fbpx

“Không có bữa ăn nào miễn phí” và lãi suất Việt Nam

“Nếu lãi suất là 1%/năm thì có lợi cho doanh nghiệp, nhưng có hại cho người bỏ tiền vào tiết kiệm, hại cho lạm phát vì Chính phủ phải bơm tiền ra nền kinh tế. Thành ra bất cứ một giải pháp, một chính sách nào cũng khó có thể hoàn hảo để đáp ứng lợi ích tất cả các bên.” – Đó là quan điểm của TS. Alan Phan – Chủ tịch quỹ Viasa tại Hồng Kông và Thượng Hải.

ts alan phan

Ông nhìn nhận thế nào về lãi suất tại Việt Nam thời điểm hiện tại?

TS. Alan Phan: Với một nhà đầu tư nước ngoài, nếu bảo họ bỏ tiền vào Việt Nam lấy lãi suất 9%/năm bằng tiền đồng thì họ sẽ nói không. Đối với một doanh nghiệp thì đương nhiên họ muốn vay lãi suất thật thấp, còn người dân muốn gửi lãi suất thật cao. Nhưng ai là người đứng ra cho doanh nghiệp vay với giá thấp như vậy? Cần phải hiểu “không có bữa ăn nào miễn phí hết”. Nếu lãi suất là 1%/năm thì có lợi cho doanh nghiệp, nhưng có hại cho người bỏ tiền vào tiết kiệm, hại cho lạm phát vì Chính phủ phải bơm tiền ra nền kinh tế. Thành ra bất cứ một giải pháp, một chính sách nào cũng khó có thể hoàn hảo để đáp ứng lợi ích tất cả các bên.
Như vậy, bên cạnh đó, kênh hút vốn quốc tế đang được đưa ra cho doanh nghiệp Việt Nam, hiện các nhà đầu tư quốc tế đánh giá trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam như thế nào thưa ông?

TS. Alan Phan: Đối với các nhà đầu tư thế giới thì việc lựa chọn đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Mỹ vẫn là kênh an toàn nhất. Hiện nay kênh này đang trả lãi suất 1,8-2,2%/năm tùy thời điểm. Nhìn sang Chính phủ Philippines đang trả lãi suất cho trái phiếu của nước này phát hành là 6,8-7,2%/năm, nếu nhà đầu tư muốn kiếm tiền nhiều hơn thì trái phiếu của Philippines có lãi suất cao hơn nhưng lại bấp bênh hơn trái phiếu Chính phủ Mỹ. Đấy là việc các nhà đầu tư thế giới đánh giá ở tầm quốc gia. Vừa rồi tôi có nói chuyện với những nhà đầu tư Singapore, họ nói rằng lãi suất trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam phải là 20%/năm thì họ mới đầu tư.

Chính phủ đã có chủ trương tái cấu trúc thị trường vốn để NHTM chỉ là nơi cung cấp nguồn vốn ngắn hạn. Theo ông phải chờ đợi bao lâu nữa thì Việt Nam mới có được thị trường vốn phát triển ổn định?

TS. Alan Phan: Tại Việt Nam từ trước tới giờ kênh dẫn vốn cho nền kinh tế tập trung vào ngân hàng khá nhiều. Hiện nay, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang trong quá trình cải tổ lại, chứng khoán đang trì trệ, cho tới khi nào hai hệ thống này được lành mạnh hóa, được lọc đi lọc lại cho đúng chuẩn thì dòng vốn sẽ quay về đây theo đúng nghĩa của nó với một bên là kênh cung cấp vốn ngắn hạn, một bên là kênh cung cấp vốn dài hạn. Còn bây giờ, tất cả mọi người đợi thôi.

Hiện quá trình mua bán sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng diễn ra khá sôi động. Ông bình luận gì về vấn đề này?

TS. Alan Phan: Theo chuẩn thế giới, hoạt động đúng nghĩa của ngân hàng là đi vay để cho vay và làm sao kiểm soát được nguồn tiền đã cho vay ra và đầu tư không gây thất thoát… Do vậy mà người ta không quan tâm lắm đến việc ai làm chủ ngân hàng, chỉ quan tâm là luật lệ kiểm soát phải chặt, không được sở hữu chéo, không được đầu tư sai trái… Và trên hết là phải minh bạch, đó là thị trường.
Xin cảm ơn ông!

Các viết cùng chủ đề