Mua và tích trữ dưới tác động của lãi kép, một người đã kiếm được 2 TRIỆU USD từ 1 NGHÌN USD
Câu chuyện về tích trữ và lãi kép đã thay đổi tài chính của một người theo hướng không thể nào tưởng tượng đươc. Nếu bạn có thể chi tiêu ít hơn thu nhập của mình trong khi đạt được lợi nhuận tốt hơn mức trung bình dù chỉ một chút thôi thì bạn cũng sẽ khá ổn về mặt tài chính.
Russ Gremel – người đàn ông 98 tuổi hiện đang cư trú ở Chicago – đã vận dụng chiến lược mua và tích trữ 70 năm về trước, khi đó ông đã bỏ ra 1.000 đô la để mua cổ phiếu Walgreens – vốn là một ông lớn trong ngành dược phẩm. Trích dẫn từ tờ Chicago Tribune: “Ông nhận thấy mọi người luôn cần có dược phẩm và phụ nữ luôn mua mỹ phẩm. Vì vậy, ông đã lên kế hoạch mua và nắm giữ cổ phiếu đó trong một thời gian dài (ở đây là 70 năm)”.
Cuối cùng thì ông đã được tưởng thưởng xứng đáng. Hiện nay, 28,000 cổ phiếu của ông có trị giá hơn 2 triệu USD, và ông đã gửi tất cả số tiền này tới quỹ Illinois Audubon Society để xây dựng một nơi trú ẩn cho các động vật hoang dã.
Chẳng ai ngờ là ông Gremel sở hữu lượng tiền lớn đến thế cho tới khi ông Gremel quyết định tặng 2 triệu USD. Ông nói: “Tôi là người đơn giản. Tôi chưa bao giờ để bất cứ ai biết là tôi có từng đó tiền cả”.
Lãi kép hoạt động như thế nào?
Về bản chất, một chương trình đầu tư đầu tiên và trước hết là một chương trình lãi kép. Nó là một quá trình liên tục tái đầu tư các khoản lợi nhuận sao cho mỗi khoản bổ sung sẽ tự sinh lời. Các khoản lời trên lợi nhuận này theo thời gian sẽ trở thành phần chiếm ưu thế ngày càng lớn trong tổng mức lợi nhuận của chương trình đầu tư. Hai yếu tố quyết định tới kết quả đầu tư cuối cùng là: (1) lợi suất trung bình năm và (2) thời gian.
Sức mạnh của lãi kép bắt nguồn từ chính bản chất của nó và sự tích trữ; thời gian càng lâu thì sức mạnh của nó càng lớn và trở thành tác nhân chi phối rõ ràng trong chương trình đầu tư, nhưng rất nhiều người đánh giá thấp tầm quan trọng của nó.
Nếu bạn sớm bám vào những ý tưởng này và cho nó thời gian để phát triển, bạn sẽ không cần thêm nhiều thứ khác để trở thành nhà đầu tư thành công. Thật không may, nhiều người vì quá thiển cận hay thiếu kiên nhẫn mà không thể tận dụng triệt để những gì chúng mang lại.
Chẳng hạn, một khoản đầu tư 100.000 đô la có mức sinh lợi 10% mỗi năm. Tổng lợi nhuận sẽ cao hơn khoảng 7% nếu các khoản lợi nhuận được tái đầu tư thay vì rút ra ngay sau thời gian 5 năm. Không ấn tượng lắm nhỉ.
Tuy nhiên sau 10 năm, khoản tiền mà có lợi nhuận được tái đầu tư (tạm gọi là khoảng dùng lãi kép) sẽ sinh lợi nhiều hơn 30% so với khoản tiền không được tái đầu tư. Khi đó, các kết quả “phấn khích” này sẽ tiếp tục tăng lên tới năm thứ 15. Bây giờ, khoản dùng lãi kép đã lớn hơn gần 70% rồi.
