Ngạn ngữ có câu: “Có chi thì mới có thu”. Liệu bạn đã phân biệt được nợ tốt và nợ xấu chưa?
Trong bài viết này, nợ xấu không mang ý nghĩa món nợ không thu hồi được theo như cách hiểu phổ thông trong lĩnh vực tài chính nói chung. Nợ xấu mà chúng tôi đề cập đến ở đây là những món nợ có ảnh hưởng không tốt đến đời sống tài chính cá nhân của bạn, giúp bạn đưa ra những quyết định hiệu quả trong cuộc sống.
Ngày nay, việc nợ đối với nhiều người chỉ đơn giản là một phần của cuộc sống. Là phương thức thanh toán cho mọi thứ từ các mặt hàng lớn như nhà và xe hơi đến mua sắm hàng ngày như xăng và kẹo cao su. Định nghĩa cơ bản nhất về nợ, đó đơn giản chỉ là khoản tiền được vay từ một bên khác. Theo định nghĩa này thì nợ có vẻ trung hòa chẳng xấu cũng chẳng tốt. Xem xét kĩ hơn vấn đề này sẽ cho ta cái nhìn sâu sắc về cả hai mặt của tình trạng nợ.
Như thế nào mới gọi là nợ tốt?
Không ví dụ nào cho câu ngạn ngữ cổ “có chi thì mới có thu” chuẩn hơn nợ tốt. Nợ tốt giúp bạn tạo ra thu nhập và tăng giá trị thuần. Bốn ví dụ đáng quan tâm của nợ tốt đó là:
1. Giáo dục đại học hoặc đào tạo nghề
Từ lâu người ta đã coi giáo dục đồng nghĩa với thành công. Nhìn chung, một cá nhân có nền tảng giáo dục càng cao thì tiềm năng thu nhập càng lớn. Giáo dục cũng tỷ lệ thuận với cơ hội tìm kiếm việc làm. Những người được giáo dục tốt hơn có khả năng được thuê vào những vị trí với mức lương cao hơn, và thường không mất nhiều thời gian để kiếm một cơ hội mới khi cần. Đầu tư vào một tấm bằng đại học hoặc nghề là khoản đầu tư có thể thu hồi chỉ trong vòng vài năm sau khi người ta ra trường, đi làm.
2. Khởi nghiệp
Kiếm tiền là mục đích quan trọng nhất của việc khởi nghiệp. Làm doanh nhân không những đồng nghĩa với việc kiếm được tiền mà còn giúp bạn tự làm chủ của bản thân chứ không phải đi làm thuê cho người khác. Điều này cũng khiến cho bạn chủ động hơn trong thu nhập của mình – bạn càng sẵn lòng làm việc chăm chỉ đến đâu thì cơ hội kiếm tiền của bạn càng lớn. Và cộng thêm một chút may mắn thì tham vọng và đam mê của bạn sẽ giữ cho doanh nghiệp của bạn hoạt động hiệu quả, có lãi. Rồi biết đâu đó, một đợt IPO (đưa công ty của bạn lên sàn chứng khoán) sẽ đem lại của cải gấp nhiều lần số vốn bạn đã bỏ ra.
3. Bất động sản
Có rất nhiều cách để kiếm tiền từ bất động sản. Trên lĩnh vực nhà ở, chiến lược đơn giản nhất thường là mua một ngôi nhà, sống ở đó vài chục năm rồi bán nó đi thu lãi. Cũng có thể kinh doanh nhà ở tạo ra thu nhập bằng cách nhận ở nội trú hoặc cho thuê toàn bộ căn hộ. Mua qua bán lai bất động sản cũng có thể là một nguồn doanh thu và lợi nhuận tuyệt vời cho các nhà đầu tư.
