Mỹ cân nhắc công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam
Chiều 8-5, theo giờ Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ sẽ tổ chức cuộc điều trần trực tuyến để lắng nghe tranh luận của các bên về việc trao quy chế thị trường cho Việt Nam. Đây là một phần của cuộc đánh giá của Bộ Thương mại Mỹ dự kiến hoàn tất vào cuối tháng 7. Một quyết định chuyển nền kinh tế Việt Nam sang quy chế thị trường sẽ giúp giảm các biện pháp áp thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam.
Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường, đáp ứng các tiêu chí quan trọng như khả năng chuyển đổi tiền tệ và sẵn sàng để được phân loại chính xác. Các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư đáng kể vào Việt Nam vì họ nhận ra tiềm năng tăng trưởng của nước này”, Ted Osius, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN và là cựu Đại sứ Mỹ ở Việt Nam, bình luận trước cuộc điều trần.
Chính phủ Việt Nam lập luận, với nhiều cải cách kinh tế gần đây, việc Mỹ dãn nhãn “phi thị trường” cho nền kinh tế Việt Nam là không phù hợp và không tốt cho mối quan hệ song phương.
Trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden năm ngoái, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện”, nâng vị thế ngoại giao của Washington tại Việt Nam ngang hàng với Trung Quốc và Nga.
Tháng 9 năm ngoái, nhân dịp tham dự phiên thảo luận chung cấp cao khóa 78 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ở New York. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi Mỹ sớm công nhận quy chế thị trường cho Việt Nam.
Bộ Thương mại Mỹ có một bộ tiêu chí khá hẹp để xác định tình trạng nền kinh tế thị trường của một nước như mức độ chuyển đổi tiền tệ, đàm phán lương tự do giữa người lao động và chủ sử dụng lao động, mức độ cho phép đầu tư của nước ngoài trong các hoạt động kinh tế. Các tiêu chí khác gồm mức độ chính phủ sở hữu hay kiểm soát đối với phương tiện sản xuất, phân bổ nguồn lực cũng như các quyết định về giá cả và sản lượng. Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ cũng có thể xem xét các các yếu tố khác.
Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nga, Belarus, Azerbaijan và 9 quốc gia khác bị Mỹ xếp danh sách các nền kinh tế phi thị trường
Hàng hóa từ các nền kinh tế phi thị trường phải chịu mức thuế suất cao hơn của Mỹ trong các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá sử dụng giá tham chiếu của nước thứ ba để xác định giá trị thị trường hợp lý của sản phẩm.
Năm nay, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) gia hạn thuế chống bán phá giá 25,76% đối với tôm nuôi đông lạnh từ Việt Nam. Tuy nhiên thuế của Mỹ áp vào sản phẩm này của Thái Lan, một nền kinh tế thị trường, chỉ ở mức 5,34%.
Liên minh tôm miền Nam (SSA) của Mỹ, gồm các ngư dân và nhà chế biến tôm, phản đối cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam với lý do Việt Nam vẫn còn các rào cản về quyền sở hữu đất đai, luật lao động yếu kém. Họ cho rằng, thuế thấp hơn đối với tôm của Việt Nam sẽ gây thiệt hại cho các thành viên của SSA.
Việc nâng cấp vị thế thị trường cho nền kinh tế Việt Nam cũng vấp phải một số phản đối tại quốc hội Mỹ. 8 thượng nghị sĩ và 31 hạ nghị sĩ đưa ra lập luận tương tự SSA. Họ bày tỏ lo ngại với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo rằng, động thái này sẽ hỗ trợ các công ty nhà nước Trung Quốc đã đầu tư nhiều vào Việt Nam dễ dàng lách thuế của Mỹ đối với hàng hóa của họ.
Roy Houseman, giám đốc lập pháp của United Steelworkers Union (USW), công đoàn đại diện cho công nhân trong ngành luyện kim Bắc Mỹ cho rằng, sự thay đổi này sẽ làm xói mòn nền tảng sản xuất trong nước của Mỹ. Chiều ngược lại, sẽ củng cố vai trò của Việt Nam như một “kênh dẫn dòng chảy hàng hóa Trung Quốc được buôn bán không công bằng”.
Trong giai đoạn này, ông Biden đang vận động phiếu bầu của các thành viên công đoàn trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới, đặc biệt là từ các công nhân ngành thép ở bang Pennsylvania. Ông đã phản đối đề xuất của Nippon Steel (Nhật Bản) để thâu tóm tập đoàn thép US Steel có trụ sở ở Pittsburgh, bang Pennsylvania. Ông cũng kêu gọi áp dụng mục 301 của Đạo luật thương mại Mỹ năm 1974 để áp thuế cao hơn đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Happy Live team sưu tầm/thesaigontimes