Nguyễn Thanh Mỹ và “Thung lũng Silicon thu nhỏ” ở Trà Vinh
Với những gì Nguyễn Thanh Mỹ và các cộng sự của ông đang thực hiện, có thể ví Mylan như một “thung lũng Silicon thu nhỏ” tại tỉnh Trà Vinh.
Tháng 1/2006, tại một vùng đất hẻo lánh và khô cằn thuộc xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, xuất hiện Nhà máy Hóa chất Mỹ Lan, áp dụng công nghệ quang điện tử hiện đại để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như vật liệu hữu cơ, phát quang, tạo hình 3 chiều, bản kẽm nhiệt CTP… Tác giả của dự án này là Tiến sĩ Năng lượng và Vật liệu Nguyễn Thanh Mỹ, hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Mỹ Lan (Mylan Group).
Đưa công nghệ về vùng quê nghèo khó
Trong lần về thăm quê hương năm 1999, cô con gái đầu lòng Mỹ Lan đã gợi ý ông Mỹ nên mua một miếng đất ở Phú Quốc để đầu tư làm du lịch. Tuy nhiên, ông lại chuyển hướng về Trà Vinh với mong muốn chuyển giao công nghệ và phát minh của mình cho vùng đất quê hương nghèo khó có cái tên mà cha mẹ đã lấy để đặt cho ông (xã Thanh Mỹ).
Cơ ngơi này được ông cho thiết kế theo mô hình của Trung tâm Nghiên cứu Almaden của Công ty IBM ở Mỹ, nơi ông từng làm việc. Mục đích là tạo không gian mở kết hợp giữa làm việc và giải trí, kích thích sự sáng tạo của nhân viên.
Ngay sau năm đầu tiên hoạt động, Nhà máy Hóa chất Mỹ Lan đạt mức lợi nhuận sau thuế 9,7 tỉ đồng với sản phẩm đặc thù là bản kẽm nhiệt CTP phục vụ cho ngành in.
CTP (computer to plate) là công nghệ giúp chuyển hình ảnh trực tiếp từ máy tính đến bản kẽm mà không phải thông qua công đoạn làm phim và chụp phim như trước đây. Ông Mỹ đã phát minh công nghệ này trong thời gian làm việc cho Công ty Kodak Polychrome Graphics ở Mỹ hồi năm 1994.
Ông phân tích, công nghệ bản kẽm nhiệt CTP hiện được sử dụng với tỉ lệ khá cao tại Mỹ (hơn 70%), châu Âu (hơn 75%) và châu Á (xấp xỉ 20%). Tuy nhiên, ở Việt Nam tỉ lệ này chỉ chưa đến 10%, tương đương 1 triệu m2/năm so với con số hơn 700 triệu m2/năm của thế giới.
Không chỉ chú trọng sản xuất bản kẽm nhiệt CTP, Nhà máy Hóa chất Mỹ Lan còn nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng các hóa chất tinh khiết dùng trong lĩnh vực quang điện tử và in kỹ thuật số như chất hữu cơ phát sáng, bột màu laser và hồng ngoại, chất phủ màng dùng cho bản kẽm nhiệt CTP và UV…
Hiện nay, Tập đoàn Mylan chuẩn bị đón thành viên mới là nhà máy trị giá 20 triệu USD trên diện tích 2,3 ha (thuộc Công ty Quang điện tử Mỹ Lan) đang được xây dựng và dự kiến hoạt động vào tháng 5/2010. Chức năng của nhà máy là nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng sản phẩm màng mỏng dùng trong công nghệ quang học, điện tử, in kỹ thuật số và đóng gói.
Nguyễn Thanh Mỹ cho biết, tâm huyết của ông là sản xuất ra các sản phẩm quang điện tử với công nghệ tiên tiến, đào tạo đội ngũ kỹ sư hóa học chất lượng để đóng góp phần nào vào sự nghiệp phát triển khoa học và kinh tế của Trà Vinh trong tương lai.
Đối xử với nhân viên như đứa con lên 1
Nói về những tháng ngày đầu ở Canada, ông Mỹ tâm sự: “Sau 5 năm làm việc ở nhà hàng (từ rửa chén, bồi bàn rồi lên đứng bếp), tôi quyết định trở lại với việc học. Từ 8 giờ sáng đến 1 giờ trưa, tôi học ở trường (Đại học Concordia ở Montreal), còn từ 2 giờ chiều đến 2 giờ sáng thì đi làm ở nhà hàng. Cứ như vậy suốt 7 năm trời”.
