Lời nhắn nhủ từ hành trình LỘT XÁC của Guy Spier
MỤC ĐÍCH TÔI VIẾT QUYỂN SÁCH NÀY LÀ CHIA SẺ VÀI ĐIỀU tôi đã học được trên con đường đầu tư của mình. Đó là những chia sẻ của chính cá nhân tôi, không phải từ một nhà đầu tư nào đó. Câu chuyện này không dạy bạn cách thức để đầu tư. Cuốn sách này cũng không phải là một lộ trình (road-map) đầu tư.
Thay vào đó, đây là câu chuyện về cuộc hành trình của tôi và những điều tôi đã học được trên con đường đầu tư của mình. Với những sai sót, yếu đuối và khả năng của riêng tôi – cùng những điểm mù quá lớn của tôi nữa. Qua nhiều năm bước đi khấp khểnh trên con đường ấy, tôi đã bắt gặp những cảm hứng đầy uyên bác và những công cụ vô cùng mạnh mẽ mà tôi sẽ chia sẻ cùng bạn. Trong hầu hết các trường hợp, các cảm hứng và công cụ này không phải những thứ được viết trong những quyển sách giáo khoa. Vì đây là câu chuyện kể lại cách mọi thứ diễn ra trong đời thực – và đời thực thì rất ngổn ngang – nên chủ đề của quyển sách này cũng rất rộng, nó trải từ thói quen tầm thường nhất mà tôi hình thành, như những gì cần đọc trước hết, đến những thứ lớn lao nhất: chọn ai làm hình mẫu người hùng và người dẫn dắt bạn, và làm sao dùng sự thông thái của họ để thay đổi cuộc sống của bạn. Quyển sách này đi lần theo tiến trình lột xác của tôi. Tôi bắt đầu từ xuất phát điểm là một người muốn được như Gordon Gekko (nhân vật chính của bộ phim Wall Street được công chiếu năm 1987, lấy cảm hứng từ Esher Edelman – Chú thích của người dịch) – gian manh, thiển cận, và hoàn toàn vị kỷ.
Tiếp đến là một loạt những biến đổi và quá trình tự nhận thức đã dẫn dắt tôi trên con đường từ Nhà đầu tư thông minh Benjamin Graham đến Ruane Cunniff (một nhà đầu tư giá trị theo trường phái Benjamin Graham, ông cũng là bạn thân của Warren Buffett – Chú thích của người dịch) rồi đến Poor Charlie’s Almanack (Tạm dịch: Niên giám Charlie nghèo khó) đến Robert Ciadini (giáo sư tâm lý và marketing, tác giả quyển Những đòn tâm lý trong thuyết phục đã xuất bản tại Việt Nam – chú thích của người dịch), rồi đến cuộc gặp với Mohnish Pabrai và bữa ăn trưa cùng Warren Buffett. Bữa ăn được đánh đổi bằng 650.100 đô la ấy đã có một tác động đổi đời đối với tôi, như bạn sẽ được thấy.
Chỉ trong một năm kể từ ngày ăn trưa cùng Buffett, tôi cho 2/3 số nhân viên của tôi ở New York ra đi, gói gém một nửa tài sản gia đình, và chuyển nửa còn lại đến Zurich, nơi chúng tôi chuyển đến sinh sống. Tôi thôi không thu phí quản lý những nhà đầu tư mới vào quỹ của tôi. Tôi ngưng theo dõi Bloomberg. Và tôi đoạn tuyệt thói nghiện đầy tác hại là cứ mỗi phút lại vào xem giá cổ phiếu. Tôi không hề khuyến khích bạn cũng nên tìm cơ hội ăn trưa cùng Warren Buffett – đặc biệt là khi giờ đây, giá một trải nghiệm như của tôi và Mohnish đã tăng vọt lên đến con số cao chót vót 3,46 triệu đô la vào năm 2012! (Năm 2018, bữa trưa với nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng là 3,3 triệu đô la – Chú thích của người dịch). Và tôi cũng không cam đoan điều này sẽ giúp bạn có thể có được những hiểu biết đặc biệt của ông. Điều tôi có thể nói với bạn là ông đã có một ảnh hưởng phi thường lên cách đầu tư và cách sống của riêng tôi. Mong ước của tôi là có thể chia sẻ những bài học tôi rút ra được từ ông để bạn cũng có lợi từ chúng như chính tôi vậy.
