Kỳ vọng dòng tiền sẽ trở lại
(ĐTCK) Trong góc nhìn của một số chuyên gia, một số ngân hàng Mỹ sụp đổ không ảnh hưởng đến Việt Nam, nhất là khi thị trường đang có dấu hiệu tích cực về dòng tiền.
Fed có thể sẽ “nhẹ nhàng” với lãi suất
Vừa qua, tại Mỹ có 1 ngân hàng đóng cửa và 2 ngân hàng bị cơ quan chức năng tiếp quản do mất thanh khoản. Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán BIDV cho rằng, sự kiện này rất khó xảy ra phản ứng dây chuyền để tạo hiệu ứng tiêu cực lâu dài đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ, qua đó ảnh hưởng tâm lý đến thị trường Việt Nam.
Bởi lẽ, các ngân hàng đó có quy mô nhỏ trong hệ thống ngân hàng Mỹ, trong khi sức khỏe toàn hệ thống hiện cải thiện đáng kể so với giai đoạn khủng hoảng trước đây, thể hiện ở tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động (LDR) và hệ số an toàn vốn (CAR); Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thành lập quỹ hỗ trợ thanh khoản; khả năng chi trả của người dân Mỹ tốt nhờ gói kích thích giai đoạn 2020 – 2021 và thị trường lao động toàn dụng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, sự kiện Sillicon Valey Bank (SVB), ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ sụp đổ, khó có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự như năm 2008, do có sự tham gia hỗ trợ nhanh chóng của Chính phủ và Fed nhằm đảm bảo thanh khoản của toàn hệ thống – điều này đã được rút kinh nghiệm từ bài học khủng hoảng 15 năm trước.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, sự kiện SVB và một số ngân hàng khác gặp khó khăn có thể là cảnh báo cho Fed trong việc điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn tới. Thực tế, một số khoản đầu tư của các ngân hàng Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm của thị trường trái phiếu cùng với các khoản cho vay dài hạn vào các công ty công nghệ và khởi nghiệp (startup) gặp khó khăn do lãi suất tăng cao. Do đó, thị trường chứng khoán có thể sẽ diễn biến theo chiều hướng tích cực nếu Fed có động thái “nhẹ nhàng” với các đợt tăng lãi suất, hoặc không tăng lãi suất để tránh gây ra cú sốc trên thị trường.
Trước đó, thị trường nhận định, nhiều khả năng Fed sẽ tăng tốc độ nâng lãi suất lên mức 0,5% sau khi có dữ liệu việc làm và Chủ tịch Fed Jerome Powell thể hiện quan điểm “diều hâu” (thắt chặt tiền tệ) trong nỗ lực đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2%.
Tuy nhiên, khi một số ngân hàng gặp khủng hoảng, Fed và các cơ quan chức năng đã có phản ứng mạnh mẽ dưới hình thức một cơ chế cho vay đặc biệt và các biện pháp để bù đắp cho những người gửi tiền của các ngân hàng đổ vỡ. Fed đang đứng trước lựa chọn đánh đổi lạm phát và ổn định hệ thống tài chính.
Trước bối cảnh hiện tại, Fed được dự báo tăng tối đa 0,25%, thậm chí giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp tháng 3 này. Đây sẽ là sự điều chỉnh mang tính thích ứng trong ngắn hạn, trước khi quay lại lộ trình nâng lãi suất cho tới khi chính sách tiền tệ đủ thắt chặt để đưa nền kinh tế về đúng quỹ đạo, cũng như có dư địa cho chu kỳ nới lỏng sau đó.
Mặc dù thị trường kỳ vọng Fed sẽ hành động “nhẹ nhàng” như vậy nhằm tránh nguy cơ sụp đổ tiếp theo của một số ngân hàng và tổ chức tài chính khác, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2023 vừa được công bố tăng 6% so với cùng kỳ cho thấy, khả năng Fed tạm ngừng tăng lãi suất trong kỳ họp ngày 21 – 22/3/2023 không cao. Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, Fed sẽ thực hiện đợt tăng lãi suất trong tháng 3 này ở mức 0,25%.
Kỳ vọng thanh khoản sớm cải thiện
Theo ACBS, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm và lãi suất qua đêm giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm, nhưng nhà đầu tư cần tiếp tục quan sát các động thái của Fed cũng như lộ trình tăng lãi suất trong thời gian tới mà cơ quan này sẽ công bố trong cuộc họp ngày 21/3/2023 để dự đoán về bước đi tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước, tránh gây áp lực lên tỷ giá.
