Người nghèo học THUẬT, người giàu học PHÁP: 4 tư duy sắc bén của những người công thành danh toại
Chỉ có trẻ con mới thảo luận đúng sai, trong thế giới người lớn, không có đúng sai, chỉ có lợi và hại.
Có một câu nói như thế này:
Bạn tin gì, bạn mới thấy cái đó.
Bạn thấy cái gì, bạn mới ôm được cái đó.
Bạn ôm được cái gì, bạn mới trở thành cái đó.
Nên hiểu nó như thế nào?
Cá nhân tôi cho rằng nhiều khi, không phải là bạn không đủ nỗ lực, cũng không phải bạn không có năng lực, mà chỉ là bạn đang làm việc không đúng cách, bạn dùng sai tư duy.
Dưới đây là 4 loại mô hình tư duy có thể khiến bạn ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, làm việc thuận lợi hơn.
1. Tư duy “rỗng”
Một lần, nhiều nhà đầu tư thiên thần và giới tinh hoa doanh nhân đã tụ tập để thảo luận về các ý tưởng kinh doanh. Một số người đề xuất tạo ra xe đạp công cộng để mọi người có thể mượn và trả lại thoải mái, thuận tiện cho việc đi lại.
Tuy nhiên, sau khi nghe xong, nhiều người không đồng tình, phản bác rằng chi phí cho việc này là quá cao, hơn nữa xe để bên ngoài nắng mưa gió dễ làm tăng tốc độ hỏng hóc, chi phí bảo dưỡng sẽ tăng lên và trải nghiệm người dùng cũng sẽ trở nên rất kém. Dựa trên những kinh nghiệm của mình, mọi người đều cảm thấy ý tưởng này không khả thi nên đã từ bỏ.
Nhưng có một người phụ nữ lại nghĩ khác, khi đứng trước những điều mới mẻ, cô ấy sẵn sàng từ bỏ những định kiến và vứt bỏ kinh nghiệm của mình. Người phụ nữ này đã thành lập một công ty xe đạp chia sẻ ngay sau đó, sử dụng khung hợp kim scandium có độ bền cao để làm cho chiếc xe đạp đủ cứng cáp và đủ bền để sử dụng, đồng thời sử dụng lốp đặc để chiếc xe đạp ít bị nổ lốp trên khắp các con đường và ngõ hẻm của các thành phố khác nhau, sau cùng, công ty của cô đã được một tập đoàn mua lại với giá 2,7 tỷ nhân dân tệ.
Người phụ nữ ấy chính là Hồ Vĩ Vĩ, người đồng sáng lập công ty chia sẻ xe đạp Mobike, Trung Quốc.
Từ một phóng viên ít tên tuổi trở thành một nhân vật huyền thoại trong giới kinh doanh, Hồ Vĩ Vĩ không chỉ dũng cảm mà còn dám gạt bỏ thành kiến, dám phủ nhận bản thân, thoát khỏi gánh nặng của chủ nghĩa kinh nghiệm và dùng tư duy “rỗng”, bắt đầu từ con số 0 đi làm việc.
Cũng giống như Fu Sheng, chủ tịch của Cheetah Group, đã nói: “Chỉ bằng cách phủ nhận bản thân và duy trì tâm lý “trống rỗng”, một người mới có thể thực sự phát triển và đạt được những bước nhảy vọt”.
Cảm ngộ: Kinh nghiệm đôi khi là thứ không đáng tin cậy nhất, nếu bạn quá tin vào kinh nghiệm, bạn sẽ không thể tìm thấy sự đột phá. Trước những điều mới mẻ và những mối quan hệ mới giữa các cá nhân, chỉ bằng cách học cách thả tự do cho bản thân, bạn mới có thể tìm ra lối thoát mới và tránh bị hạn chế bởi suy nghĩ vốn có.