Sau khi lấy được bằng tiến sĩ do Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Năng lượng Vật liệu Canada cấp năm 1990, ông vào làm việc cho các công ty điện toán và in ấn như IBM, Sun Chemical, Kodak Polychrome Graphics (đều của Mỹ) và sở hữu 50 bằng phát minh khoa học. Đặc biệt, ông cho biết, số tiền ông cho thuê bản quyền công nghệ bản kẽm nhiệt CTP lên đến hàng triệu USD mỗi năm.
Đi làm được 7 năm, ông ra thành lập Công ty ADS tại Montreal, nghiên cứu và sản xuất vật liệu hữu cơ dùng trong in ấn, phát quang, tạo hình 3 chiều, màng biến đổi năng lượng mặt trời… Đây cũng là tiền đề cho sự nghiệp kinh doanh của ông.
Theo ông, người Việt Nam tuy rất sáng tạo và kiên nhẫn nhưng lại thiếu tính kỷ luật nên xét về chất lượng công việc vẫn còn thua kém so với các nước. Do đó, phải có sự thay đổi tư duy từ cấp lãnh đạo. “Giáo dục Việt Nam như một cái khuôn bị méo nên thay vì sửa sản phẩm, tốt hơn hết là sửa khuôn. Tôi đang làm một cái khuôn mới nhỏ hơn, bên cạnh cái khuôn đã có sẵn”, ông nói.
Và nói là làm, năm 2006, ông đặt vấn đề hợp tác với trường Đại học Trà Vinh để thành lập khoa Hóa học ứng dụng, đào tạo 2 chuyên ngành: Hóa học ứng dụng chất dẻo linh hoạt và vật liệu nano – công nghệ in. Từ năm 2007, sau 3 khóa tuyển sinh, khoa hiện có hơn 100 sinh viên theo học. Các giáo trình của khoa đều do ông và đội ngũ kỹ sư của Công ty biên soạn và giảng dạy.
Trở về câu chuyện lập công ty ở Canada, ông Mỹ nhớ lại một kinh nghiệm khá thú vị. Khi còn làm ở Kodak Polychrome Graphics, Ken-ichi Shimazu, Phó Chủ tịch Công ty, đã khuyên: Hãy đối xử với nhân viên như cách vợ mình đối xử với đứa con lên 1 tuổi vậy! “Sau này, tôi mới thấu hiểu hàm ý của câu nói trên. Con lên 1 tuổi và bắt đầu biết nói là cả một niềm hạnh phúc lớn lao đối với người mẹ. Nhân viên cũng vậy, khi họ biết đưa ra ý kiến phản biện chính là dấu hiệu của sự sáng tạo”, ông nói.
Vì vậy, ông đã đề ra 3 tiêu chí cho Mylan là chú trọng đào tạo kỹ năng mềm cho nhân viên, tập trung sản xuất các sản phẩm quang điện tử có giá trị cao và nơi làm việc phải luôn tiện nghi, sang trọng. “Ở Mylan chỉ có sự khác nhau về cấp bậc chứ không khác nhau về cách đối xử”, ông bộc bạch. Bằng chứng là nơi làm việc của ông và thuộc cấp, theo quan sát của chúng tôi, đều khang trang như nhau. Thậm chí, khu vực nhà vệ sinh dành cho công nhân rất sạch sẽ và hiện đại như trong một khách sạn lớn.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ:
– 1979: Sang Canada định cư.
– 1986: Tốt nghiệp Đại học Concordia (Montreal) ngành hóa học ứng dụng.
– 1988: Nhận bằng thạc sỹ tại Đại học Concordia và 2 năm sau trở thành tiến sĩ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học năng lượng vật liệu Canada.
– 1997: Thành lập Công ty ADS (American Dye Source) tại Canada.
– 2006-2009: Thành lập các công ty Hoá chất Mỹ Lan, Sản xuất Vật tư ngành in Mỹ Lan và Quang điện tử Mỹ Lan tại Trà Vinh.
– 2/2010: Ra mắt Tập đoàn Mỹ Lan (Mylan Group) với 4 thành viên trên.