Nhìn chung, lãi suất trong nước giảm là một tín hiệu tốt đối với thị trường chứng khoán, giúp thanh khoản được cải thiện. Tuần qua, giá trị giao dịch bình quân trên HOSE đạt trên 11.000 tỷ đồng/phiên, tăng hơn 10% so với tuần trước đó.
Trường hợp Fed tăng lãi suất tối đa thêm 0,25% thì thị trường chứng khoán Mỹ có khả năng tăng điểm. Việc này sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam sau khi đã giảm về vùng thấp, nhất là khi có thêm thông tin hỗ trợ từ kết quả kinh quý I/2023, triển vọng kinh doanh cả năm. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất hạ nhiệt là yếu tố trọng tâm có thể giúp cải thiện thanh khoản thị trường trong quý II/2023, cùng với đó là sự “đổ bộ” của dòng vốn ngoại thông qua các quỹ ETF.
Về dòng vốn ngoại, ông Bùi Nguyên Khoa dự báo, trong ngắn hạn, hoạt động tăng vốn của Quỹ Fubon và việc chuyển toàn bộ danh mục sang cổ phiếu Việt Nam của Quỹ VanEck sẽ hỗ trợ cho xu hướng thị trường và góp phần cải thiện thanh khoản.
Với dòng tiền mới khoảng 240 triệu USD từ các quỹ ETF, thị trường có khả năng ổn định và hồi phục trong thời gian chờ mùa công bố kết quả kinh doanh quý I/2023 và sự chuyển biến của doanh nghiệp sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP về giải pháp cho thị trường bất động sản.
VN-Index có khả năng kiểm tra lại ngưỡng cản 1.100 điểm (cuối tuần qua là 1.045,14 điểm), đặt trong bối cảnh không có thêm biến động tiêu cực từ thị trường thế giới.
Bà Nguyễn Bỉnh Thanh Giao, Trưởng phòng Phân tích, ACBS cho biết, dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán thông qua các quỹ ETF đã quay trở lại mua ròng trong hơn 1 tuần qua. Quỹ Fubon đã được phê duyệt đợt huy động vốn lần 5 với giá trị gần 4.000 tỷ đồng, bắt đầu từ ngày 15/3/2023.
Cùng với đó là tín hiệu tích cực về dòng vốn FDI, đơn cử Tập đoàn Siemens dự kiến đa dạng hóa chuỗi sản xuất bằng cách mở rộng sang Việt Nam. Tất cả đều là những tín hiệu tốt, dòng ngoại tệ sẽ chảy vào Việt Nam trong thời gian tới, giúp tăng dự trữ ngoại hối và giảm áp lực lên tỷ giá. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ có dư địa để giữ lãi suất ở mức thấp, hỗ trợ cho thanh khoản trên thị trường chứng khoán.
Thị trường cũng có phần được hưởng lợi từ thông tin về một số thương vụ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, cho thấy doanh nghiệp Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn. Đối với bản thân doanh nghiệp, điều này có thể sẽ mang lại những kinh nghiệm cũng như kiến thức chuyên môn, giúp doanh nghiệp vận dụng vào hoạt động sản xuất – kinh doanh, đồng thời có thêm nguồn vốn để phát triển. Nhìn rộng hơn, dòng tiền ngoại sẽ hỗ trợ ổn định tỷ giá, cũng như thanh khoản thị trường.
Công ty Chứng khoán DSC nhìn nhận, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, do đó sẽ xuất hiện dòng tiền tham gia mua ròng trong kịch bản VN-Index điều chỉnh, đặc biệt khi định giá P/E lùi về khu vực 10 – 11 lần. Tuy nhiên, DSC lưu ý, tác động của dòng tiền ngoại lên thị trường mang tính chất “xây nền”, chứ không phải là động lực thúc đẩy chỉ số tăng vượt ngưỡng cản.
Những nhà đầu tư theo trường phái dài hạn nếu giao dịch dựa trên yếu tố dòng tiền ngoại cần tránh mua đuổi, nên lựa chọn các cổ phiếu vốn hóa lớn còn “room” ngoại như cổ phiếu trong rổ chỉ số FTSE Vietnam Index để mua gom ở các mức hỗ trợ, hoặc khi VN-Index tiệm cận ngưỡng 1.000 điểm.
Tiến Phát
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách Làm Giàu Từ Chứng Khoán (phiên bản mới) + Hướng Dẫn Thực Hành CANSLIM
(Kết hợp Phân tích cơ bản (FA) và Phân tích kỹ thuật (TA) để tìm kiếm Siêu cổ phiếu)
ĐỌC THỬ