Hồi ký của Phó Tổng thống Mỹ – Người cha tốt không phải là người cho con nhiều của cải nhất
Lần đầu tiên thấy cha mình khóc là khi tôi 16 tuổi và cha 45 tuổi. Đó là điều mà không bao giờ tôi quên được, không chỉ vì nó làm tôi xúc động sâu sắc mà còn bởi vì những gì cha tôi làm sau đó chính là điều mà chúng tôi đã học được mỗi khi đối mặt với khó khăn cuộc sống…
Đó là những dòng tâm sự đầu tiên về người cha đáng kính của Hubert Humphrey Horatio (1911-1978), một chính trị gia, từng là Phó Tổng thống thứ 38 của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Lyndon B.Johnson. Những dòng tâm sự ấy được trích dẫn trong cuối hồi ký về người cha của ông. Hãy cùng chúng tôi lắng nghe những ký ức buồn nhưng thật đẹp của một người con viết về cha của mình với tất cả sự tôn trọng và tình yêu.
Khi cha tôi bật khóc
Tôi đang trên đường trở về nhà từ trường trung học Doland, South Dakota. Đối với tôi, South Dakota là một thị trấn mà tôi yêu trọn bằng cả trái tim và tâm hồn, và ngôi nhà mà chúng tôi ở là món quà may mắn nhất mà tuổi thơ tôi từng có. Một nơi lưu giữ tất cả những niềm vui và tình yêu ấm áp mà tháng năm sau này không thể tìm lại.
Đó không phải là một tòa nhà nguy nga mà sau này có thể trở thành phòng trưng bày ở một thành phố lớn. Đó là nơi rộng rãi với những mái che màu trắng và một hàng hiên, những tán cây đung đưa theo gió, trước bãi cỏ và một vườn cây mận, táo ở phía sau. Mẹ tôi yêu ngôi nhà đó, nó có sàn gỗ, một tầng hầm lớn và hai phòng tắm. Cha tôi cũng yêu ngôi nhà đó. Và đối với lũ trẻ chúng tôi (Anh trai tôi Ralph, hai chị em của tôi, Frances, Fern và tôi) đó là một ngôi nhà đẹp tuyệt vời với những hàng cây và bầu trời ngập nắng.
Khi tôi trở về nhà vào một ngày của năm 1927, mẹ tôi đang đứng dưới cây dương lớn trước thảm cỏ và bà đang khóc. Bà đứng cạnh cha tôi cùng một người lạ mặt. Cả hai ngươi đàn ông đều trông có vẻ rất nghiêm nghị và hẳn đã có chuyện gì đó vừa diễn ra. Mẹ tôi nói rằng, “Cha tôi đã bán ngôi nhà này”. Nhiều hóa đơn đến hạn phải trả trong khi chúng tôi không có tiền thanh toán. Sau khi trò chuyện với người đàn ông lạ mặt kia, cha tôi đã ký vào giấy bán nhà. người đàn ông đó ra về và đến lượt cha tôi cũng bật khóc.
Chứng kiến cha tôi khóc thực sự khiến tôi cảm thấy bị sốc. Ông có đôi vai rộng, cao chừng 1,82m, đôi tay dài và trán cao, đặc điểm mà người con nào của ông cũng được thừa hưởng. Cặp kính mắt không vành mang đến cho ông vẻ ngoài thật chuyên nghiệp nhưng ông cũng là người rất vui tính, mạnh mẽ và điều đáng chú ý nhất của ông chính là niềm say mê với công việc tưởng chừng như không có giới hạn. Ông không bao giờ tỏ ra bị động trước bất kể điều gì.
Sự kiện này có thể là trải nghiệm sâu sắc nhất trong những năm đầu đời của tôi. Đó là thời điểm tôi không còn là một đứa trẻ mà đã bắt đầu có những nhận thức như người lớn về nỗi đau và bi kịch của cuộc đời. Ký ức này trở nên sâu sắc hơn bởi vì vào cùng thời điểm đó, những gia đình khác trong thị trấn cũng bắt đầu phải đối mặt với nỗi đau mất nhà cửa giống như gia đình tôi. Một người hàng xóm gần đó thậm chí còn tự tử khi gặp rắc rối này.
Tuy vậy, trải qua nhiều năm, ký ức này không chỉ gợi cho tôi nghĩ đến hình ảnh một người đàn ông ôm mặt khóc mà còn là những mất mát lớn lao mà ông phải chịu đựng. Ông vẫn tiếp tục làm công việc mà ông từng làm trước đó, lao vào dòng đời mà không cần phải tự bảo vệ bản thân trước những ngờ vực, dè dặt hay sự thận trọng. Mọi người đều thích tận hưởng ánh mặt trời ấm áp. Nhưng nhiều người trong số đó không sẵn sàng đón nhận những cơn bão tấp bất ngờ có thể ập đến bất cứ lúc nào. Và khi họ bị sốc nặng hoặc tổn thương, họ thường lẩn tránh và giấu diếm. Cha tôi không phải người như vậy. Ngay cả khi ông trút hơi thở cuối cùng vào năm 1949, ông vẫn chưa bao giờ hết yêu cuộc đời này.
