fbpx

Kinh doanh xe đồ ăn lưu động bài bản như Hàn Quốc

Mới đây chính phủ Hàn Quốc đã có chiến lược thúc đẩy phát triển của loại hình ẩm thực đường phố thông qua những xe đồ ăn lưu động, đầy màu sắc. Không chỉ có những món ăn truyền thống Hàn Quốc, thực khách có lựa chọn rất đa dạng từ 30 xe đồ ăn lưu động.

Chủ của những xe đồ ăn là những người trẻ từ 20 – 30 họ tự kinh doanh thay vì thuê nhân viên. Nằm trong chiến lược quốc gia hỗ trợ các Doanh Nghiệp vừa và nhỏ, thành phố Seoul hỗ trợ rất tốt cho mo hình kinh doanh này phát triển, các hộ kinh doanh được hỗ trợ thuê địa điểm. Chính phủ Hàn Quốc cũng bày tỏ kỳ vọng xe đồ ăn sẽ trở thành mũi nhạn thu hút khác du lịch trong những năm tới.

Một trong những xe ẩm thực lưu động nổi tiếng nhất Hàn Quốc là Kimchi Bus. Với một chiếc xe buýt cũ kỹ ọp ẹp, một tủ lạnh đầy cải thảo muối, các bạn trẻ đến từ khoa Quản trị Khách sạn của Đại học Kyunghee đã quyết định thực hiện chuyến du lịch vòng quanh thế giới để giới thiệu văn hóa Hàn Quốc qua món ăn truyền thống của nước này.

Dự án mang tên kim chi Bus khởi động từ năm 2011 với hai chuyến đi qua hơn 140 thành phố ở châu Âu, Nga, Bắc Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, Mỹ Latinh…

kinh-doanh-xe-do-an-luu-dong-han-quoc
Dự án Kimchi Bus

Chuyến du lịch kim chi ra đời

Dựa vào những trải nghiệm của mình, trưởng nhóm Ryu đã lên kế hoạch cho chuyến đi. Là tác giả cuốn sách “26 euro”, Ryu từng dành 200 ngày để du lịch 26 quốc gia khi trong túi chỉ có 800.000 won. Trong suốt chuyến đi đó, chàng sinh viên có cơ hội chứng kiến cuộc sống thường nhật của người dân địa phương ở những quốc gia đi qua. “Rồi một ngày, tôi nảy ra ý tưởng về chuyến du lịch kim chi”, tờ Donga Ilbo dẫn lời Ryu trong một cuộc phỏng vấn. “Tôi thấy rằng món ăn của các quốc gia có thể được sáng tạo thành một món mới với những hương vị khác nhau khi cho thêm kim chi vào”.

Trên hành trình của mình, Ryu và những người bạn tới thăm nhiều trường dạy ngoại ngữ, học viện nấu ăn, tham dự sự kiện và thỉnh thoảng đi dạo qua công viên, bãi biển để giao lưu văn hóa với người dân địa phương.

Dọc đường đi, nhóm bạn trẻ ghi lại hành trình của mình và ở mỗi chặng dừng, họ lại có cơ hội thể hiện những công đoạn làm món kim chi còn gọi là kimjang, cách bày biện một bữa ăn truyền thống của người Hàn Quốc và mời người dân địa phương thưởng thức món ăn yêu thích của người dân xứ mình. Ngoài món kim chi, họ còn nấu nhiều món khác sử dụng kim chi làm thành phần chính.

Nhóm phải mất ba năm để xin tài trợ cho chuyến đi đầu tiên qua châu Âu, Nga và năm nay cũng không dễ dàng hơn hành trình trước là bao. Tất cả những gì đội muốn làm, theo Ryu, là du lịch, kết bạn với người dân địa phương và “quảng bá một cách tự nhiên” văn hóa Hàn Quốc.

Hành trình kết nối văn hóa

Chuyến đi thứ ba của nhóm có vẻ dễ thở hơn nhờ sự phổ biến toàn cầu của K-pop, đặc biệt là điệu nhảy ngựa Gangnam Style.

K-pop là điều đầu tiên mọi người nghĩ đến xứ kim chi. Chặng dừng chân đầu tiên của nhóm là một trường dạy tiếng Hàn ở La Paz. Học sinh ở đây muốn học tiếng để hiểu rõ hơn lời của bài hát.

Ngân quỹ hạn hẹp và chiếc ô tô già nua hay hỏng là những trở ngại lớn nhất trong chuyến đi này. Nhóm đã buộc phải từ chối lời mời tới các trường và nhiều sự kiện khác vì xe hỏng. Bên trong chiếc xe buýt được thiết kế đặc biệt làm nơi các thành viên có thể nghỉ ngơi trong suốt chuyến đi.

Cả bốn bạn trẻ này cùng sống, ăn, ngủ trên chiếc kim chi Bus và vệ sinh cá nhân bên ngoài với bình nước chứa được 200 lít. Giống như ở nhà, họ cởi giày và bỏ ngoài cửa trước khi vào trong. Không khác với khung cảnh sinh hoạt của một gia đình Hàn Quốc, tủ lạnh lớn chứa kim chi chiếm phần lớn diện tích chiếc xe.

Nhờ kết nối với mạng lưới người Hàn Quốc ở khắp nơi nên 4 sinh viên đã vượt qua được nhiều vấn đề lớn. Không chỉ nhận được sự trợ giúp của người Hàn, họ còn được người dân địa phương hỗ trợ.

Khi xe bị hỏng ở Bolivia, nhóm đã phải đợi 2 tuần để thay động cơ. Trong thời gian ấy, người thợ sửa xe đã mời họ về nhà và nuôi họ suốt gần 10 ngày.

“Ở Nam Mỹ, người dân rất thân thiện. Ai cũng sẵn lòng giúp cả nhóm vì chúng tôi là những con người tốt bụng, hay cười và hướng ngoại”, Ryu kể.

Bài học lớn nhất họ nhận được là sự kiên nhẫn, phần lớn nhờ vào mỗi lần phải xử lý chiếc xe 16 năm tuổi có vấn đề. Để chăm sóc xe, họ từng phải tiết kiệm từng xu lẻ, đôi lúc còn chịu ăn ít đi chỉ để dành tiền trả phí bảo trì xe. Theo trưởng nhóm, thay vì ngồi than vãn, thất vọng hay khóc lóc, bốn người cùng tìm ra hướng giải quyết và lạc quan hơn nhờ những trải nghiệm của mình.

Chiếc xe theo họ suốt hành trình cũng đầy ắp thông điệp của những người bạn Hindi, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Tây Ban Nha, Nga cùng người hâm mộ từ California đến Thụy Sĩ. Đuôi xe còn phủ đầy cờ của nhiều quốc gia nơi xe đi qua.

Ryu hy vọng sẽ mở một quán nhỏ hay có một xe tải phục vụ đồ ăn ở bến tàu Gangnam sau khi kết thúc chuyến đi này và hiện tại anh đang từng bước thực hiện ước mơ của mình thông qua sự hỗ trợ tích cực của chính phủ Hàn.

Nguồn: vnexpress

 

Các viết cùng chủ đề