fbpx

Nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin vào Việt Nam

Trao đổi tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam – OECD năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin vào triển vọng tăng trưởng, môi trường đầu tư và vị thế kinh tế Việt Nam.

nha-dau-tu-nuoc-ngoai-dang-dat-niem-tin-vao-viet-nam-happy-live-1
Diễn đàn đầu tư Việt Nam – OECD năm 2023 (Ảnh: Đức Trung)

Ngày 27/10, Diễn đàn đầu tư Việt Nam – OECD năm 2023 với chủ đề Đẩy mạnh thu hút đầu tư chất lượng cao phục vụ tăng trưởng xanh thông minh và bền vững đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann cùng đại diện các cơ quan ngoại giao, Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là các chuyên gia hàng đầu của OECD.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình thế giới vừa qua tiếp tục biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng giảm sút, rủi ro suy thoái kinh tế tiềm ẩn. Tình trạng lạm phát gia tăng, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia. Cạnh tranh chiến lược, các vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp… đã tác động mạnh đến làn sóng đầu tư, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội toàn cầu.

Tuy đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức chưa có tiền lệ, với sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt và quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự hỗ trợ, đồng hành của cộng đồng quốc tế, trong đó có OECD, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách kịp thời và hiệu quả để ứng phó với diễn biến, tình hình, tiếp tục đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Triển khai đồng bộ, kịp thời các chính sách tài khóa kết hợp với chính sách tiền tệ linh hoạt và phù hợp, và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân; kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý trong lĩnh vực bất động sản; hỗ trợ khôi phục thị trường du lịch; ban hành chính sách tín dụng ưu đãi nhằm tiết giảm chi phí, hạ lãi suất vay vốn,…

nha-dau-tu-nuoc-ngoai-dang-dat-niem-tin-vao-viet-nam-happy-live-2
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Đức Trung)

Chí Dũng nhấn mạnh, các kết quả trên là những tiền đề căn bản giúp Việt Nam đạt được nhiều kết quả khả quan trong phát triển kinh tế – xã hội thời gian qua, cụ thể trong 9 tháng năm 2023. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%, là mức tăng khá so với thế giới và khu vực; Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, tỷ giá được điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường; mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh, vừa giúp kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu tín dụng của nền kinh tế; bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng; xuất siêu 21,6 tỷ USD; Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng 7,7% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện trong năm 2022 cao nhất trong 05 năm qua.

Với những kết quả tích cực nêu trên, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng đã có những bước tiến bộ đáng kể. Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế và nâng hạng tín nhiệm. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin vào triển vọng tăng trưởng, môi trường đầu tư và vị thế kinh tế Việt Nam.

Các tập đoàn kinh tế nước ngoài nhìn nhận Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại toàn cầu và cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn nhưng có độ mở lớn nên dễ bị tác động trước các biến động của tình hình thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, mở ra nhiều cơ hội, nhưng đồng thời có nhiều thách thức. “Vì vậy, chúng ta cần phải đổi mới tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nâng cao năng lực, vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, biến “nguy thành cơ”, từng bước phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng”.

Theo đó, quan điểm của Việt Nam là phát triển bao trùm, nhanh và bền vững; tập trung thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050 và phát triển nền kinh tế xanh, bền vững. Trong giai đoạn tới, Việt Nam quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực; thúc đẩy phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và văn hóa con người Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để thực hiện các mục tiêu nêu trên, khu vực đầu tư nước ngoài và sự hỗ trợ của các đối tác, tổ chức quốc tế như OECD sẽ đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt đối với các mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra, Việt Nam nhận thức rằng đây là thách thức lớn, song là hướng phát triển tất yếu, đòi hỏi nguồn lực và chiến lược phát triển mang tính chất đột phá. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề mang tính chất toàn cầu, vì vậy cần có sự hỗ trợ và tham gia tích cực của cộng đồng quốc tế trong suốt quá trình triển khai.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn các tổ chức quốc tế, trong đó có OECD cùng với nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục hợp tác, hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong việc tham vấn, đề xuất chính sách và ý tưởng đầu tư mới; chuyển giao các giải pháp, công nghệ hiện đại, mô hình kinh tế mới; thu hút nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển, các quỹ đầu tư, các định chế tài chính, và đặc biệt là các Tập đoàn đa quốc gia.

Về đầu tư nước ngoài, với chủ trương hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; linh kiện điện tử, ô tô điện…; sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo; trung tâm tài chính, tài chính xanh; công nghệ sinh học, y tế…

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định cam kết sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam.

nha-dau-tu-nuoc-ngoai-dang-dat-niem-tin-vao-viet-nam-happy-live-3
Ông Mathias Cormann, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). (Ảnh: Đức Trung)

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Mathias Cormann bày tỏ ấn tượng với những thành tựu phát triển cũng như trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian qua, là một trong các nền kinh tế lớn của khu vực ASEAN. Đồng thời cho biết, OECD chú trọng đến phát triển xanh và đầu tư bền vững; hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đồng thời khẳng định, OECD tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu đề ra, trong đó có thực hiện các cải cách liên quan đến thuế phù hợp với thông lệ quốc tế; thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc; những lộ trình về phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số; khai thác tiềm năng của nguồn năng lượng tái tạo;…

Tiến Phát

tinnhanhchungkhoan

Có thể bạn quan tâm: Bộ sách được chọn lọc tinh gọn dành riêng cho những F0 “chập chững”

gia nhập phương pháp đầu tư Kungfu Chứng Khoán

ĐẶT SÁCH NGAY

 

Các viết cùng chủ đề