Một đội ngũ sáng lập thành công phải hội tụ 4 phẩm chất này
Nếu đội ngũ sáng lập của bạn không có đầy đủ các phẩm chất này, bạn cần tìm thêm các thành viên khác để bổ sung.
Có thể nói, một startup theo đuổi sự đổi mới sáng tạo không thể hình thành, phát triển và thay đổi hướng đi của một ngành hay một lĩnh vực chỉ với nỗ lực của một cá nhân nào đó. Một đội ngũ sáng lập mạnh và hiệu quả đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của mọi doanh nghiệp, đặc biệt là khi doanh nghiệp đó còn trong giai đoạn non trẻ.
Theo David Brown – một doanh nhân người Canada và là nhà đồng sáng lập của chương trình tăng tốc, cấp vốn và cố vấn khởi nghiệp Techstars – có 4 phẩm chất làm nên một đội ngũ sáng lập thành công: “Nếu đội ngũ sáng lập của bạn không có đầy đủ các phẩm chất này, bạn cần tìm thêm các thành viên khác để bổ sung”.
Khát khao học hỏi, ngay cả khi kế hoạch thay đổi
Nếu bạn đã từng mở một công ty, hẳn bạn sẽ biết rằng, xác suất để kế hoạch ban đầu phải thay đổi hoàn toàn (ít nhất một lần) là rất cao. Thông thường, công ty của bạn sẽ phải chuyển hướng nhiều lần. Vì thế, những thành viên giàu nhiệt huyết và giỏi thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng đóng vai trò cốt yếu cho sự phát triển của doanh nghiệp. Sự thay đổi có thể đến bất cứ lúc nào; do đó, nếu những người đồng sáng lập với bạn không sẵn lòng học hỏi cái mới, từ cộng đồng khởi nghiệp hoặc từ nghiên cứu khảo sát, họ sẽ không thể đi được đường dài.
Hãy tìm kiếm những thành viên đồng sáng lập luôn đón nhận ý tưởng mới và sẵn sàng thách thức tập thể (kể cả người sáng lập) nhằm tìm ra những giải pháp tốt nhất, sáng tạo nhất. Hơn nữa, cần khuyến khích mọi người đặt ra câu hỏi cho các thành viên khác trong nhóm và cho cả bạn, vì giá trị của tư duy học hỏi sẽ tăng lên rất nhiều nếu được vận dụng rộng khắp, xuyên suốt trong tập thể.
Dám nhận sai
“Dễ bị tổn thương” là một trong những điểm khó nhất đối với bất cứ mối quan hệ nào, nhưng nó đặc biệt còn khó xử hơn trong một tập thể đồng sáng lập. Trong nhiều môi trường làm việc, việc làm sai một điều gì đó thường bị xem là thất bại; dù đáng lý ra, điều này nên được đón nhận một cách bình thường, để giúp cả tập thể hoạt động tích cực hơn, thay vì sợ hãi.
Và, sự dễ bị tổn thương này thường bắt nguồn từ các cấp lãnh đạo. Nếu đội ngũ sáng lập không thể thừa nhận sai lầm của họ thì nhân viên cũng sẽ làm như vậy, từ đó làm lệch hướng sự phát triển của công ty. Nếu mọi người hiểu và chấp nhận rằng lãnh đạo của họ không hoàn hảo thì họ sẽ cởi mở và trung thực hơn, cũng như gắn kết hơn với sứ mệnh của công ty.
Khi ai đó gặp thất bại, hãy khuyến khích họ xem thất bại này là của cả đội chứ không phải riêng một cá nhân nào đó. Những tổ chức có thể tạo ra tư duy sở hữu theo nhóm sẽ làm việc đoàn kết hơn, vì các thành viên biết rằng cá nhân họ sẽ không bị “chỉ mặt là kẻ thất bại” nếu các dự án không thành công như dự tính ban đầu.
Không nản lòng khi làm sai
“Bền bỉ” có lẽ là từ phản ánh chính xác nhất phẩm chất quyết liệt mà các nhà sáng lập nên tìm kiếm ở những người xung quanh họ. Có thể, việc dũng cảm thừa nhận thất bại là điểm cốt yếu để xây dựng một đội ngũ startup mạnh, song việc không nản lòng dù thất bại mới là thứ khiến một startup tốt thành startup tuyệt vời. Xây dựng một công ty là cuộc chạy marathon, nên bền bỉ là phẩm chất quan trọng, mang tính sống còn.
Có chung khao khát cháy bỏng
Là một nhà sáng lập, bạn sẽ cần nhiều hơn cả đam mê để khởi nghiệp. Việc khao khát muốn giải quyết vấn đề chính là yếu tố thôi thúc các sáng lập viên đánh cược vào việc khởi nghiệp kinh doanh. Và, bạn cần tìm được những người cùng chia sẻ sự khát khao này để xây dựng một đội ngũ sáng lập mạnh mẽ. Có những người bằng cấp rất tuyệt, hoặc toàn nói rất hay trong một cuộc phỏng vấn; song, bạn sẽ được lợi hơn từ những người có cùng khát khao với bạn, những người sẵn lòng “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” để đi cùng bạn trên suốt hành trình. Việc có cùng một sự khát khao hướng về sứ mệnh chung chính là chất keo kết dính những thành viên vốn khác nhau về mọi thứ thành một đội ngũ hiệu quả, thành công.
Nguồn: Doanhnhansaigon