Nếu nỗ lực, GDP năm 2022 có thể vượt mức tăng trưởng 7-7,5%
Sáu tháng đầu năm, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, nếu tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa, dự báo kinh tế năm 2022 đạt và vượt mức 7-7,5%.
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tại phiên họp toàn thể Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam năm 2022, diễn ra chiều 18/9.
Kinh tế phục hồi ngoạn mục
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, khẳng định tiến trình phục hồi bền vững và thích ứng hiệu quả với dịch COVID-19 của nước ta.
Tâm lý lo lắng, thận trọng với dịch bệnh COVID -19 cuối năm 2021 dần được cởi bỏ, tạo điều kiện, nền tảng quan trọng để nền kinh tế chuyển trạng thái từ mở cửa thận trọng, lo ngại dịch bệnh bùng phát trở lại sang đẩy mạnh mở cửa các ngành, lĩnh vực, đưa đời sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới ngay từ những tháng đầu năm 2022.
Nhờ đó, nền kinh tế có bước phục hồi tích cực ngay từ đầu năm 2022, tăng trưởng GDP 6 tháng ước tăng 6,42% so với cùng kỳ. Nếu tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa, cả năm 2022 có khả năng đạt và vượt mức 7-7,5%.
Đồng thời, giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn mất ổn định, đối mặt rủi ro suy thoái.
“Tính chung 8 tháng, CPI bình quân tăng 2,58%, tương đương các năm 2018-2021; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 85,6% dự toán, tăng 19,4% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 3,96 tỷ USD. Điều này được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitchs, Moody’s, S&P, các định chế tài chính quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài ghi nhận, đánh giá cao. IMF và WB liên tục nâng mức dự báo tăng trưởng GDP nước ta năm 2022 từ 5,8% lên 7% và từ 6% lên 7,5%”, ông Phương cho biết.
Cũng theo ông Phương, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng đã kịp thời thực hiện các giải pháp về thuế để giảm giá xăng dầu trong nước, bảo đảm nguồn cung, chủ động phương án hỗ trợ giá xăng dầu trong trường hợp cần thiết.
“Đến nay, giá xăng dầu trong nước đã quay trở lại mặt bằng giá cuối năm 2021, trước khi diễn ra xung đột Nga – Ukraina. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm. Cùng đó là nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Qua đó, tạo dư địa để tập trung nguồn lực đầu tư, đưa vào sử dụng một số công trình hạ tầng quan trọng, liên vùng, tác động lớn đến KTXH như cao tốc Bắc – Nam đoạn Cao Bồ – Mai Sơn, đoạn La Sơn – Túy Loan, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, Hạ Long – Móng Cái, cầu Thủ Thiêm 2”, ông Phương cho biết thêm.
Nâng cao năng lực, sức chống chịu của nền kinh tế
TS Cấn Văn Lực – Kinh tế trưởng BIDV – nêu nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP Việt Nam năm 2021 đạt 362.6 tỷ USD, gấp 12,4 lần năm 1988. Mặc dù tăng trưởng kinh tế chậm lại trong giai đoạn 2020-2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Việt Nam vẫn là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực ASEAN.
“Theo xếp hạng của WB, hiện tại, Việt Nam xếp hạng 40/176 thế giới và 14/39 khu vực Châu Á; xếp thứ 6/10 khu vực ASEAN. Đồng thời, theo dự báo của IMF, WB và Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, với khả năng phục hồi mức tăng trưởng cao 6,5-7% trong giai đoạn 2022-2025, Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ ba ASEAN về quy mô kinh tế năm 2025 (ước đạt 571 tỷ USD, chỉ sau Indonesia và Thái Lan). So với quy mô bình quân toàn thế giới và ASEAN, quy mô kinh tế Việt Nam ở mức khá tốt (khoảng 0,75 điểm)”, ông Lực nêu dẫn chứng.
Trong khi đó, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cùng sự mở rộng quy mô kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng khá nhanh, năm 2021 đạt 3.724 USD/người, gấp 30 lần năm 1989, từ nước nghèo trở thành nước thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đứng ở mức thấp so với thế giới và khu vực (năm 2021 xếp thứ 114/176 thế giới và thứ 6/10 khu vực ASEAN với khoảng cách khá xa, thấp hơn nhiều so với Singapore (gấp 19,5 lần), Malaysia (gấp 3,1 lần) và Thái lan (gấp 1,94 lần).
Hơn nữa, với giả định tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người chậm hơn so với tốc độ tăng GDP đến năm 2030 và ở mức tương đương đến năm 2045, đây sẽ là thách thức lớn đối với mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 và đảm bảo an sinh xã hội, vì vậy, chỉ số này ở mức trung bình thấp 0,46 điểm.
Về mức độ ổn định của chỉ số giá tiêu dùng (CPI), TS Cấn Văn Lực cho rằng, đây là chỉ tiêu phản ánh mức độ rủi ro lạm phát của Việt Nam và có ý nghĩa tốt hơn so với chỉ số CPI hay CPI bình quân.
“Nếu mức độ biến động của lạm phát ở mức +/- 0,5% – mức bình quân trước dịch – thì có thể đánh giá rủi ro lạm phát ở mức thấp; nếu mức độ biến động lớn hơn +/- 0,5% (một số giai đoạn 2007-2008; 2010-2011) cho thấy rủi ro lạm phát tương đối cao. Dự báo CPI bình quân năm 2022 ở mức 3,8-4,2%, cao gấp 2,1-2,3 lần CPI năm 2021, cho thấy mức độ biến động khá lớn và rủi ro tương đối cao”, ông Lực cho biết.
Việt Nam có nhiều lợi thế, chủ động trong kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Dưới góc độ năng lực chống chịu của nền kinh tế, chỉ số này được đánh giá ở mức trung bình khá 0,65 điểm, tuy nhiên, lạm phát tiềm ẩn nguy cơ gia tăng và chuyển sang trạng thái rủi ro cao hơn. Do vậy, chúng ta cần các biện pháp hiệu quả, kịp thời.
Điều chỉnh các chính sách điều hành phù hợp
Trong khi đó, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện Công nghệ và Phát triển Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, về các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp đã góp phần tích cực trong việc chuyển tải thông điệp trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn một số thách thức từ chính sách tài khoá tiền tệ, vì một số gói chính sách hỗ trợ chứ được triển khai cụ thể như gói hỗ trợ 1.000 tỷ đồng mua máy tính cho em; gõi hỗ trợ vay mua nhà ở xã hội; Nghị quyết 43 ban hành rất nhanh, rất kịp thời nhưng vấp phải ngoại cảnh là cuộc xung đột Nga – Ukraina đã đẩy giá dầu và hàng hoá đầu tăng cao, kéo theo lạm phát thế giới tăng rất nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc giải ngân đầu tư công còn rất chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, người dân, hạn chế sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
“Do đó, cần có sự điều chỉnh cho phù hợp để thúc đẩy kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hiện nay”, ông Cường nói.
Link gốc: cafef