Lãi kép tăng theo hàm số mũ, nó sẽ hình thành đà tăng lên theo thời gian
Sau 20 năm, lợi nhuận đã lên tới 125%. Chẳng có gì mạnh mẽ hơn nữa. Chi tiêu ngay khoản lợi nhuận của bạn sẽ khiến tổng lợi nhuận của bạn giảm nhiều; với tư cách là nhà đầu tư, chúng ta cho phép lợi nhuận của chúng ta tích lũy lên nhau và trở thành tác nhân chi phối tạo ra của cải của mình. Chúng ta làm việc đó một cách kiên nhẫn.
Warren Buffett và nỗi “ám ảnh” lãi kép
Tầm quan trọng của lãi kép thật khó để cường điệu. Nó giải thích tại sao Charlie Munger, người bạn của Buffett trong những năm tháng ở Công ty Hợp danh và hiện là phó chủ tịch của Berkshire từng nói rằng Buffett coi việc cắt tóc mất 10 đô la giống như một khoản tiêu tốn thực sự tới 300.000 đô la.
Hóa ra là ông ta có hơi bảo thủ một chút; nếu Buffett không chi 10 đô la để cắt tóc vào năm 1956, thay vào đó đầu tư vào Công ty Hợp danh, thì bây giờ khoản đó đã lên tới hơn 1 triệu đô la rồi (10 đô la được áp dụng ở mức lãi suất 22% trong 58 năm).
Nhìn vào lãi kép qua lăng kính của Warren Buffett, không khó để hiểu tại sao ông lại sống thanh đạm như vậy. Việc cắt tóc của ông thực sự quá đắt đỏ!
Tới giữa độ tuổi đôi mươi, Buffett đã tin rằng sức mạnh của lãi kép và tích trữ sẽ giúp ông giàu có. Trở về Omaha với khoảng 100.000 đô la trước khi bắt đầu các thỏa thuận góp vốn, ông tự coi mình về cơ bản là đã nghỉ hưu. Ông thấy rằng mình cần đọc nhiều hơn và có lẽ nên tham gia một số lớp học đại học.
Ông tin vào sức mạnh của lãi kép tới mức ông bắt đầu lo lắng về những tác động tiêu cực có thể xảy đến khi gia đình ông trở nên giàu có; ông không muốn những đứa con hư hỏng và muốn có một chiến lược để nuôi dạy chúng tốt.
Có thể mối bận tâm về việc tránh để con mình hư hỏng là điều dễ hiểu, nhưng hãy nhớ rằng lúc đó Buffett mới chỉ tuổi đôi mươi và vẫn còn ngồi trên giường ngủ để tính toán mấy khoản đầu tư khiêm tốn của mình.
Điều trên dẫn tới đến một lời khuyên theo lẽ tự nhiên như thế này:
Nếu bạn có thể chi tiêu ít hơn thu nhập của mình trong khi đạt được lợi nhuận tốt hơn mức trung bình dù chỉ một chút thôi thì bạn cũng sẽ khá ổn về mặt tài chính. Tuy nhiên, phải thật kiên nhẫn. Bạn không thể thúc ép lãi kép được; bạn phải để nó “ngấm” dần qua thời gian.
Buffett vẫn ở căn nhà cũ trong hàng thập kỉ. Lối sống và đầu tư của ông rất thiết thực và đầy ý nghĩa. Sự kiên nhẫn và tính thanh đạm cho phép ông duy trì một khoản vốn đầu tư tối đa và hưởng lãi kép. Khoản này, cùng với lợi suất cao mà ông có thể tạo ra, đã cho phép ông đóng góp toàn bộ cổ phiếu tại công ty Berkshire của mình cho quỹ Gates, món quà từ thiện lớn nhất trong lịch sử thế giới.
Không chỉ vậy, tôi nghĩ ông còn là một trong những người hạnh phúc nhất thế giới vì đã thực hiện rất chính xác điều ông mong muốn từng giây phút trong cuộc đời mình.
Nguồn: Luật của Warren Buffett; Vietstock
Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town
(đầu tư theo phong cách Warren Buffett, Charlie Munger)