Những điều tôi học được từ ông
Cha tôi dành cả cuộc đời để yêu thương. Ông không bao giờ giữ kín cảm xúc trong lòng hoặc tỏ ra ngần ngại trước những điều ông cho là có giá trị. Ông luôn dành cả trái tim chân thành và hồn hậu để cảm nhận mọi sự việc trong cuộc sống. Tuy vậy, ông không phải đơn giản là người chỉ đi tìm kiếm niềm vui. Ông yêu quý mọi khoảnh khắc, nhưng đối với ông khoảng thời gian quý giá nhất chính là lúc nó chạm tới tâm hồn và có một mục đích tốt đẹp. Tôi nghĩ rằng ông ấy sinh ra để làm giáo viên hoặc một nhà truyền giáo có khiếu hài hước hơn là một ông chủ tiệm thuốc…
Cha tôi là một doanh nhân có tính tỉ mỉ. Ông luôn nhắc nhở chúng tôi về tầm quan trọng của việc giữ gìn cẩn thận các cuốn sách và hàng tồn kho. Ông cũng là một trong những nhà quảng cáo tài ba nhất mà tôi từng gặp. Ở hiệu thuốc, mọi người có thể bàn luận mọi chủ đề từ những chuyện xảy ra ở thị trấn đến các tin tức thời sự, chính trị, tôn giáo. Họ thường nói với cha tôi rằng, “ông chưa bao giờ bán một viên thuốc mà không kèm theo đó là bán một ý tưởng”.
Mẹ vốn không thoải mái khi tôi chơi với một số người bạn mà bà nghĩ họ quá khác thường. Ấy vậy mà cha tôi lại khuyến khích chúng tôi quen biết và cố gắng hiểu tất cả mọi hạng người. Shantytown ở Dolan là nơi những trẻ em nghèo sinh sống, và tôi có vài người bạn ở đó. Một ngày nọ, tôi dẫn một trong những người bạn của mình đến hiệu thuốc và nói với cha mình rằng, “Cha ơi, Jonathan này không có giày và chân cậu ấy bị lạnh cóng”. Cha nhìn cậu bạn rồi lập tức đóng cửa hiệu thuốc để đưa cậu đi mua tất và một đôi ủng mới.
Khi kinh tế nước Mỹ lao dốc, công việc kinh doanh ở hiệu thuốc trong gia đình tôi cũng sa sút theo. Nhưng dù cuộc sống có khó khăn như thế nào đi chăng nữa, cha tôi không bao giờ từ chối một người xin thuốc cho gia đình hay gia súc bị ốm ở nông trại. Có lúc, cha tôi đã xóa nợ gần 13.000 USD cho các khách hàng của ông. Cha tôi nói rằng: “Họ không có tiền, và nếu họ nợ chúng ta và không thể trả lại được, họ sẽ không tới hiệu thuốc của chúng ta nữa”. Và đương nhiên nếu không uống thuốc thì họ đâu thể khỏi được bệnh.
Cha tôi là một người có lòng tin tuyệt đối vào đất nước, nền dân chủ và công chính trong xã hội, một người không xấu hổ khi bộc lộ cảm xúc một cách sâu lắng và cởi mở người thích những ý tưởng giúp đỡ người dân. Suốt cuộc đời mình, ông luôn làm việc chăm chỉ không nghỉ để nuôi sống gia đình mà đó còn là niềm yêu thích của ông nữa.
Một tuổi thơ đã qua….
Ở thị trấn chung tôi, cha mẹ và con cái đều hiểu nhau. Trẻ em có thể thấu hiểu các bài học cuộc sống thông qua việc quan sát và giúp đỡ cha mẹ. Hiện nay tại những thành phố lớn, chúng ta cần đến một nỗ lực lớn để các thành viên trong gia đình sum họp đông đủ. Các ông bố, cha mẹ luôn bận rộn tại công sở. Trong khi đó, người ở bên cạnh con cái họ thường là những người xa lạ.
Tôi ngồi bên cha, nhìn cha, nghe cha nói và tranh luận cùng cha. Đó là điều may mắn nhất ông mang đến cho tôi. Kể từ khi ông ra đi, tôi đã cố gắng sống một cuộc sống mà ai cũng mong đợi. Đối với tôi, gia tài vô giá mà tôi có được chính là những ngày tháng thơ ấu được ở bên người đàn ông nhạy cảm và tài giỏi, đó chính là cha tôi.
Suy ngẫm:
Những tâm sự trong hồi ký của Hubert H.Horatio khắc họa hoàn hảo hình tượng một người chủ gia đình mẫu mực truyền thống kiểu Mỹ. Một người đàn ông mạnh mẽ có nhân cách cao thượng, tin tưởng vào cuộc sống và coi trọng gia đình. Hebert may mắn có một tấm gương như thế để noi theo trong suốt thời thơ bé. Ông cũng may mắn khi sinh ra trong một môi trường mà mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái không bị can thiệp quá nhiều bởi công nghệ và tư tưởng hiện đại.
Tất cả điều đó làm nên một câu chuyện đẹp, man mác buồn nhưng thật đáng ngưỡng mộ. Dù ở bất cứ nơi đâu, tình yêu thương gia đình luôn là điểm tựa vững chắc cho những đứa trẻ để chúng có thể vững tin bước đi trên con đường tương lai. Một người đàn ông kể về một người đàn ông khác, đó không chỉ là một bài viết đọc cho vui, đó còn là cơ hội để ta nhìn nhận lại cách sống của chính mình. Liệu ta có đủ tự tin để chỉ bảo lũ trẻ nên làm người như thế nào, nếu ta quên mất phải tự rèn rũa chính mình trong từng hành động và từng lời nói.
Nguồn: Đại kỷ nguyên