm việc và nợ trong đó cũng kha khá. Hàng tháng, khi được trả lương em đều tự động trích lương trả nợ ngân hàng. Phần còn lại chỉ đủ chi tiêu cá nhân, nên khi được thông báo thanh toán nợ thẻ tín dụng của ngân hàng nước ngoài kia, em thật sự không biết kiếm đâu ra tiền”, H nói.
Không dám xin tiền gia đình, H quyết định mở thẻ tín dụng của một ngân hàng khác để rút tiền mặt, thanh toán khoản nợ từ thẻ tín dụng của ngân hàng nước ngoài.
“Lương nhân viên mới rất thấp nên không đủ chi trả các khoản nợ thẻ tín dụng và 3 cái thẻ tín dụng cứ xoay vòng rút tiền mặt – thanh toán – rút tiền mặt – thanh toán trong cả năm ngoái. Rồi một ngân hàng nước ngoài khác có chương trình khuyến mại tặng xe đạp cho khách hàng mở thẻ tín dụng mới nên người nhà nhờ em đứng tên mở thẻ để lấy xe. Và rồi, kẹt tiền thanh toán thẻ tín dụng 3 ngân hàng kia, em lại rút tiền từ ngân hàng mới mở thẻ để trả nợ”, cô kể.
Nợ đã chồng nợ trong thẻ tín dụng của 4 ngân hàng. Trông đợi cuối năm được thưởng món kha khá trả nợ phần nào thì H nhận được thông báo: do Ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu nên thưởng chỉ mang tính chất tượng trưng.
“Vừa đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết thì đại dịch Covid-19 xuất hiện. Mới đi làm được 1 tháng, nhân viên toàn ngân hàng ngấm ngầm chia sẻ với nhau về tình hình kinh doanh rất khó khăn nên không loại trừ phương án cho nghỉ việc; thay nhau đi làm – nghỉ luân phiên; cắt giảm lương”, H nói.
Mở thẻ tín dụng, khó không?
Thực tế, không những không khó mà là rất dễ dàng. Chỉ cần vào một ngân hàng ngỏ ý làm thẻ tín dụng, ngay lập tức sẽ có nhân viên ngân hàng hướng dẫn, chỉ bảo tận tình các thủ tục và trong một tuần sẽ có thẻ.
Thậm chí, không cần phải đến ngân hàng, chỉ cần gọi điện thoại thông báo nhu cầu, ngay lập tức ngân hàng sẽ cử nhân viên đến tận nơi hỗ trợ khách hàng các thủ tục mở thẻ.
Về lý thuyết, hạn mức thẻ sẽ phụ thuộc vào công việc hay khả năng thanh toán của mỗi người, nhưng sự linh hoạt trong việc tăng hạn mức thẻ cho khách hàng là việc rất đơn giản.
Bà N.H.D, ở quận Ba Ðình, Hà Nội cho biết, mấy năm trước, bà mở thẻ tín dụng của một ngân hàng để được tặng vali.
Mỗi tháng, bà chi tiêu vài triệu đồng qua thẻ, dù hạn mức của thẻ lên đến 50 triệu/tháng. Vậy mà nhân viên ngân hàng vẫn gọi điện hỏi bà có muốn nâng hạn mức lên 80 triệu/tháng hay không.
“Thời điểm dịch bệnh như hiện nay, dùng thẻ có cảm giác yên tâm hơn so với chi tiêu bằng tiền mặt, nhưng tôi đâu có chi tiêu tới 20 triệu đồng/tháng mà cần nâng hạn mức lên đến 80 triệu/tháng”, bà D nói.
Một thông tin đáng chú ý, ngày 25/12/2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 28/2019/TT-NHNN, sửa đổi Thông tư 19/2016/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4/2020.
Thông tư quy định rõ, đối với chủ thẻ phụ là người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước, mà không cần sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật như quy định cũ.