Tôi đã phải mất tới hai thập niên đẹp nhất cuộc đời mình để có thể tìm đến một chặng đường sáng hơn, tôi đã va vấp rất nhiều lần và mất nhiều thời gian trên con đường này. Hy vọng rằng, quyển sách này sẽ giúp bạn đạt đến chặng đường ấy nhanh hơn, ít vấp ngã hơn. Như Buffett đã từng nói, “Hãy cố gắng học từ những sai lầm của chính mình – và hay hơn nữa, là học từ sai lầm của người khác!” Tôi đưa đến cho bạn những bài học mà bạn chỉ cần học được một vài trong số này thôi, bạn sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc trở nên giàu có – và có thể là cực kỳ giàu có. Những tri thức tôi gạn lọc được không chỉ từ người hùng của tôi, mà còn từ những sai lầm và thành quả của chính mình, đã giúp tôi không biết bao nhiêu lần trên con đường đầu tư. Khi tôi viết quyển sách này, tôi đã có lợi nhuận 463% từ khi thành lập quỹ Aquamarine từ năm 1997, so với 167% của chỉ số S&P 500. Nói cho dễ hình dung, 1 triệu đô la đầu tư vào quỹ của tôi giờ sẽ thành 5,63 triệu đô la, so với 2,7 triệu đô la nếu số tiền đó đem đi đầu tư vào chỉ số S&P 500. Nhưng quyển sách này cũng viết về cốt lõi của đầu tư, và mở rộng ra, là cốt lõi của cuộc đời. Như tôi đã nhận ra, nhà đầu tư quan tâm những điều còn hơn là tiền của. Nên khi tài sản của bạn tăng lên, tôi hy vọng bạn cũng sẽ nhận ra rằng tiền bạc lúc này chẳng còn mấy quan trọng nữa. Và điều bạn sẽ làm khi đã có khối tài sản kếch xù chính là đóng góp ngược lại cho xã hội. Bạn không chắc lắm về điều tôi vừa nói ra? Tốt thôi. Hầu hết thời gian cuộc đời tôi, tôi cũng không chắc lắm, và giờ đây một phần nào đó của tôi vẫn còn hồ nghi điều đó. Cũng như bạn, tôi chỉ là người lữ khách trên chuyến hành trình này mà thôi.
Ngày nay, chúng ta đang trao đổi rất nhiều về các lý do Chủ nghĩa Tư bản đã phụ lòng chúng ta như thế nào. Chúng ta cũng nói với nhau về những tay chủ ngân hàng tham lam và những tay CEO vô trách nhiệm cần được pháp luật quản lý chặt chẽ hơn, và ta cũng nói rằng tài sản nên được tái phân phối hiệu quả hơn. Cũng có thể. Nhưng lòng tham cũng có thể là phương tiện để tìm kiếm điều gì đó sâu sắc hơn và ý nghĩa hơn. Theo kinh nghiệm của tôi, bạn có thể có khởi đầu là một nhà tư bản trẻ tuổi đói khát cơ hội, hoàn toàn bị lòng tham dẫn dắt, và dần nhận thấy rằng điều này đang dẫn bạn đến với một lối suy nghĩ sáng sủa hơn.
Trong trường hợp đó, lòng tham có thể là tốt đấy – sẽ là không tốt nếu nó thôi thúc bạn tìm cách chiếm hữu thêm nữa, nhưng sẽ là tốt nếu nó đưa bạn đến với chuyến hành trình nội tâm đi tìm sự phát triển của tâm hồn và sự khai sáng. Tôi sẽ mở rộng bài học này trong phần cuối. Nhưng trước hết, hãy đi vào phần Giữa bầy lang sói đã.
– Trích quyển sách Lột xác thành nhà đầu tư giá trị, tác giả Guy Spier –
Có thể bạn quan tâm:
Lột xác để trở thành nhà đầu tư giá trị – Guy Spier
Hành trình lột xác từ tay “mafia” cò mồi phố Wall
trở thành nhà đầu tư giá trị chân chính