fbpx

“Lò luyện chuyên gia” Salomon Brothers qua lời kể người trong cuộc (Phần 2)

Các lớp đào tạo ở Salomon Brothers được tổ chức trên tầng thứ 23, thuộc tòa nhà của công ty nằm ở góc đông nam Manhattan. Cuối cùng thì tôi cũng đã leo lên được tới đó để bắt đầu sự nghiệp. Thoạt nhìn thì tầng lầu có vẻ trống vắng, lạnh lẽo. Những người mới đến bị xem xét với vẻ nghi ngờ. Đã có những đánh giá về việc ai là “người giỏi”, nghĩa là ai sẽ được bước lên sàn giao dịch Salomon và ai là kẻ thất bại.

>>Xem thêm phần 1 tại đây

Lò luyện Salomon Brothers qua lời kể người trong cuộc (phần 2)
Salomon Brothers thời mới “khai thiên lập địa”

“Chủ nghĩa du côn” trong lớp học Salomon Brothers

“Toàn bộ 127 thành viên của khóa năm 1985 là một trong những đợt sóng rũ sạch đi những gì gọi là sàn giao dịch sinh lãi nhiều nhất thế giới. Vào thời kỳ ấy chúng tôi thuộc khóa đào tạo lớn nhất trong lịch sử của Salomon Brothers, nhưng khóa sau chúng tôi lại lớn gần gấp đôi. Tỷ lệ nhân viên giúp việc cho một nhà chuyên môn (tin nổi không, chúng tôi cũng là những nhà chuyên môn!) là 5 trên 1, do vậy 127 người chúng tôi có nghĩa cần thêm 635 nhân viên giúp việc.

Con số gia tăng mạnh mẽ này quả là rất ấn tượng đối với một công ty chỉ có hơn 3.000 nhân viên. Sự gia tăng quá nhanh này dần dần sẽ khiến cho công ty bị tổn hại và thậm chí cả chúng tôi nữa. Nó không được tự nhiên, giống như kiểu cứ tưới quá nhiều phân lên một cái cây con vậy. Vì một vài lý do lạ lùng nào đó mà ban quản trị đã không đồng tình với quan điểm của tôi.

Lò luyện Salomon Brothers qua lời kể người trong cuộc (phần 2)
Văn phòng Salomon Brothers

Chẳng có gì trói buộc chúng tôi vào công ty ngoại trừ động lực đã lôi cuốn nhiều người trong chúng tôi xin vào làm: vì tiền và vì niềm tin lạ lùng rằng chẳng có công việc nào khác trên thế gian này đáng làm hơn. Chính xác không phải vì lòng trung thành sâu sắc. Trong chừng ba năm, 75% trong số chúng tôi ra đi (so với những năm trước, sau ba năm vẫn còn trung bình 85% làm việc với công ty). Sau đợt pha trộn những con người xa lạ này với ý định giữ chân họ thì công ty lại đi vào chỗ lung lay, giống như bị rối loạn tiêu hóa vì ăn quá nhiều thứ lạ.

Chúng tôi là một nghịch lý. Chúng tôi được thuê để giao dịch trên thị trường, để tinh ranh hơn kẻ đứng kế bên, nói đơn giản là để trở thành những tay giao dịch. Hãy hỏi bất kỳ tay giao dịch tinh khôn nào, anh ta sẽ nói cách tốt nhất là phải làm ngược với những hiểu biết thông thường. Tay giao dịch giỏi có thiên hướng làm những việc không ngờ đến. Chúng tôi là một nhóm người khó ai có thể lường trước được. Đến với Salomon Brothers, chúng tôi chỉ đang làm những gì mà một người mê tiền phải làm. Nếu chúng tôi không thể hưng phấn với những điều bình thường trong cuộc sống, thì làm sao có thể hưng phấn với những điều bình thường trên thị trường? Rút cục, thị trường lao động vẫn là một thị trường.

