fbpx

NGUYỄN SƠN HÀ – ÔNG CHỦ NGHỀ SƠN VIỆT

Từ một người học việc, bằng ý chí và lòng quyết tâm muốn gây dựng một sản phẩm chất lượng của người Việt, Nguyễn Sơn Hà đã trở thành ông tổ của nghề sơn Việt Nam với hãng sơn Gecko danh tiếng. Không chỉ là một doanh nhân giỏi, Nguyễn Sơn Hà còn là một người dân có lòng yêu nước sâu sắc với rất nhiều đóng góp và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng cũng như xã hội của dân tộc Việt Nam…

Tuổi thơ cơ cực và ước mơ tự lập

Ông họ Nguyễn, quê gốc Sơn Tây (làng Phượng Cách, phủ Quốc Oai), sinh ra tại Hà Nội, nên được đặt tên là Sơn Hà. Thuở nhỏ, ông được đi học vài năm chữ nho và quốc ngữ. Đến năm 15 tuổi đã mồ côi cha, nên phải gánh vác gia đình, Sơn Hà cùng mẹ nuôi 5 em nhỏ. Nhờ biết chữ, ông xin được vào làm phụ bàn giấy cho một hãng buôn của Pháp. Sau đó do lương thấp, ông đã bỏ sang làm cho hãng sơn dầu Sauvage Cottu ở Hải Phòng. Đây cũng là thời điểm đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của ông.

Khi vào làm ở hãng sơn Pháp này, Nguyễn Sơn Hà vẫn không ngừng nung nấu ý chí tạo dựng một hãng sơn dầu của người Việt Nam. Ông biết, muốn làm được như vậy, trước hết phải học, phải hiểu kỹ thuật làm sơn của người phương Tây. Nhưng cái khó lúc đó là tất cả các tài liệu kỹ thuật này đều viết bằng tiếng Pháp. Để đọc được tủ sách của chủ, ban ngày ông làm việc chăm chỉ, buổi tối tìm thầy học thêm tiếng Pháp.

– Hiệu sơn Resistanco ra đời

Khi tự thấy đã nắm được những bí quyết cơ bản của nghề sản xuất, và kinh doanh sơn dầu, Nguyễn Sơn Hà xin thôi việc, và quyết tự lập, bỏ qua lời mời cộng tác của người chủ mới cùng một mức lương hấp dẫn. Ông bán cái xe đạp để có được món tiền làm vốn ban đầu, và mở một cửa hàng nhỏ chuyên nhận việc quét sơn, kẻ biển, quét vôi ve nhà cửa.

Nguyễn Sơn Hà cùng các em của mình bước đầu trở thành chủ nhân của một công ty nho nhỏ, bề ngoài là đi thầu các việc sơn vôi, kẻ biển, nhưng trong nội bộ là lẳng lặng chế tạo thử sơn dầu. Nhiều lần anh em của Nguyễn Sơn Hà đã tiến hành sản xuất thử nhưng đều thất bại. Không nản chí, ông đào sâu suy nghĩ, nghiên cứu cách dùng nhiên liệu có sẵn trong nước, như nhựa thông, dầu cây trẩu, dầu cây thầu dầu…

Qua một thời gian kiên trì, cuối cùng, mẻ sơn đầu tiên thành công, đóng hộp bán ra thị trường với thương hiệu “Resistanco”, tiếng Pháp có nghĩa là “bền chặt”. Hình ảnh về thương gia Nguyễn Sơn Hà bắt đầu từ đó.

Bà Ngọc Mùi, vợ ông đã từng kể lại rằng khi có một khách hàng người Pháp đầu tiên cầm hộp sơn đã khinh bỉ thốt lên “đồ hàng An Nam bẩn thỉu” thì Nguyễn Sơn Hà đã rất tức giận. Sự tức giận đó biến thành một động cơ thúc đẩy ông phải làm được loại sơn tốt nhất.