4. Đầu tư
Đầu tư ngắn hạn cho ta cơ hội tạo ra thu nhập, còn đầu tư dài hạn có thể là cơ hội làm giàu tốt nhất cho nhiều người. Sự đa dạng các loại hình đầu tư, truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu cho đến các loại hình mới như hàng hóa, hợp đồng tương lai và các kim loại quý, vv.. cho ta một loạt các lựa chọn phù hợp với từng nhu cầu và độ chịu rủi ro.
5. Không bảo đảm
Trong khi nợ tốt có vẻ là một ý tưởng tuyệt vời thì điều quan trọng là bạn cần tỉnh táo rằng ngay cả những ý tưởng tốt nhất không phải lúc nào việc thực hiện cũng như dự tính. Chúng ta hãy cùng thực hiện một cái nhìn trái chiều với bốn hạng mục “nợ tốt” này để chốt lại quan điểm.
Nhược điểm của việc học lên cao
Bản thân việc học không phải là một tấm vé bảo đảm giàu có và thành công. Ngành học phải được lựa chọn cẩn thận, vì không phải tất cả các loại bằng cấp và chứng chỉ đều cho cơ hội như nhau trên thị trường. Điều kiện kinh tế khó khăn cũng cần được đưa vào xem xét, bởi sẽ khó kiếm những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn hơn trong thời kì suy thoái kinh tế. Những người không chịu chuyển sang các lĩnh vực phù hợp với kĩ năng của mình hoặc không sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp và các công việc cấp thấp thì bằng cấp của họ sẽ không có khả năng đem lại lợi nhuận như kì vọng.
Các rủi ro về khởi nghiệp
Giống như bất kì công việc kinh doanh mạo hiểm nào, các doanh nghiệp nhỏ chịu áp lực rủi ro thất bại lớn. Làm việc chăm chỉ, kế hoạch kinh doanh tốt cùng với một chút may mắn, tất cả đều cần thiết để giúp bạn thực hiện ước mơ tự làm chủ của mình.
Cái bẫy bất động sản
Chỉ một vài năm trước đây thôi thì mua bất động sản vẫn được coi là trò kinh doanh chắc thắng đối với nhiều người, bởi trong các khu dân cư tốt thì giá nhà đất thường tăng liên tục. Biến động đi xuống trong giá bất động sản toàn cầu đã dạy cho các chủ bất động sản một bài học rằng không có gì đảm bảo định giá sẽ tăng lên. Mặt khác, thuế bất động sản và các chi phí bảo trì thì kéo dài mãi.
Đầu tư
Đầu tư có thể là một quá trình phức tạp và biến động. Có thể kiếm được khoản lợi nhuận lớn thì họ cũng có thể bị lỗ. Tự mình đầu tư không phải là con đường đúng đắn cho tất cả các nhà đầu tư, và kể cả thuê dịch vụ hỗ trợ cũng không đảm bảo kết quả tích cực.
Thế nào mới gọi là nợ xấu?
Trong khi ngay cả “nợ tốt” cũng có nhược điểm của nó thì các khoản nợ xấu chắn chắn là không tốt rồi. Các khoản thuộc thể loại này bao gồm tất cả các khoản nợ dùng để đầu tư vào tài sản mất giá. Nói cách khác, “nếu nó không tăng giá hoặc tạo ra nguồn thu, bạn không nên vay mượn để mua nó.” Một số mặt hàng đặc biệt đáng chú ý liên quan đến nợ xấu bao gồm:
1. Xe hơi
Phương tiện đi lại là mặt hàng đắt tiền. Đặc biệt, Xe hơi mới tốn rất nhiều chi phí. Khi mà bạn chỉ cần một phương tiện để đi làm và chạy việc vặt hằng ngày thì việc chịu lãi để mua một chiếc ô tô mới cứng thực sự là lãng phí tiền bạc. Khi bạn vừa lái xe ra khỏi showroom thì giá trị của nó đã giảm rồi.
Nếu có thể, bạn hãy đặt cái tôi của mình sang một bên và mua một chiếc second hand. Còn không, hãy mua chiếc xe đáng tin cậy và rẻ nhất mà bạn có thể chi trả được đồng thời bạn cũng nên tất toán nó nhanh nhất có thể. Với những người tiêu quá khả năng của họ, thì khi mua một chiếc xe mới nên kiếm nguồn vay lãi suất thấp hoặc 0 lãi suất. Khi bạn tiêu một khoản tiền lớn cho những đồ mất giá theo thời gian và cuối cùng là đồ vô giá trị thì ít nhất cũng đừng để phải trả lãi cho nó.
2. Quần áo, đồ tiêu dùng, hàng hoá và dịch vụ khác
Người ta thường nói rằng quần áo là mặt hàng không đáng một nửa giá bán của nó. Hãy thử đến thăm quan một cửa hàng quần áo second hand, bạn sẽ thấy nếu tính giá bán của nó bằng phân nửa thì vẫn còn quá là hào phóng. Ngoài quần áo, nếu bạn cà thẻ tín dụng mỗi khi trả tiền cho các chuyến nghỉ mát, thức ăn nhanh, mua hàng hóa trong siêu thị, vv.. thì từng xu tiền lãi cho các mặt hàng này đáng lẽ ra nên được chi tiêu vào những thứ khác tốt hơn.
3. Thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng là một trong những hình thức nợ xấu tệ nhất. Các mức lãi suất thường được tính cao hơn đáng kể so với lãi suất cho vay tiêu dùng và tiến độ thanh toán cũng được sắp xếp nhằm tối đa hóa chi phí của người tiêu dùng. Để lại những khoản nợ chưa thanh toán trong thẻ tín dụng là một ý tưởng tồi.
VÙNG XÁM
Giữa nợ tốt và nợ xấu là một vùng xám gây nhiều tranh cãi. Ba chủ đề nóng trong cuộc tranh luận này bao gồm:
1. Củng cố các khoản vay
Về lý thuyết, khi bạn đang mắc nợ thì việc đi vay với lãi suất thấp hơn để chi trả cho những khoản nợ có lãi suất cao là một ý tưởng tuyệt vời. Trong khi trên thực tế, sử dụng phương pháp này để gỡ gạc tiền thực chất lại khiến người ta ném tiền vào một khoản nợ mới.
2. Vay để đầu tư
Sử dụng đòn bẩy tài chính, hay vay tiền với lãi suất thấp và đầu tư với tỷ lệ lợi nhuận cao hơn (khả thi nhất là sử dụng tài khoản ký quỹ), đối với các nhà đầu tư có thể nghe chừng như là một cách hay ho để thu được kết quả tốt hơn dự kiến. Thật không may, nó cũng đem đến một cơ số các rủi ro cho những người thiếu kinh nghiệm, trong khi đó bạn lại vẫn phải trả một khoản kha khá cho các khoản mô giới cho dù được lợi hay không
3. Chương trình thưởng thẻ tín dụng
Có một số chương trình thưởng thẻ tín dụng rất lớn cho người tiêu dùng. Càng dùng nhiều thẻ tín dụng, người mua có thể được tặng vé máy bay miễn phí, tour du lịch miễn phí, thưởng tiền mặt và nhiều lợi ích khác. Chiêu trò ở đây là khoản tiền lãi tính trên khoản nợ thẻ tín dụng thậm chí còn lớn hơn giá trị giải thưởng mà bạn nhận được.
Chắc chắn có tranh cãi cho rằng không có khoản nợ nào là nợ tốt cả. Thật không may là rất ít người có đủ khả năng để chi trả cho mọi thứ họ mua. Do đó, phương châm “mọi thứ ở mức độ vừa phải” là suy nghĩ đúng đắn khi nói tới chuyện vay nợ. Hãy nhớ rằng, ngay cả nợ “tốt” cũng tiềm ẩn mặt xấu.
Nguồn: Saga.vn
Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Đầu tư giá trị từ A đến Z