2. Tư duy trừ
Có một nhà tư vấn rất tài năng tên là Sam ở Thung lũng Silicon. Anh ấy có khả năng chuyên môn siêu việt, và vì khả năng xuất chúng của mình nên anh ấy có thể đảm đương rất nhiều việc. Nhưng cũng chính vì chuyện này mà anh suốt ngày vướng vào đủ thứ chuyện vụn vặt, phải giải quyết đủ thứ chuyện lớn nhỏ.
Ngày nào anh cũng thấy mệt mỏi, cơ thể như bị rỗng, dù làm rất nhiều việc nhưng cũng không cảm thấy mình hoàn thành được công việc gì, thậm chí còn bị vợ phàn nàn suốt ngày vì quá bận rộn.
Sau đó, một người bạn tốt cho anh một gợi ý: bỏ đi những nhiệm vụ công việc khác, chỉ làm công việc của chuyên gia tư vấn, và không làm gì khác. Sam đã nghe theo lời khuyên của người bạn ấy, và sau vài tháng thực hiện, Sam thấy kết quả thật tuyệt vời.
Anh nhận thấy rằng ban ngày mình có nhiều thời gian giải quyết công việc hơn, chiều tối cũng có thể dành nhiều thời gian cho gia đình hơn, thành tích công việc cũng ngày một tốt hơn, nhận được nhiều sự tôn trọng hơn trước đây, quan hệ với người nhà cũng dần trở nên ấm áp, hài hòa hơn.
Cảm ngộ: Chính vì muốn quá nhiều thứ nên đôi khi chúng ta không thể biết được mình thực sự muốn gì. Những người thực sự thông minh đều có một tư duy trừ.
3. Tư duy cùng có lợi
Khi còn trẻ Lin Zhengjia, một nhà đến từ Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc), là một người khá có đầu óc kinh doanh, tính cách cũng chững chạc hơn hẳn các bạn cùng lứa tuổi, là người có năng lực và kinh nghiệm trong công việc.
Tuy nhiên, sau nhiều năm chật vật, công việc kinh doanh vẫn không có gì khởi sắc.
Một ngày nọ, anh đang lang thang trên phố thì bất ngờ bị “thức tỉnh” bởi một bài viết trên báo. Sau đó, anh chỉ dùng 10.000 nhân dân tệ làm vốn khởi nghiệp, quay lại thương trường.
Lần này, công việc làm ăn của anh như nhận được phép màu, từ cửa hàng nguyên liệu đến nhà máy xi măng, từ chủ thầu đến xây dựng đều thuận buồm xuôi gió, đối tác đổ về như nước. Chỉ trong vài năm, tài sản của anh đã tăng vọt lên 100 triệu nhân dân tệ, tạo nên một huyền thoại kinh doanh.
Nhiều phóng viên đã hỏi anh bí mật về sự trở lại của mình, và anh chỉ tiết lộ bốn từ: chỉ lấy sáu phần.
Vài năm sau, tài sản của anh tăng như lăn quả cầu tuyết, lên tới 10 tỷ nhân dân tệ.
Có lần, khi anh đến thuyết giảng ở một trường đại học, sinh viên liên tục đặt câu hỏi, hỏi anh bí quyết biến 10.000 nhân dân tệ thành 10 tỷ nhân dân tệ là gì.
Anh ấy đáp lại với một nụ cười, bởi vì tôi luôn kiên trì lấy ít đi hai phần.
Sau đó, anh giải thích rằng thứ mà anh nhìn thấy trên báo là một bài báo phỏng vấn con trai của tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành, Lý Trạch Khải.
Lý Trạch Khải cho biết: “Bố tôi chưa bao giờ nói với tôi cách kiếm tiền mà chỉ dạy tôi một số nguyên tắc làm người và làm việc. Bố nói với tôi rằng hãy hợp tác với người khác, nếu lấy 7 phần là hợp lý, lấy 8 phần thực ra cũng được, vậy thì họ Lý chúng ta chỉ lấy 6 phần thôi là đủ rồi.”
