Xác định tình trạng căng thẳng tài chính của doanh nghiệp với mô hình Z-Score của Edward Altman
Đánh giá tình trạng căng thẳng tài chính và rủi ro phá sản là một nhu cầu cấp thiết của giới đầu tư, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh với nhiều biến động không thể lường trước được. Mô hình Z-Score của Giáo sư Edward Altman được cho ra đời từ năm 1968 là một mô hình rất nổi tiếng và được sử dụng rộng rãi trong ngành tài chính.
Mô hình được xây dựng như thế nào?
Mô hình được nghiên cứu để lựa chọn ra những chỉ số tài chính quan trọng giúp đánh giá xác suất phá sản của doanh nghiệp trong tương lai gần. Trước đó, các nhà phân tích thường đánh giá rủi ro phá sản một cách rời rạc theo từng chỉ số nhất định, do vậy không cho ra được cái nhìn tổng thể và giúp cho ra đánh giá tổng hợp về tình hình tài chính doanh nghiệp. Mô hình Z-Score của Giáo sư Edward Altman ra đời để giải quyết vấn đề trên. Mô hình của ông tổng hợp 5 chỉ số tài chính và dựa trên 5 biến trên để dự đoán khả năng phá sản của doanh nghiệp.
Mô hình đánh giá căng thẳng tài chính Z-Score
Giáo sư Edward Altman, giảng dạy tại Đại học New York (NYU), đã công bố mô hình Z-Score lần đầu vào năm 1968 trên tạp chí Journal of Finance. Mô hình Z-score ban đầu của ông hướng tới các công ty nằm trong nhóm sản xuất (Manufacturing). Công thức gốc của Z-score được tính như sau:
Z = 1.2X1 + 1.4X2 + 3.3X3 + 0.64X4 + 0.999X5
Trong đó:
X1: Tỷ số vốn lưu động trên tổng tài sản (Working Capitals/Total Assets)
X2: Tỷ số lợi nhuận giữ lại trên tổng tài sản (Retain Earnings/Total Assets)
X3: Tỷ số lợi nhuận trước lãi vay và thuế trên tổng tài sản (EBIT/Total Assets)
X4: Vốn hóa thị trường trên giá trị sổ sách của tổng nợ (Market Value of Total Equity / Book Values of Total Liabilities)
X5: Tỷ số doanh số trên tổng tài sản (Sales/Total Assets)
Cách xếp loại doanh nghiệp:
2.99 < Z: Doanh nghiệp nằm trong vùng an toàn, chưa có nguy cơ phá sản
1.81 < Z < 2.99: Doanh nghiệp nằm trong vùng cảnh báo, có thể có nguy cơ phá sản
Z < 1.81: Doanh nghiệp nằm trong vùng nguy hiểm, nguy cơ phá sản cao
Z-Score phiên bản cho doanh nghiệp phi sản xuất và thị trường đang phát triển
Tuy vậy, một điểm yếu lớn của mô hình Z-score là khả năng ứng dụng chúng vào các loại hình doanh nghiệp phi sản xuất (Non-Manufacturing). Đến năm 2006, Giáo sư Edward Altman và Giáo sư Edith Hotchkiss phát triển công thức mới Z’’-Score điều chỉnh cho các doanh nghiệp thuộc nhóm phi sản xuất (non-manufacturing) ở thị trường mới nổi (EM – Emerging Market). Mô hình Z’’-score loại bỏ biến X5, cùng lúc đó, biến X4 sử dụng giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu thay vì vốn hóa thị trường như công thức ban đầu.
Công thức tính:
Z” = 6.56X1 + 3.26X2 + 6.72X3 + 1.05X4
X1: Tỷ số vốn lưu động trên tổng tài sản (Working Capitals/Total Assets)
X2: Tỷ số lợi nhuận giữ lại trên tổng tài sản (Retain Earnings/Total Assets)
X3: Tỷ số lợi nhuận trước lãi vay và thuế trên tổng tài sản (EBIT/Total Assets)
X4: Giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu trên giá trị sổ sách của tổng nợ (Book Value of Total Equity / Book Values of Total Liabilities)
Cách xếp loại:
2.6 < Z”: Doanh nghiệp nằm trong vùng an toàn, chưa có nguy cơ phá sản
1.1 < Z” < 2.6: Doanh nghiệp nằm trong vùng cảnh báo, có thể có nguy cơ phá sản
Z” < 1.1: Doanh nghiệp nằm trong vùng nguy hiểm, nguy cơ phá sản cao
Ứng dụng trong đầu tư
Nhà đầu tư nên cẩn thận khi bỏ tiền đầu tư với các doanh nghiệp đang trong tình trạng căng thẳng về tài chính và rủi ro phá sản cao. Nên ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt và mô hình kinh doanh hiệu quả để giảm bớt rủi ro trong quá trình đầu tư.
Mô hình này giúp nhà đầu tư có thể đánh giá rủi ro của các doanh nghiệp một cách định lượng và khách quan. Các ví dụ bên trên cho ta thấy có sự liên quan rất lớn giữa giá cổ phiếu và tình hình tài chính của doanh nghiệp (được đánh giá thông qua Z-Score).
Nguồn: Kinh tế chứng khoán
Có thể bạn quan tâm: Ngày đòi nợ (Payback Time) – Phil Town
(đầu tư theo phong cách của Warren Buffett và Charlie Munger)