Mỹ công bố số liệu CPI ngay trước cuộc họp lãi suất của FED: lạm phát liệu đã được “ghìm cương”?
Ngày 12/12, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đây là một thước đo lạm phát quan trọng được các quan chức và giới đầu tư theo dõi sát sao.
Báo cáo CPI công bố ngay trước cuộc họp FED
CPI tháng 11 của Mỹ đã tăng 0,1% và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, khảo sát của Dow Jones cho thấy các nhà kinh tế dự đoán CPI tháng 11 sẽ không tăng và chỉ tăng 3,1% trên cơ sở hàng năm.
CPI lõi, loại trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, đã tăng 0,3% trong tháng 11 và 4% so với tháng 11/2022. Cả hai kết quả này đều trùng với dự đoán và cũng ít thay đổi so với tháng 10.
Giá năng lượng giảm 2,3% đã giúp kiểm soát lạm phát. Cụ thể, giá xăng giảm 6% và dầu mazut giảm 2,7%. Trong khi đó, giá thực phẩm tăng 0,2%. Nếu so sánh với năm 2022, giá lương thực tăng 2,9%, còn giá năng lượng giảm 5,4%.
Giá nhà ở, thành phần chiếm khoảng 1/3 trọng số CPI, đã tăng 0,4% trong tháng 11 và tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm dần đều kể từ khi đạt đỉnh vào đầu năm 2023.
Một kết quả ‘không quá bất ngờ’
Trước báo cáo mới được công bố, Giám đốc Sam Millette của Commonwealth Financial Network cho biết: “Cuối cùng, không có bất ngờ lớn nào trong báo cáo. Dữ liệu dự kiến sẽ không có tác động đáng kể đến quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang”.
Giám đốc đầu tư Chris Zaccarelli tại Independent Advisor Alliance nhận định: “Không có gì trong báo cáo này có thể ngăn FED tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong năm tới và có khả năng bắt đầu cắt giảm lãi suất vào nửa cuối năm 2024. Chúng tôi thấy FED sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn và kiên nhẫn chờ lạm phát giảm trở lại”.
Báo cáo CPI được công bố ngay khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày 12-13/12. Thị trường nhận định cơ quan này sẽ giữ lãi suất ổn định lần thứ ba liên tiếp. Các nhà đầu tư đang tiếp tục theo dõi dữ liệu và bình luận của Chủ tịch Jerome Powell để tìm manh mối về thời điểm ngân hàng trung ương có thể cắt giảm lãi suất.
Trong khi đó, các quan chức cho biết họ chưa hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất, nhưng họ ngày một tin rằng sẽ không cần tăng thêm quá nhiều để kiềm chế lạm phát. Lạm phát đã giảm đáng kể so với mức đỉnh gầy đây.
Theo kết quả khảo sát sơ bộ tháng 12 của Đại học Michigan, nhiều người tiêu dùng dự đoán rằng lạm phát không còn kéo dài lâu và họ trở nên lạc quan hơn vì giá cả giảm.
Nhà kinh tế trưởng Kathy Bostjancic tại Nationwide Mutual Insurance cho biết các quan chức FED “không muốn đè bẹp nền kinh tế, không muốn đè bẹp thị trường lao động, họ chỉ muốn xoa dịu. Cho đến hiện tại, tình hình có vẻ đang diễn ra như vậy”.
Chiến lược của ngân hàng trung ương
Các quan chức FED đang tỏ ra thận trọng và không muốn tuyến bố chiến thắng quá sớm. Các nhà hoạch định chính sách theo dõi chặt chẽ lạm phát cơ bản vì đây được coi như là một yếu tố dự báo rõ hơn về giá cả trong tương lai.
Các nhà đầu tư đang kỳ vọng rằng ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất ngay sau mùa xuân năm 2024. Song, đầu tháng này, Chủ tịch Powell cho biết còn quá sớm để suy đoán khi nào có thể nới lỏng chính sách. Phát biểu của ông nhằm kiểm soát những kỳ vọng của nhà đầu tư.
Một số quan chức FED khác thì công khai thể hiện sự lạc quan về cơ hội nền kinh tế “hạ cánh mềm”, tức là giảm phát mà không gây ra suy thoái kinh tế. Thống đốc FED Christopher Waller cho biết vào tháng trước rằng ông “ngày càng tin tưởng rằng chính sách hiện đang được áp dụng đúng đắn”.
Tiến Phát