Làm thế nào để đạt tiêu chuẩn “mỗi ngày một ý tưởng”
Ở Nhật, người ta xuất bản một số lượng lớn các tài liệu với các lời khuyên thiết thực nhằm làm tích cực hóa quá trình sáng tạo, sáng chế trong đông đảo quần chúng nhân dân. Khá nổi tiếng là các cuốn sách của Iasuhisa Hirasim, chuyên gia về các vấn đề thúc đẩy tiến bộ khoa học – kỹ thuật. Dưới đây là một số lời khuyên của ông về rèn luyện các suy nghĩ.
Hàng ngày phải để thời gian cho suy nghĩ
Chủ tịch công ty Oto Borupen là Tosaburo Nacata, bắt mình “tập thể dục trí tuệ” mỗi buổi sáng, đã sáng chế ra cây bút bi. Phải cố gắng rèn luyện bản thân suy nghĩ tập trung và định hướng mỗi ngày.
Đăng tải các thành tích của mình
Các ý tưởng chỉ sống trong đầu một người, không khi nào mang lại kết quả. Chỉ đưa chúng ra cho mọi người xem xét, người đó, trong giao tiếp, trao đổi với những người khác mới có thể làm ý tưởng có máu thịt. Thành tích nhỏ làm tăng tính tự tin và dẫn đến thành công lớn. Công bố, chìa khóa của thành công.
Hãy đặt mục đích cho mình
Điều này cho phép vạch ra triển vọng của thành tích tương lai. Không nên hốt hoảng hoặc quá lăng xăng nếu như không đạt ngay đến lời giải. Hãy bình tĩnh và suy nghĩ.
Hãy tránh rập khuôn
Trong sự nhàm chán không nảy sinh các ý tưởng độc đáo. Thường xuyên đưa sự đa dạng vào cuộc sống mới mẻ của mình, hãy đi du lịch để tìm những ấn tượng mới mẻ.
Hãy ghi lại các ý nghĩ của mình
Các ý tưởng không chọn địa điểm và thời gian xuất hiện. Ngay cả những ý tưởng hay cũng có thể quên đi theo thời gian. Để lưu trữ chúng, hãy mang theo sổ tay và bút.
Hãy mở rộng sự giao tiếp với những người thuộc ngành khác
Phạm vi các ý nghĩ của người ta bị hạn chế bởi môi trường làm việc. Giao tiếp tích cực với những người ngành nghề khác nhau, tham gia tích cực các semina và hoạt động các tổ chức khác nhau cho phép giữ được sự mới mẻ và linh hoạt của tư duy.
Hãy luôn cảm thấy đói về tinh thần, khát về hành động
Hãy nhớ rằng, nhà vô địch thỏa mãn sẽ thất bại. Điều này cũng đúng với những người lao động trí óc. Không khi nào được cảm thấy chán ngấy sáng tạo, hãy thực hiện định mức: mỗi ngày 1 ý tưởng.
Còn với Nghiệp đoàn nghiên cứu sáng chế Mỹ thì họ có soạn ra 10 lời khuyên “Làm thế nào để giữ được trong đầu ý tưởng triển vọng?”:
- Luôn luôn mang theo mình cuốn sổ tay. Edison, thậm chí, còn có sổ tay trong buồng tắm.
- Không bao giờ nên đặt hy vọng, là bạn có thể giữ được ý tưởng hay bằng trí nhớ.
- Hãy viết ý tưởng ra và thảo các phác họa. Hình vẽ sẽ làm bạn nhớ tốt hơn.
- Hãy bỏ tất cả mọi việc để tập trung sự chú ý vào ý tưởng và phát triển nó.
- Ý tưởng mới dễ tái hiện hơn bằng trí nhớ, nếu có cơ sở xuất phát cho ý tưởng đó, để khi cần thiết còn có thể quay trở lại.
- Những ý tưởng mới luôn đi kèm với sự mạo hiểm, mà sự mạo hiểm lại trái với bản chất tự nhiên của con người. Trí nhớ sẽ xóa sạch ý tưởng, nếu bạn không thật chú ý.
- Trong giai đoạn suy nghĩ, nghiền ngẫm ý tưởng, không nên đặt câu hỏi “Tại sao?” và “Liệu có thể hay không?”, hãy sáng tạo, còn người lãnh đạo và cấp dưới của bạn sẽ nói với bạn, bạn sai ở chỗ nào.
- Hãy hướng ý tưởng về tương lai. Ghi lại tất cả những gì có thể còn dùng một cách thích hợp.
- Hãy bình tâm lại. Hãy quay trở về với những gì mình ghi chép vào hôm sau.
- Lời khuyên thứ 10? Quả vậy, đã có lời khuyên thứ 10 nhưng chúng tôi quên ghi lại. Biết tìm nó ở đâu bây giờ?
Sổ tay sáng tạo: các thủ thuật (nguyên tắc) cơ bản, Phan Dũng