Lò luyện Salomon Brothers qua lời kể người trong cuộc (phần 2)
Đến với Salomon Brothers, chúng tôi chỉ đang làm những gì mà một người mê tiền phải làm. – Michale Lewis (tác giả quyển hồi ký) chia sẻ

Chúng tôi tỏ ra lễ độ trước một người đàn ông cao lớn giống như tỏ ra trước bất kỳ ai, đó là không nói năng gì cả. Ông ta giảng bài cả buổi chiều. Điều đó có nghĩa là ông ta bị kẹt ba tiếng đồng hồ trong một cái rãnh rộng hơn 3m trên sàn, ngay phía trước căn phòng cùng một chiếc bàn dài, bục diễn thuyết và bảng đen. Người đàn ông bước đi bước lại trong cái rãnh đó như vị huấn luyện viên đứng ngoài mép biên, thỉnh thoảng liếc xuống sàn nhà, đôi lúc lại tỏ vẻ đe dọa chúng tôi.

Chúng tôi ngồi trong các dãy ghế được nối thông nhau – 22 dãy với những thực tập sinh nam mặc sơ mi trắng, lác đác mấy thực tập sinh nữ mặc áo màu xanh nước biển, hai người da đen và một nhóm người Nhật Bản.

Tôi lặng chìm trên ghế của mình. Vị giảng viên hôm đó là một tay giao dịch trái phiếu hàng đầu của Salomon Brothers. Trên chiếc bàn phía trước căn phòng có một cái điện thoại, nó sẽ reo lên mỗi khi thị trường trái phiếu biến động. Tay giao dịch này cố bày tỏ niềm tin từ tận đáy lòng mình và chính vì vậy mà trông ông ta dữ dằn hơn bất kỳ giảng viên nào từ trước tới giờ. Tôi lại thuộc thiểu số những người thấy ông ta có chút gì đó tẻ nhạt. Ông ta vẫn hoàn hảo trước đám thực tập sinh. Đám thực tập sinh ngồi ở hàng cuối vẫn lắng nghe chăm chú. Khắp phòng, tất cả các thực tập sinh đều bỏ chơi trò ô chữ trên tờ New York Times xuống. Ông ta đang kể cho chúng tôi cách để tồn tại. “Các anh phải biết rằng Salomon Brother giống như một khu rừng,” ông ta nói.

“Sàn giao dịch là một khu rừng nhiệt đới,” ông ta tiếp tục, “và sếp của các anh chính là viên kiểm lâm. Thành công hay thất bại hoàn toàn tùy thuộc vào cách tồn tại trong khu rừng. Anh nên học hỏi ở sếp. Ông ta chính là chìa khóa. Hãy tưởng tượng xem tôi lấy hai người và đặt họ vào giữa khu rừng, tôi cho một người cuốn cẩm nang đi rừng còn người kia thì chẳng có gì. Bên trong khu rừng có nhiều bãi lầy, thú dữ và vô số thứ rùng rợn. Còn ngoài khu rừng có một chiếc tivi đang phát sóng trận chung kết giải vô địch bóng đá quốc gia và một tủ lạnh khổng lồ đầy Bud [bia Budweiser]…”

Lò luyện Salomon Brothers qua lời kể người trong cuộc (phần 2)
“Sàn giao dịch là một khu rừng nhiệt đới và sếp của các anh chính là viên kiểm lâm. Thành công hay thất bại hoàn toàn tùy thuộc vào cách tồn tại trong khu rừng. Anh nên học hỏi ở sếp. Ông ta chính là chìa khóa.”

Từ khoảng ngày thứ ba của buổi học, hàng ghế sau đã gần giống một mớ hỗn độn. Thậm chí khi cảm thấy chẳng yêu chẳng ghét vị giảng viên này thì đám người ngồi dãy ghế sau vẫn ngủ gục hay ném những cục giấy vo tròn vào lũ nhu nhược ngồi hàng trước.

