Mô hình giao dịch cao trào dẫn đến “trắng bên mua” sẽ như thế nào?
Mua vào khi có điều chỉnh theo sau chuyển động xung lực đi lên hoặc bán khống khi có hồi phục theo sau các chuyển động xung lực đi xuống mạnh – một kế hoạch giao dịch hoàn hảo. Đơn giản, phải không? Không nhanh vậy đâu – có một rắc rối tiềm ẩn, đó là một trong những vấn đề quan trọng nhất trong phân tích kỹ thuật.
Đúng là nhiều khi giá sẽ hoàn thiện nốt (mở rộng phạm vi) hướng di chuyển của chuyển động xung lực trước đó, tuy nhiên, một chuyển động xung lực cực mạnh thường là dấu hiệu của cao trào hoặc một sự kiệt sức. Đây là một trong những kết cục phổ biến của các xu hướng, vì vậy điều quan trọng là phải hiểu cặn kẽ các mô hình này.
Ví dụ về một cao trào mua bị chấm dứt
Hình 3.6 là một ví dụ điển hình về một cao trào mua bị chấm dứt trong hợp đồng tương lai của Bạc.
Một nhà giao dịch ngây thơ có thể coi biến động này là dấu hiệu của sức mua cực mạnh. Tuy nhiên, trong những mô hình kiểu này, một kiểu trạng thái điên loạn nhất thời xuất hiện khi những người mua đầy cảm tính mua đuổi đẩy giá ngày càng cao. Tại một thời điểm nào đó, người cuối cùng muốn mua vào đã mua, và thị trường trở nên cực kỳ mỏng manh trước các đợt bán tháo. Những động thái tạm dừng hoặc giảm tốc độ mua vào nhỏ nhất cũng sẽ khiến thị trường như thế này rơi vào trạng thái “trắng bên mua”, vì không còn áp lực mua thực sự hỗ trợ thị trường nữa. Ngoài ra, thậm chí có thể có những nhà giao dịch đã “đu” đúng đỉnh, và bây giờ họ trở thành những người thiếu kiên nhẫn đang giữ vị thế mua. Ngay sau khi mô hình thay đổi, đà giảm thực sự xuất hiện, họ sẽ tháo chạy và áp lực bán của họ sẽ đổ thêm dầu vào lửa. Lưu ý các dấu hiệu điển hình của cao trào mua trong ví dụ này: tốc độ tăng giá của xu hướng tăng cao, các nến lớn, nhiều nến tự do (nến có giá thấp nhất cao hơn kênh trên) và sự sụp đổ sau đó.
Loại cấu trúc này thường được gọi là di chuyển theo đường parabol hoặc phá vỡ cao trào. Cũng lưu ý rằng phạm vi của các nến trong cú phá vỡ cao trào trở nên lớn hơn nhiều so với các nến trước khi xu hướng dốc hơn và các nến bị kéo ra khỏi đường trung bình – điều này phản ánh sự biến động đã tăng lên, đặc biệt là sự biến động trong ngày. Thanh khoản đột biến cũng thường xuất hiện ở gần cực đỉnh cao trào. Không có gì lạ khi xuất hiện các nến có thanh khoản gấp 4 – 5 lần khối lượng trung bình, nhưng thông tin này cũng được phản ánh trong biến động giá và độ biến động ở khung thời gian thấp hơn. Tuy nhiên, một đặc điểm chung khác là nhiều nến hơn đóng cửa gần đỉnh nến trong cao trào mua hoặc gần đáy nến trong cao trào bán. Điều này cho thấy rằng các tình trạng cao trào cũng kéo dài đến khung thời gian trong ngày (hoặc trong nến nếu là biểu đồ tuần hoặc tháng), có thể đang cho thấy sự kiệt sức hoặc cao trào trên khung thời gian của chính chúng. Cuối cùng, các nến nằm hoàn toàn bên ngoài các kênh Keltner là điều cực kỳ bất thường, được gọi là nến tự do, sự hiện diện của các nến này là một dấu hiệu khác của cao trào tiềm ẩn.
Mẫu hình tương tự cũng xảy ra trong xu hướng giảm giá, như trong Hình 3.7
Trong ví dụ này, sự hoảng loạn không bị đẩy lên quá mức như cơn điên cuồng ở Hình 3.6, và các nhà giao dịch có thể không nhận diện được thị trường đã chạm đáy cho đến vài tuần sau đó. Tuy nhiên, thông điệp không bán khống trong đợt điều chỉnh theo sau cao trào bán đã rõ ràng. Bản thân cao trào có lẽ là không đủ để làm cơ sở cho việc vào vị thế nghịch hướng (mặc dù nó có lợi thế có thể xác định một điểm rủi ro rõ ràng), nhưng ít nhất nó cũng khiến các nhà giao dịch theo xu hướng chú ý. Đừng vào lệnh trong các pha điều chỉnh theo sau những cao trào tiềm ẩn.
Lưu ý rằng chúng ta đang nghiên cứu những ví dụ sau khi xu hướng đã hoàn toàn mở rộng và thành hình – chúng ta đã biết trước đáp án. Trong thực tế, việc phát hiện một cao trào tiềm năng xuất phát từ một phạm vi giao dịch là vấn đề khó khăn hơn nhiều. Các điều kiện xuất hiện cao trào có thể được xác định chỉ bởi mối tương quan tỷ lệ của chúng với lịch sử thị trường gần đây. Mức biến động bị thu hẹp mạnh trong các phạm vi giao dịch, vì vậy bất kỳ chỉ báo nào đo lường sự mở rộng biên độ cũng sẽ bị sai lệch – nói cách khác, chỉ một động thái nhỏ hơn nhiều cũng tạo ra một mô hình cao trào trong đột phá phạm vi. Hơn nữa, theo sau những đột phá phạm vi mạnh mẽ, ngay cả khi chúng dường như là cao trào, thường là sự tiếp diễn xu hướng, vì vậy đây là những giao dịch rất khó và có lẽ tốt nhất là chỉ nên tìm kiếm các cao trào sau khi các xu hướng đã mở rộng.
Tổng hợp lại những lưu ý quan trọng về những cao trào cho nhà đầu tư mới:
– Thường xuyên xuất hiện sau hai hoặc nhiều chân xu hướng cùng hướng.
– Cho thấy một sự tăng tốc theo hướng của xu hướng trước đó. Nhiều nhà phân tích và nhà giao dịch mô tả đây là một thị trường đã đi theo đường parabol.
– Tương đối hiếm.
– Thường xuyên đạt đỉnh mới cao hơn hoặc đáy mới thấp hơn đáng kể ở khung thời gian đang theo dõi. Các chuyển động cao trào xuất hiện ở giữa một phạm vi là điều không bình thường.
– Được xác nhận bởi sự xuất hiện của đà nghịch hướng mạnh mẽ. Nếu điều này không xảy ra, xu hướng có thể rất mạnh.
– Có tầm quan trọng khác nhau. Những sự kiệt sức nhỏ khi giá đi vào hỗ trợ và kháng cự cũ là khá phổ biến, đặc biệt là ở các khung thời gian thấp hơn và có thể không xác định được các điểm cấu trúc quan trọng cho thị trường ở các khung thời gian cao hơn.