fbpx

Nhà đầu tư tại thung lũng Silicon Paul Graham bày chiến thuật đạt được sự giàu có

Theo công ty nghiên cứu thị trường eMarketer, trung bình một người Mỹ xem tivi hơn ba giờ mỗi ngày. Nhưng nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon, Paul Graham, lại không nằm trong số đó, bởi anh ấy gần như đã ngừng xem tivi từ khi mới 13 tuổi.

“Giống như hầu hết những đứa trẻ khác, tôi rất thích cảm giác đạt được thành tích khi học được hoặc làm được điều gì đó mới. Khi tôi lớn lên, điều này biến thành cảm giác chán nản khi tôi không đạt được bất cứ điều gì,” người đồng sáng lập Y Combinator cho biết trong một bài đăng trên blog.

“Cột mốc cho việc này là khi tôi ngừng xem TV ở tuổi 13”. Theo lời của Graham, gia đình anh có thói quen xem tivi vào một giờ cố định vào buổi tối, sau bữa ăn và làm bài tập về nhà, và trước khi đi ngủ. Nhưng anh sớm đã dừng việc đó. Thay vào đó, anh thỉnh thoảng sẽ xem một vài bộ phim tài liệu mà mình yêu thích.

Graham, 58 tuổi, đã có một bài đăng trên blog chia sẻ về khoảng thời gian phấn đấu của mình trong quá khứ, theo đó, ngay từ khi còn nhỏ, anh sớm đã theo đuổi việc “đạt được những điều vĩ đại”.

Nhà đầu tư tại thung lũng Silicon Paul Graham bày chiến thuật đạt được sự giàu có: Không xem tivi từ năm 13 tuổi, ‘nứt mắt’ đã biết vạch mục tiêu về điều vĩ đại - Ảnh 1.
Paul Graham (Ảnh: CNBC)

Làm việc chăm chỉ là chìa khóa dẫn đến thành công, và việc từ bỏ thói quen xem TV (trừ một vài bộ phim tài liệu) là một cột mốc quan trọng – đó là thời điểm mà một sự thôi thúc nội tại rằng phải làm việc chăm chỉ, nghiêm túc với công việc đã được hình thành bên trong Graham, “để cảm thấy bạn nên làm việc mà không cần ai bảo bạn làm,” anh ấy viết.

“Sẽ thật đơn giản để làm việc chăm chỉ nếu đã có một mục tiêu được áp đặt từ bên ngoài, giống như ở trường vậy”, nhưng, “điều tôi học được từ khi còn là một đứa trẻ là hướng tới những mục tiêu chưa được xác định rõ ràng và cũng không bị ai áp đặt”, anh ấy viết. “Nếu bạn muốn làm nên những điều thực sự to lớn, bạn cần học cả hai.”

“Hiện tại, khi tôi không làm việc chăm chỉ, một hồi chuông cảnh báo sẽ vang lên. Tôi không thể chắc mình sẽ đi đến đâu khi làm việc chăm chỉ, nhưng tôi có thể chắc chắn rằng mình sẽ chẳng đi đến đâu khi tôi không làm, và điều đó thật tồi tệ”, Graham nói.

Sự chăm chỉ dường như là điểm chung của rất nhiều những người thành công. Theo Graham thì, Bill Gates không nghỉ một ngày nào ở độ tuổi 20 khi xây dựng Microsoft; ngôi sao bóng đá Lionel Messi luôn được biết đến với “sự cống hiến và khát khao chiến thắng”, điều mà anh ấy đã có từ khi còn trẻ; và nhà văn yêu thích của Graham trong thế kỷ 20, P. G. Wodehouse, đã viết đi viết lại các câu 20 lần…

Nhà đầu tư tại thung lũng Silicon Paul Graham bày chiến thuật đạt được sự giàu có: Không xem tivi từ năm 13 tuổi, ‘nứt mắt’ đã biết vạch mục tiêu về điều vĩ đại - Ảnh 2.
(Ảnh: CNBC)

Bàn về vấn đề này, Robert Sutton, giáo sư khoa học quản lý, kỹ thuật và hành vi tổ chức tại Đại học Stanford, có quan điểm rằng, luôn nỗ lực, chăm chỉ rõ ràng là chìa khóa thành công của Graham, nhưng nó chưa chắc đã là hướng đi chung phù hợp với tất cả mọi người.

Sutton cho biết những người thành công thường có xu hướng đánh giá người khác thông qua việc họ giống mình như thế nào. Chẳng hạn, “khi suy nghĩ về những điều cần thiết để thành công, Graham rút ra bài học từ bản thân và cho rằng nếu mọi người hành động giống anh ấy thì họ cũng sẽ thành công”.

Mary Karapetian Alvord, nhà tâm lý học tại Alvord, Baker & Associates ở Maryland, cho biết: “Làm việc chăm chỉ, nỗ lực và kiên trì là chìa khóa giúp chúng ta tiến lên phía trước và thành công trong việc đạt được mục tiêu của mình. Nếu loại bỏ một số hoạt động nhất định là một cách để ưu tiên thời gian của bạn, thì nó có thể cải thiện năng suất hoặc bất cứ điều gì bạn muốn đạt được.”

Tuy nhiên, “sự cân bằng trong nhiều phương diện của cuộc sống là rất quan trọng,” Alvord, đồng thời là giáo sư trợ giảng về tâm thần học và khoa học hành vi tại Trường Khoa học Y tế và Sức khỏe Đại học George Washington, cho biết. “Sự cân bằng giúp chúng ta xây dựng khả năng phục hồi và đương đầu với những thách thức của cuộc sống, tăng cảm giác làm chủ bản thân và hạnh phúc.”

Nhà đầu tư tại thung lũng Silicon Paul Graham bày chiến thuật đạt được sự giàu có: Không xem tivi từ năm 13 tuổi, ‘nứt mắt’ đã biết vạch mục tiêu về điều vĩ đại - Ảnh 3.
Paul Graham trong một buổi trò chuyện (Ảnh: CNBC)

Đúng vậy, bản thân Graham cũng lưu ý rằng việc phát triển động lực bên trong để hướng tới mục tiêu không có nghĩa là làm việc mọi lúc.

Graham viết: “Trong nhiều loại công việc, vượt qua ngưỡng đó thì chất lượng của kết quả sẽ bắt đầu giảm sút. Giới hạn đó khác nhau tùy thuộc vào loại công việc và con người. Tôi đã làm nhiều loại công việc khác nhau và giới hạn của mỗi loại là khác nhau.”

Chẳng hạn, Graham cho biết anh chỉ cần làm việc 5 giờ mỗi ngày khi viết lách hoặc lập trình máy tính. Tuy nhiên, để điều hành công ty khởi nghiệp Viaweb, một công ty phần mềm do anh đồng sáng lập năm 1995 và bán cho Yahoo năm 1998, anh đã làm việc gần như cả ngày trong suốt ba năm hoạt động. Nhưng Graham cũng học được một điều rằng anh ấy cần phải nghỉ ngơi nếu muốn tiếp tục làm việc được lâu hơn mà không tàn phá sức khỏe của mình.

Hà An

Theo TTVH

Các viết cùng chủ đề