Bỏ qua dãy bàn cuối bị vô hiệu hóa, vị giảng viên này đã điều khiển hoàn toàn khán giả – đám ngồi dãy đầu lúc nào cũng trong thái trạng máy móc, vô ý thức. Những kẻ ngồi dãy bàn đầu trên khắp thế giới này đều giống nhau. Phần lớn dân tốt nghiệp Harvard đều ngồi ghế trước. Một người trong số họ chào đón vị giảng viên mới bằng cách vẽ một sơ đồ tổ chức. Sơ đồ đó giống như cây thông Noel, với John Gutfreund ở phía trên cùng và chúng tôi ở phía dưới cùng. Phần giữa là các ô nhỏ, trông giống như những món đồ trang trí. Anh ta cố kiểm soát tình huống bằng cách xác định rõ chức vị của vị giảng viên, hình dung vị trí của ông ta trong hệ thống cấp bậc và đặt ông ta vào ô hợp lý.

Lò luyện Salomon Brothers qua lời kể người trong cuộc (phần 2)
John Gutfreund

Thật lạ lùng, các sơ đồ này trông giống như trò ảo thuật hơn là một doanh nghiệp. Trên sàn giao dịch, thứ hạng không mấy quan trọng. Cơ cấu tổ chức của Salomon Brothers là một thứ gì đó giống như trò cười. Việc kiếm tiền mới thật sự quan trọng nhất. Nhưng tốp người dãy ghế phía trước thì không tin tưởng lắm về việc công ty là lãnh địa của những kẻ giỏi kiếm tiền như tốp người ở dãy ghế phía sau. Họ đang đi nước đôi – phòng khi Salomon Brothers vẫn có vài mối liên hệ nào đó với những thứ họ đã được học trong trường.

“… một cái tủ lạnh đầy Bud,” vị giảng viên nhắc lại lần nữa, “xác xuất rất cao cho người có cẩm nang đi rừng, anh ta sẽ là người đầu tiên đi xuyên rừng tới chỗ có tivi và bia. Không phủ nhận rằng cuối cùng người còn lại cũng có thể tới được nơi đó. Nhưng… ” – đến đây vị giảng viên dừng lại nhìn chúng tôi với vẻ hơi ranh mãnh, “người tới sau sẽ rất rất (nhấn giọng) khát nước và sẽ chẳng còn giọt bia nào nữa.”

Việc dãy bàn cuối trông giống đám cổ động viên tưng bừng quậy phá sau trận đá bóng hơn là những người được ký thác sẽ trở thành lãnh đạo tương lai của ngân hàng đầu tư sinh lãi nhất Phố Wall đã khiến rất nhiều ủy viên ban quản trị công ty gặp rắc rối và khó xử. Với lượng thời gian và nỗ lực đã đầu tư vào việc tuyển mộ số lượng thực tập viên ở dãy bàn cuối và dãy bàn đầu và cả lớp học, về lý thuyết, lẽ ra tất cả phải rất quy củ như một đội quân. Nét kỳ lạ của sự phá vỡ kỷ luật này là ở chỗ nó ngẫu nhiên, không liên quan tới bất kỳ thứ gì bên ngoài nó và vì thế, không cách nào kiểm soát được tình thế. Mặc dù hầu hết những người tốt nghiệp Harvard đều ngồi dãy bàn đầu, nhưng cũng có một số ngồi ở dãy cuối. Ngay kế bên họ cũng là những kẻ tốt nghiệp Stanford, Yale và Penn. Dãy bàn cuối cũng gồm những người có học vấn cao, được dạy dỗ công phu. Ít nhất nó cũng có nhiều bộ não tương đương với dãy bàn đầu. Vậy tại sao những người này lại cư xử như vậy?

