Kinh tế học không phải là quản trị kinh doanh
Đối với những người điều hành doanh nghiệp, rõ ràng lợi nhuận là điều đáng mơ ước còn thua lỗ là dấu hiệu đáng lo ngại. Nhưng kinh tế học không phải là quản trị kinh doanh. Từ quan điểm chung của toàn bộ nền kinh tế, và từ quan điểm của mối quan tâm cốt lõi trong kinh tế học – việc phân bổ các nguồn lực khan hiếm có nhiều cách sử dụng thay thế khác nhau – lãi và lỗ có vai trò quan trọng ngang nhau trong việc duy trì và nâng cao mức sống cho toàn bộ dân số.
Một phần hiệu quả tuyệt vời của nền kinh tế do giá cả điều phối đến từ thực tế là hàng hóa có thể đơn giản chỉ “chạy theo dòng tiền”, dù người sản xuất có thể không hề biết lý do tại sao khách hàng của họ lúc thì mua sản phẩm này, khi thì mua sản phẩm khác, và đến mùa khác lại mua một sản phẩm khác nữa. Tuy nhiên, những người điều hành doanh nghiệp cần phải vừa theo dõi dòng tiền đến từ khách hàng, lẫn dòng tiền đi đến chỗ của những người cung cấp các nguyên liệu thô, nhân công, điện, và các chi phí đầu vào khác. Việc theo dõi cẩn thận những dòng tiền vào và dòng tiền ra này có thể tạo ra sự khác biệt giữa lãi và lỗ. Do đó, họ không thể sử dụng điện, máy móc hoặc xi măng một cách bất cẩn, khiến cho số lượng nguyên liệu đầu vào dùng để sản xuất nên một đơn vị sản phẩm đầu ra nhiều quá mức cần thiết, như trong trường hợp của nền kinh tế Liên Xô so với nền kinh tế Đức hoặc Nhật Bản. Từ quan điểm của toàn bộ nền kinh tế và chất lượng sống của dân số nói chung, mối đe dọa thua lỗ cũng quan trọng ngang hàng với triển vọng lợi nhuận.
Khi một doanh nghiệp kinh doanh trong nền kinh tế thị trường tìm mọi cách để hạ chi phí sản xuất của nó xuống, thì các doanh nghiệp cạnh tranh với nó cũng chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài cố gắng làm điều tương tự. Sau khi chuỗi bán lẻ tổng hợp Walmart bắt đầu bán hàng tạp hóa vào năm 1988, sau đó nó đã phát triển trong suốt nhiều năm trời và trở thành công ty bán hàng tạp hóa lớn nhất nước Mỹ vào đầu thế kỷ XXI. Mức chi phí thấp hơn của Walmart không chỉ mang lại lợi ích cho khách hàng của riêng nó, mà còn mang lại lợi ích cho khách hàng của các cửa hàng tạp hóa khác nữa. Tờ Wall Street Journal đã đưa tin:
Vào năm ngoái, khi hai siêu trung tâm mua sắm Walmart và một cửa hàng tạp hóa đối thủ của họ khai trương trong khu vực dân cư gần siêu thị Kroger Co. ở Houston, doanh thu của Kroger đã giảm 10%. Giám đốc cửa hàng, Ben Bustos, đã nhanh chóng giảm giá một số hàng hoá và cắt giảm chi phí nhân công, bằng những cách như mua bánh ngọt làm sẵn thay vì tự nướng tại cửa hàng, đặt mua các sản phẩm sa-lát cắt sẵn từ nhà cung cấp.
Trong quá khứ, nhân viên của ông từng xếp đống hàng hoá bằng tay, nhưng giờ đây, trái cây và rau quả trong cửa hàng được xếp chồng lên nhau để trưng bày đẹp đẽ. Những động thái này đã giúp Bustos cắt giảm được 30% đến 40% số giờ làm việc của nhân viên nếu so sánh với khi cửa hàng mới mở bốn năm trước đó, đồng thời giúp ông hạ giá các mặt hàng chủ lực như ngũ cốc, bánh mì, sữa, trứng và tã dùng một lần xuống. Vào đầu năm nay, cuối cùng thì doanh số bán hàng của Kroger đã tăng so với năm trước.
Tóm lại, nguyên nhân thúc đẩy nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn, phục vụ tốt cho lợi ích của người tiêu dùng hơn không chỉ do Walmart có khả năng cắt giảm chi phí và nhờ vậy hạ được giá thành, mà còn là do điều này đã buộc Kroger phải tìm cách hành động tương tự. Đây chính là bằng hứng thu nhỏ về những việc đang diễn ra trong nền kinh tế thị trường tự do.
“Khi Walmart bắt đầu bán hàng tạp hóa trong một cộng đồng dân cư,” một nghiên cứu đã chỉ ra, “mức giá trung bình của hàng tạp hóa trong cộng đồng đó giảm từ 6 đến 12%”. Sự cạnh tranh tương tự trong các ngành khác cũng thường tạo ra kết quả tương tự trong ngành đó. Vậy nên không phải ngẫu nhiên mà người dân sống trong các nền kinh tế thị trường tự do lại thường có mức sống cao hơn.
Trích từ sách Basic Economics: Kinh tế học cơ bản, a bờ cờ, kinh tế học nhập môn cho nhà đầu tư