fbpx

Ngành công nghiệp chất bán dẫn: ‘Làn gió’ FDI thổi luồng sinh khí mới vào Việt Nam

Theo các chuyên gia, công nghệ chất bán dẫn là câu chuyện của cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam, vì vậy nếu thu hút được đầu tư FDI vào lĩnh vực này, kinh tế Việt Nam sẽ có một “làn gió” mới tạo động lực cho tăng trưởng cuối năm nay và các năm tiếp theo.

Bất chấp những thách thức thương mại diễn ra ngày càng gay gắt, Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chất lượng. Trong đó, ngành công nghiệp chất bán dẫn đang được kỳ vọng sẽ trở thành luồng gió mới thổi vào kinh tế Việt Nam.

Trải qua 30 năm thu hút FDI, Việt Nam trở thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Trong khi phần lớn các dự án FDI ban đầu đổ vào hai lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp nhưng thu hút nhiều lao động là dệt may và da giày thì đến nay, Việt Nam đã nhanh chóng thăng hạng trong chuỗi giá trị, phát triển thành trung tâm lắp ráp điện tử quan trọng. 

Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư suy thoái, Việt Nam đang nỗ lực thu hút dòng vốn đầu tư vào sản xuất chip và chất bán dẫn, những lĩnh vực mang lại hy vọng phục hồi cho Việt Nam khi chu kỳ kinh tế thay đổi.

Ngành công nghiệp chất bán dẫn – làn gió FDI mới

nganh-cong-nghiep-chat-ban-dan-lan-gio-fdi-thoi-luong-sinh-khi-moi-vao-viet-nam-happy-live-1

Liên tiếp đón nhận nhiều tin vui trong những ngày gần đây, khi nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp bán dẫn lớn của Mỹ như Intel, Amkor, Marvell, GlobalFoundries,… ký kết các biên bản ghi nhớ đầu tư vào Việt Nam hay cách đây hai ngày dự án nhà máy chất bán dẫn đầu tiên ở miền Bắc của Công ty Hana Micron Vina đã đi vào hoạt động tại khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang.

Hana Micron Vina là doanh nghiệp sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh khác, có tổng vốn đăng ký đầu tư gần 600 triệu USD. Giai đoạn 1 của nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 11/2020.

Ông Choi Chang Ho, Chủ tịch Hana Micron Vina, cho biết đến năm 2025, công ty có kế hoạch tăng tổng mức đầu tư lên trên 1 tỷ USD, doanh thu năm dự kiến đạt 800 triệu USD và tạo ra 4.000 việc làm cho người lao động Việt Nam.

Không chỉ Bắc Giang, một “thủ phủ” công nghiệp khác là Bắc Ninh cũng chuẩn bị khánh thành nhà máy của Công ty bán dẫn Amkor, Mỹ vào tháng 10/2023 với tổng mức đầu tư rất lớn lên tới 1,6 tỷ USD.

Công ty bán dẫn Synopsys có trụ sở tại bang California cũng đang hợp tác cùng Khu Công nghệ cao TP HCM để xây dựng một trung tâm ươm mầm và thiết kế bán dẫn còn công ty bán dẫn Marvell có trụ sở tại California dự kiến sẽ công bố kế hoạch xây dựng một trung tâm thiết kế bán dẫn đẳng cấp toàn cầu tại TP HCM.

Trước đó, nhà đầu tư FDI lớn nhất của Việt Nam là Samsung cũng đã cam kết đầu tư hơn 2,6 tỷ USD vào ngành công nghiệp chất bán dẫn tại Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam thuộc tỉnh Thái Nguyên.

Những dự án trên là minh chứng rõ ràng nhất cho việc Việt Nam đã đi đúng hướng trên con đường thu hút dòng vốn FDI, chất lượng cao. Các địa phương như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên hay TP HCM, không chỉ là đầu tàu về lắp ráp linh kiện điện tử mà còn trở thành những trung tâm đi đầu trong một ngành sản xuất có hàm lượng công nghệ cũng như giá trị gia tăng cao.

Cần cẩn trọng với các đối thủ

nganh-cong-nghiep-chat-ban-dan-lan-gio-fdi-thoi-luong-sinh-khi-moi-vao-viet-nam-happy-live-2

Theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE), hiện các nước đã hứa đầu tư vào Việt Nam khoảng 5 tỷ USD cho công nghệ bán dẫn. Trong đó có Samsung làm chip lưới, Intel đầu tư chip nguồn tại TP.HCM và nhiều nhà đầu tư mới đến từ Hàn Quốc, Mỹ,..

Chủ tịch VAFIE cũng cho rằng, quy mô của thị trường chip toàn cầu năm 2022 khoảng hơn 600 tỷ USD, dự báo đến năm 2029 sẽ lên 1.400 tỷ USD, cơ hội dành cho Việt Nam trong chiếc bánh khổng lồ này rất lớn.