Và tại sao Salomon Brothers để điều đó xảy ra, tôi cũng không biết nữa. Ban quan trị công ty đã xây dựng chương trình đào tạo này, đổ vào nó đầy ắp và quay mình bỏ đi. Trong tình trạng vô chính phủ, cái ác áp đảo cái thiện, cái lớn áp đảo cái bé và cơ bắp áp đảo trí tuệ. Có một điểm chung duy nhất của dân ngồi bàn cuối, mặc dù tôi không nghĩ là nó xảy ra cho bất kỳ ai: Họ cảm thấy cần phải giấu đi những cá tính tốt đẹp và vẻ trí thức mà họ đã mang theo mình đến Salomon Brothers. Đây là hành động phản xạ hơn là có ý thức. Họ là nạn nhân của huyền thoại đặc biệt phổ biến ở Salomon Brothers, rằng giới giao dịch là những kẻ tàn ác và càng giỏi thì càng tàn ác. Điều này không đúng tuyệt đối. Sàn giao dịch có nhiều bằng chứng cho phản đối, song cũng có không ít bằng chứng cho điều ngược lại. Mọi người có quyền tin vào điều họ muốn.

Lò luyện Salomon Brothers qua lời kể người trong cuộc (phần 2)
Cá tính tốt đẹp và vẻ trí thức không phù hợp với Salomon Brothers.

Có một nguyên nhân khác giúp lý giải chủ nghĩa du côn này. Cuộc sống của một thực tập sinh ở Salomon Brothers ở trong tình trạng giống như bị kẻ hàng xóm hung dữ đánh đập hàng ngày vậy. Dần dần bạn sẽ trở nên hèn hạ và xấu tính. Tỷ lệ chọi để có thể được tham gia vào chương trình đào tạo này, ngoại trừ tôi – kẻ cực kỳ may mắn, là 60:1. Bạn chiến đấu gian khổ để vượt qua tỷ lệ đó và cảm thấy xứng đáng được hưởng một chút khuây khỏa. Không hề! Công ty sẽ không kéo bạn qua một bên, xoa lưng bạn và an ủi rằng rồi thì mọi thứ sẽ tốt đẹp thôi. Mà là ngược lại, nó xây dựng một hệ thống xoay quanh niềm tin rằng thực tập viên phải biết mềm dẻo và khéo léo luồn lách. Lúc này, những kẻ chiến thắng sau quá trình phỏng vấn sẽ phải chiến đấu tiếp trong lớp học. Nói ngắn gọn, kẻ xấu tính nhất trong những kẻ xấu tính sẽ nhận được việc làm.

Việc làm sẽ được thông báo nhỏ giọt trên tấm bảng đen bên hông sàn giao dịch. Trái với những gì kỳ vọng, chúng tôi không được bảo đảm về công ăn việc làm. Nhiều giảng viên từng nói: “Hãy nhìn sang bên trái rồi sang bên phải các anh xem. Trong vòng một năm thôi, một trong số những người này sẽ bị đá ra ngoài đường.” Hàng ngang phía trên cùng của tấm bảng là danh sách các phòng của sàn giao dịch như trái phiếu đô thị, trái phiếu công ty, trái phiếu chính phủ, v.v… Còn dọc theo tấm bảng là các chi nhánh của công ty: Atlanta, Dallas, New York, v.v… Cái ý nghĩ rằng anh ta sẽ hạ cánh tại một chỗ đáng sợ nào đó trong cái ma trận này, hoặc chẳng nơi nào hết, càng dồn chàng thực tập sinh vào cơn tuyệt vọng. Anh ta dần mất hết mọi khái niệm về triển vọng của công việc. Anh ta không cho rằng mình may mắn vì đã có mặt ở Salomon Brothers, mà bất kỳ ai nghĩ theo cách ấy đều chẳng bao giờ nhận được việc làm trước tiên cả. Thực tập sinh ở Salomon Brothers chỉ có thể thấy được hai thái cực: thành công và thất bại. Việc bán trái phiếu đô thị ở Atlanta là quá sức thê thảm. Còn bán trái phiếu thế chấp ở New York là vinh quang tột đỉnh.”

>>Xem tiếp phần 3 tại đây

Nguồn sách: Trò bịp phố Wall

Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live

tủ sách đầu tư

ĐỌC THỬ

Các viết cùng chủ đề