Ông miệt mài nghiên cứu từ ngày này qua ngày khác và cuối cùng, mẫu sơn hoàn hảo ra đời. Với mẫu sơn ấy, ông đem gửi hãng Descous et Cabaud. Các cai thầu, thợ sửa chữa đến hãng này mua sơn và đem đi tiêu thụ trực tiếp đến các gia đình.

Chất lượng sơn của ông đã chinh phục cả người tiêu dùng Pháp và Việt. Hơn nữa, giá thành sơn Resistanco rẻ hơn rất nhiều so với các loại sơn khác. Hãng Descous et Cabaud thấy sơn Résistanco đã có chỗ đứng trên thị trường nên nhận làm đại lý. Từ đó, sơn Résistanco bắt đầu được tiêu thụ khắp nơi trong nước.

Không ngừng cải tiến sản phẩm

Thấy Nguyễn Sơn Hà làm ăn phát đạt, bọn thực dân và tư bản Pháp, tư bản Hoa kiều hùa với nhau mở chiến dịch đánh ngục ông. Lúc đầu chúng vu cáo ông là buôn lậu. Một lần có mẻ dầu không may bị bốc cháy, lấy cớ đó chúng ra lệnh cấm ông sản xuất, bắt ông dọn ra ngoại ô. Khi nhà máy mới được xây dựng xong, công việc làm ăn vừa vào nề nếp, viên Đốc lý Hải Phòng lại ra lệnh “đóng cửa ngay nhà máy, vì ô nhiễm môi trường” (địa điểm xây dựng nhà máy chính do viên Đốc lý này giới thiệu)… Nhờ có niềm tin sắt đá rằng ông đang kinh doanh trên Tổ quốc mình, giàu tài nguyên, giàu vật liệu cho nghề sản xuất sơn, xung quanh đều là đồng bào mình, những người siêng năng, chịu thương chịu khó và khéo tay đã khiến Nguyễn Sơn Hà dấn thân. Ông lần lượt vượt qua mọi sự kiềm toả, o bế của chính quyền thực dân và các đối thủ cạnh tranh “chơi xấu” để tồn tại và phát triển.

Năm 1920, Nguyễn Sơn Hà khi đó là người thanh niên 26 tuổi quyết định xây dựng một cơ xưởng ở Lạch Tray, Hải Phòng với diện tích 7000 m2. Ông mở rộng sản xuất, sắm máy xay và các phương tiện hiện đại. Để chủ động nguồn nguyên liệu, ông mua đất ở Quảng Yên, Hải Ninh trồng các lọai cây như trẩy, thông. Ông đăng tuyển những thợ giỏi nhất và mày mò nghiên cứu dùng các loại bột đá màu của Thanh Hóa.

quote HL cam hung

Những cố gắng của ông đã kết thành hàng loạt sơn tốt như sơn Resistanco A, B, dùng cho sơn xe đạp. Đặc biệt sơn Durolac dùng để sơn ôtô đã từng đoạt giải trong một cuộc triển lãm tại Pháp. Bột đá xanh của mỏ đá Thanh Hóa đã được nghiên cứu thành một loại sơn tường rất bền và được khách hàng thời đó ưa chuộng.

Ngay cả bã sơn ông cũng nghiên cứu để chế thành Colophan thay thế cho nhựa đường trong thời kỳ khan hiếm. Sản phẩm sơn của ông Nguyễn Sơn Hà không chỉ được khách hàng trong nước tín nhiệm mà còn chinh phục được khách hàng ở nhiều nước trong khu vực. Từ Hà Nội, Huế, Hội An, Sài Gòn, sơn Resistanco vượt biên giới sang Phnom Penh, Viên Chăn, Xiêm… sơn Resistanco được ưa chuộng đến mức làm không đủ bán.

Sau khi có đươc tiếng tăm nhất định, ông Nguyễn Sơn Hà không hề chủ quan vào thành quả của mình mà luôn luôn nghĩ đến chất lượng sản phẩm và chữ tín đối với khách hàng. Một lần, Công sứ Quảng Yên phàn nàn phần sơn cửa 7 ngày vẫn chưa khô. Hay tin, ông trực tiếp sang nghiên cứu, nhờ có kỹ thuật và hiểu biết rộng, ông đã tìm ra nguyên nhân là do cửa làm bằng gỗ dầu, một loại gỗ có hàm lượng dầu cao, vì thế sơn lâu khô. Thế là uy tín của hãng vẫn giữ vững, tiếng lành lại bay xa.