“Công nghệ bán dẫn là ‘câu chuyện của cả thế giới’, các nước phát triển đều đang ưu đãi để mở rộng nghiên cứu và sản xuất cho ngành này. Việt Nam không có nhiều tiền để đầu tư, nên phải dựa vào thu hút nguồn vốn FDI để phát triển”, GS. Nguyễn Mại cho hay.

Không phải ngẫu nhiên mà năm nay có rất nhiều chuyến thăm của các quốc gia lớn đến Việt Nam như: Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, mỗi chuyến thăm đó kéo theo hàng loạt dự án lớn được bàn bạc, triển khai. “Nhất là việc nâng cấp quan hệ Việt Nam – Mỹ lên dấu mốc mới, rõ ràng mối quan hệ về kinh tế, chính trị, văn hóa giữa hai quốc gia đang rất tốt”, ông nói.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần cẩn trọng với các đối thủ trong khu vực và trên thế giới. Cho dù làn sóng dịch chuyển khỏi Trung Quốc đang diễn ra mạnh mẽ, quốc gia này vẫn là một cường quốc trong ngành sản xuất. Ngoài ra, Ấn Độ hay Malaysia cũng là những lựa chọn sáng giá khi các doanh nghiệp rút vốn khỏi Trung Quốc. 

nganh-cong-nghiep-chat-ban-dan-lan-gio-fdi-thoi-luong-sinh-khi-moi-vao-viet-nam-happy-live-3

Theo các chuyên gia từ Ngân hàng HSBC, Malaysia đã coi bán dẫn là trung tâm của ngành sản xuất của nước này. Dù công nghệ chưa hiện đại như Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore, song Malaysia đã giành được thị phần đáng kể ở một số chất bán dẫn trong những năm qua nhờ dòng vốn công nghệ ổn định, chủ yếu từ Mỹ và Châu Âu.

Việc tiếp tục thu hút FDI chất lượng cao cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Malaysia vì nước này coi đây là chìa khóa để vực dậy lĩnh vực sản xuất của Malaysia, như đã nêu trong kế hoạch kinh tế 10 năm đầy tham vọng.

Ấn Độ cũng đã ký kết với Mỹ để lập chuỗi cung ứng chip bán dẫn, với chính sách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Thị trường chất bán dẫn Ấn Độ được dự báo sẽ chứng kiến ​​sự tăng trưởng vượt bậc, với giá trị thị trường dự kiến ​​sẽ vượt 64 tỷ USD vào năm 2026.

Trên thực tế, Việt Nam đang là một trong những lựa chọn của các nhà đầu tư chip hàng đầu thế giới nhưng theo GS. Nguyễn Mại, điều quan trọng hơn lúc này là phải thay đổi cách tiếp cận ưu đãi.

Việt Nam và nhiều nước đang phát triển lâu nay cứ chọn ưu đãi về thuế để thu hút vốn nhưng với những quy định thuế tối thiểu toàn cầu thì việc thu hút FDI trong thời gian tới sẽ phải tập trung ưu đãi về chi phí, tiêu hao trong đầu tư cho doanh nghiệp bằng tài chính, một số quốc gia trên thế giới cũng đang phải áp dụng trợ cấp cho doanh nghiệp làm nghiên cứu như Anh, họ ưu đãi 15% trên tổng vốn đầu tư,..

“Những thay đổi chính sách ưu đãi thu hút đầu tư sớm sẽ khiến Việt Nam có nhiều cơ hội xác lập được nền công nghiệp bán dẫn, tạo cú hích rất lớn cho nền kinh tế, làm tăng giá trị gia tăng và quan trọng là tạo ra sự lan tỏa, không chỉ trong thu hút vốn ngoại mà nguồn vốn nội địa tham gia vào chuỗi giá trị này”, GS Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Bên cạnh ưu đãi về tài chính, theo ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Bắc Ninh, để các dự án chọn Việt Nam làm “căn cứ điểm” cần một yếu tố quan trọng là nguồn nhân lực.

“Bắc Ninh dự kiến sẽ thu hút những trường đào tạo mang tầm cỡ quốc tế để làm địa chỉ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ cao của các nhà đầu tư”, ông Tuấn nói đồng thời cho biết thêm, Bắc Ninh dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị đặc biệt về xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn.

Sự kiện này dự kiến sẽ thu hút các nhà đầu tư hàng đầu thế giới hội tụ về Bắc Ninh. Cùng với đó, Bắc Ninh cũng sẽ khánh thành nhà máy chất bán dẫn lớn nhất Đông Nam Á, Phó Chủ tịch Bắc Ninh thông tin. 

Vì vậy, theo các chuyên gia, cho dù là điểm sáng về thu hút đầu tư nhưng nếu không sớm có chính sách phù hợp với thông lệ và đủ sức cạnh tranh quốc tế liên quan đến việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ khó thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, các dự án quy mô lớn.

Tiến Phát

vietnambiz

Có thể bạn quan tâm

Bộ sách Kết hợp Phân tích cơ bản (FA) và Phân tích kỹ thuật (TA) để tìm kiếm Siêu cổ phiếu

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề