Khi nào dầu lửa hết thời
Trong một báo cáo công bố ngày 23/9, OPEC dự đoán nhu cầu dầu của thế giới sẽ tiếp tục tăng trong dài hạn bất chấp sự phát triển của xe điện và các nguồn năng lượng tái tạo.
Nguồn cung cấp nhiên liệu lỏng toàn cầu (dầu mỏ, khí thiên nhiên hóa lỏng,…) dự kiến sẽ tăng từ 98,4 triệu thùng/ngày (bpd) trong năm nay lên 104,7 mbd vào năm 2023, đạt 111,9 mbd vào năm 2040, theo báo cáo triển vọng hàng năm của OPEC.
Những con số này cao hơn một chút so với những gì OPEC đã báo cáo hồi năm ngoái. Sự chênh lệch đó xuất phát từ các nước không thuộc OPEC, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Nguồn cung của các nước không thuộc OPEC dự kiến sẽ tăng 8,6 mbd lên 66,1 mbd trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2023, nhờ nhu cầu dầu và giá dầu cao hơn, báo cáo cho biết.
Tuy nhiên, sản lượng từ các nước này dự kiến sẽ đạt đỉnh vào cuối những năm 2020. Lúc này sản lượng của các nước OPEC phục hồi mạnh mẽ.
Về phía cầu, mặc dù sự tăng trưởng của xe điện và chính sách chuyển đổi năng lượng, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tiếp tục tăng, OPEC dự đoán.
Dự kiến nhu cầu dầu thế giới tăng từ 97,2 triệu thùng/ngày trong năm nay lên 104,5 triệu thùng/ngày vào năm 2023, sau đó lên 111,7 mbd vào năm 2040, mức cao hơn một chút so với dự kiến của OPEC đưa ra hồi năm ngoái.
Tuy nhiên, nhu cầu dầu sẽ tăng trưởng chậm lại từ năm 2035 đến năm 2040 do sự phát triển của xe điện và nỗ lực tiết kiệm năng lượng.
Nhưng OPEC nhận thấy một sự phát triển rất tương phản trong nhu cầu dầu ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Nhu cầu vàng đen ở các nước mới nổi sẽ tăng mạnh, cùng với mức tăng dân số, sự mở rộng của tầng lớp trung lưu và của nền kinh tế.
Mặt khác, từ đầu những năm 2020, nhu cầu dầu từ các nước OCDE sẽ giảm.
Nhưng đến năm 2040, dầu sẽ vẫn là nhiên liệu tiêu thụ hàng đầu, trước cả khí đốt và than đá.
Th.Long
Theo AFP