Lần khác, khách hàng Sài Gòn kêu “sơn Resistanco B lâu khô quá”, Nguyễn Sơn Hà vội điện khẩn vào: “hoãn việc cung cấp loại sơn Resistanco B ra thị trường”, rồi lập tức bay vào điều tra sự việc. Ông đã phát hiện nguyên nhân là do người thợ nấu phải mẻ sơn non, chưa đến độ đạt yêu cầu, nhưng sợ ảnh hưởng đến thời hạn giao hàng nên cứ cho đem pha chế thành sản phẩm để gửi đi, vì thấy đơn đặt hàng dồn dập gửi về. Lập tức mấy toa xe lửa sơn đang trên đường vào Sài Gòn được lệnh quay trở lại nhà máy ở Hải Phòng. Ai mua phải đợt sơn đó đều được hoàn lại tiền, kèm theo lời xin lỗi chân thành….

Tâm và tầm

Là người có đầu óc nhạy bén năng động trong kinh doanh, ông đã cho quảng cáo rộng rãi khắp nơi, biếu hàng mẫu cho các cai thầu, gửi sơn cho các hãng buôn lớn bán với lãi suất cao mà lại không phải trả tiền hàng ngay…

Hãng sơn của ông lấy tên là Gecko với lô gô là hình con tắc kè xanh đang cong đuôi bám bốn chân vào thân cây cổ thụ. Nhờ có lượng nhân công rẻ lại khai thác được nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước nên sơn của Sơn Hà có giá thành thấp hơn sơn ngoại và chất lượng đảm bảo nên dần dần đã chiếm được sự tín nhiệm của khách hàng.

Làm kinh doanh, ông giàu có lên, nhưng không có những biểu hiện kiểu “làm giàu bằng mọi giá” thường gặp ở những doanh nhân vong bản. Ông làm giàu chính bằng lòng yêu nước, tài làm chủ kỹ nghệ, tính quảng giao và đạo đức kinh doanh của mình. Bên cạnh cái chí muốn vươn lên làm giàu cho gia đình, dòng tộc, Nguyễn Sơn Hà còn nhờ cái chí muốn lập đạo làm giàu có ích cho đất nước. Điều đó giải thích vì sao hăng say làm giàu, những Nguyễn Sơn Hà cũng không quên tham gia các hoạt động xã hội để gắn mình với quảng đại quần chúng đồng bào còn nghèo khổ của mình như: đứng đầu Hội Truyền bá quốc ngữ Hải Phòng; lập trường Dục Anh dạy dỗ trẻ mồ côi; chu cấp lương thực cứu đói người nghèo…

Ngay cả chính quyền thực dân khi ấy cũng có phần vị nể. Có trường hợp lớp truyền bá quốc ngữ ở huyện An Lão bị Chánh tổng sở tại ngăn cấm, Nguyễn Sơn Hà đi xe hơi xuống, kéo theo tri huyện An Lão, thì viên Chánh tổng phải khúm núm xin lỗi và hứa tạo điều kiện cho phong trào truyền bá quốc ngữ phát triển ở địa phương.

Sinh thời, nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng Phan Bội Châu đã viết tặng Nguyễn Sơn Hà một đối câu đối: “Hoá học bác Âu trường, tô điểm sơn hà tâm hữu tất – Công khoa tôn Việt chủng, chuyển di thời thế thủ vi cơ”. Nghĩa là: “Lấy hoá học của người Âu, tô điểm cho sơn hà bởi tấm lòng son sẵn có – Dùng công nghệ của đất Việt thay đổi thời thế làm nên bởi tự tay mình”.

Nguồn: Phunutoday, nhanlucnhantai