Lý Gia Thành có một nguyên tắc trong kinh doanh: “Có tiền mọi người cùng kiếm, lợi nhuận thì mọi người cùng chia sẻ. Có như vậy thì mọi người mới sẵn sàng hợp tác. Nếu lấy 10% là đúng, lấy 11% cũng ổn, vậy thì ta chỉ lấy 9% cổ phần thôi, có như vậy thì tiền tài mới không ngừng chảy vào túi.”
Cảm ngộ: Cảnh giới cao nhất của con người là sự tử tế, nếu một người quá sắc sảo và luôn cố gắng hết sức để kiếm nhiều tiền hơn từ người kia, kết quả thường là người đó kiếm được nhiều tiền hơn ở hiện tại, nhưng lại đánh mất tương lai. Chỉ khi đôi bên cùng có lợi, đó mới là phương thức giao tiếp khả thi duy nhất trong mối quan hệ hợp tác lâu dài với nhau.
4. Tư duy độ xám
Sau khi Chu Nguyên Chương lật đổ nhà Nguyên, ông ngay lập tức quyết định giết những công thần đã lập được công để tránh những rắc rối sau này. Từ Đạt lại là công thần đầu tiên của nhà Minh, tuy không phạm phải sai lầm gì nhưng vẫn bị Chu Nguyên Chương coi như cái gai trong mắt.
Làm thế nào để loại bỏ Từ Đạt, Chu Nguyên Chương đã suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng đã nghĩ ra một cách, đó là chơi cờ với Từ Đạt. Thì ra, sau khi lên làm hoàng đế, Chu Nguyên Chương rất thích chơi cờ vây, để tỏ lòng kính trọng với hoàng đế, nhiều bộ hạ thường cố tình thua Chu Nguyên Chương, chính vì điều này mà Chu Nguyên Chương thường rất tức giận.
Một ngày nọ, Chu Nguyên Chương cho gọi Từ Đạt vào cung để đánh cờ với mình. Chiêu này thông minh ở chỗ, nếu thắng thì là phạm thượng, nếu thua thì lừa vua, đây rõ ràng là nhân cơ hội giết người, dù thắng hay thua thì cũng chỉ có một kết cục cho Từ Đạt, đó là bị xử tử.
Từ Đạt bị đặt vào tình thế “không trắng thì đen”, Từ Đạt biết mình vốn không phải đối thủ của Chu Nguyên Chương, nhưng một khi đã thua, Chu Nguyên Chương nhất định sẽ rất tức giận, đến lúc đó e là khó giữ được cái đầu. Phải làm thế nào?
Quả nhiên, đánh đến cuối cùng, Từ Đạt vẫn là thua, Chu Nguyên Chương nổi giận, đồng thời cũng cảm thấy đã tìm thấy cơ hội để ra tay.
Lúc này, Từ Đạt nói: “Hoàng thượng, ngài xem, thần thua rồi, nhưng ngài hãy nhìn xem trên bàn cờ là cái gì?”
Chu Nguyên Chương nhìn xuống bàn cờ, nhìn thấy hai chữ “vạn tuế” được xếp gọn gàng ngay ngắn trên bàn cờ, vì vậy nguôi giận, đồng thời còn trọng thưởng cho Từ Đạt, Từ Đạt cũng nhờ vậy mà thoát khỏi một kiếp nạn.
Cảm ngộ: Thế giới đầy phức tạp, hầu hết mọi người và mọi vật không phải chỉ có hai màu đen và trắng, mà còn có những “màu xám” khác nhau. Từ Đạt là một người có tư duy màu xám, ông đã biết rõ ràng cái kết, nhưng vẫn sống sót trong một tình huống tuyệt vọng và tạo ra một bàn cờ màu xám.
Thế giới của trẻ thơ được chia thành đúng sai, còn thế giới của người lớn thường không có trắng đen, nắm được cái “độ” quan trọng hơn là đấu tranh đúng sai, vì lập trường khác nhau, quan điểm cũng sẽ khác nhau.
(Sohu)
Theo Trí Thức Trẻ