Thực tế, số khách hàng chi tiêu nhỏ giọt qua thẻ tín dụng như bà N.H.D không hiếm, nhưng lượng khách hàng trẻ bị cuốn vào vòng xoáy chi tiêu trước trả sau cũng không ít.
Theo các chuyên gia kinh tế, dần dần các chủ thẻ có thể sẽ sa vào “lưới nợ” do dùng thẻ tín dụng quá đà và đến một lúc nào đó sẽ trở thành “nô lệ thẻ tín dụng” hoặc vỡ nợ.
Số liệu về thẻ do NHNN công bố cho biết, tính đến cuối năm 2018, số lượng thẻ lưu hành đạt mức 97 triệu thẻ (tăng khoảng 8,3% so với cuối năm 2017) và năm 2019, có 99 triệu thẻ hoạt động.
Và những bài học cần thận trọng
Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 – 1998, Chính phủ Hàn Quốc đã khuyến khích các ngân hàng phát hành càng nhiều thẻ tín dụng càng tốt để thúc đẩy tiêu dùng.
Tới năm 2002, số thẻ lưu hành tăng 2,7 lần, lên 105 triệu. Khi cuộc khủng hoảng thẻ ập tới, một người trưởng thành ở Hàn Quốc trung bình có 4,6 thẻ tín dụng và gánh nợ đã lên tới 100 tỷ USD.
Tại cuộc khủng hoảng thẻ tín dụng năm 2003, hàng triệu người bị vỡ nợ và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã buộc phải bơm tiền vào thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, người dân Hàn Quốc đã quen với chi tiêu mạnh tay nên không thể trong chốc lát trở nên dè sẻn.
Tại Trung Quốc, nơi dịch bệnh Covid-19 đã cướp đi nhiều mạng sống và gây tổn thất nặng nề cho hoạt động sản xuất – kinh doanh những tháng đầu năm 2020, các khoản nợ tín dụng quá hạn trong tháng 2 đã tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Qudian Inc, một doanh nghiệp cho vay tiền online có trụ sở ở Bắc Kinh cho biết, tỷ lệ vi phạm hạn thanh toán tăng lên 20% trong tháng 2 so với mức 13% vào cuối năm ngoái.
China Merchants Bank Co, một trong những công ty tín dụng tiêu dùng lớn nhất Trung Quốc công bố buộc phải “ấn nút tạm dừng” các khoản cho vay với thẻ tín dụng sau khi các khoản vay quá hạn gia tăng nhanh chóng. Ước tính, 8 triệu người Trung Quốc đã thất nghiệp trong tháng 2/2020.
Tại Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa công bố báo cáo mới nhất về tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Theo đó, số người đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tính đến tháng 2/2020 là 47.164 người, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo NHNN cho biết, hệ thống chưa ghi nhận trường hợp vỡ nợ nào liên quan đến thẻ tín dụng.
Thực tế cho thấy, còn quá sớm để dự đoán về cái kết như năm 2003 tại Hàn Quốc, nhưng nếu nợ thẻ tín dụng vẫn cao trong một thời gian dài, tất yếu sẽ làm tăng rủi ro đối với sự ổn định tài chính.
Ðặc biệt, trong thời điểm hiện nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đối diện với dịch bệnh Covid-19, vỡ nợ thẻ tín dụng có thể là một nguy cơ đối với quốc gia nếu xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu một lần nữa.
Việc chi tiêu dựa vào vay nợ chưa trở thành tập quán phổ biến của người dân. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng dựa vào “dòng tiền tương lai” đang hình thành dần trong một bộ phận giới trẻ.
Việc kiểm soát, phát hành thẻ theo khả năng tài chính cá nhân là điều cần làm ngay từ bây giờ, hạn chế tình trạng giao chỉ tiêu phát hành thẻ cao, khiến một số ngân hàng nới lỏng kiểm soát, chạy theo số lượng.
Nguồn: Nhuệ Mẫn.