[Nhà giả dược] Phục hồi thần kỳ sau những ca phẫu thuật giả
Bạn có tin rằng khi bị đánh lừa và dẫn dắt, cơ thể của bạn có thể trở nên tốt hơn hoặc tệ đi với tốc độ chóng mặt? Cơ thể là một tiểu vũ trụ với cách thức vận hành vừa bí ẩn lại ly kỳ, và khi bạn muốn khám phá tiềm năng thực sự của bản thân thì có rất nhiều dẫn chứng khoa học có thể củng cố niềm tin đó của bạn.
CA PHẪU THUẬT ĐẦU GỐI CHƯA TỪNG DIỄN RA
Năm 1996, bác sĩ chỉnh hình Bruce Moseley, đang làm việc tại Đại học Y Baylor, là một trong những chuyên gia đầu ngành ở Houston trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình thể thao. Ông đã công bố một thử nghiệm được tiến hành trên mười tình nguyện viên – tất cả đều là nam giới từng phục vụ trong quân ngũ và bị viêm khớp gối. Do bệnh tình nghiêm trọng, nhiều người trong số họ phải đi khập khiễng, chống gậy hoặc dùng những thiết bị hỗ trợ khác khi di chuyển.
Ban đầu, nghiên cứu của bác sĩ Moseley được thiết lập để tìm hiểu về phẫu thuật nội soi khớp. Đây là một phương pháp phổ biến, theo đó bác sĩ sẽ gây mê bệnh nhân rồi rạch một đường nhỏ để đưa ống kính soi quang học (gọi là arthroscope) vào trong khớp gối, giúp bác sĩ nhìn rõ cấu trúc của nó. Kế tiếp, bác sĩ mài nhẵn, bơm rửa những chỗ xương, sụn thoái hóa được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng viêm, đau nhức. Tính đến thời điểm đó, có khoảng 750.000 bệnh nhân đã trải qua loại phẫu thuật này mỗi năm.
Trong nghiên cứu của bác sĩ Moseley, hai trong số mười người đàn ông sẽ được phẫu thuật cắt bỏ dị vật theo tiêu chuẩn (lấy ra các mảnh xương hoặc sụn bị vỡ trong khớp gối). Ba người được trị liệu bằng nội soi làm sạch (bơm nước áp lực cao để rửa và xả sạch các dị vật thoái hóa). Năm người còn lại sẽ được phẫu thuật giả. Bác sĩ Moseley sẽ khéo léo cắt xuyên quada họ bằng dao mổ, rồi khâu lại mà không can thiệp y tế gì cả. Năm người này sẽ không được nội soi, lấy xương sụn hay bơm rửa gì cả, họ chỉ đơn giản có một vết rạch được khâu lại trên da mà thôi.
Liệu trình bắt đầu điều trị cho cả mười đối tượng thử nghiệm này đều giống hệt nhau: Bệnh nhân ngồi xe lăn đi vào phòng phẫu thuật và được gây mê, trong khi bác sĩ Moseley rửa tay chuẩn bị. Khi bước vào phòng mổ, bác sĩ sẽ mở một phong bì niêm phong, trong đó nói cho ông biết bệnh nhân trước mặt đã được lựa chọn thực hiện theo cách điều trị nào. Bác sĩ Moseley hoàn toàn không biết phong bì chứa gì bên trong cho đến khi xé nó ra.
Sau ca mổ, cả mười bệnh nhân đều có thể đi lại dễ dàng và giảm bớt cảm giác đau nhức. Trên thực tế, những người làm phẫu thuật giả đã có những chuyển biến tốt không kém gì hai nhóm còn lại. Không hề xuất hiện sự khác biệt giữa các nhóm, kể cả trong lần đánh giá sáu tháng sau đó. Sáu năm sau, hai người đàn ông được phẫu thuật giả đã trả lời phỏng vấn, cho biết họ vẫn đi lại bình thường, không hề đau nhức mà còn có thể cử động linh hoạt hơn xưa. Họ nói giờ đây mình đã có khả năng thực hiện mọi hoạt động hàng ngày – điều chưa từng xảy ra trước ca phẫu thuật. Hai người đàn ông cảm thấy như mình được sinh ra một lần nữa.
Cảm thấy ấn tượng với kết quả trên, bác sĩ Moseley quyết định thực hiện một nghiên cứu khác vào năm 2002 với 180 bệnh nhân được theo dõi suốt hai năm sau khi làm phẫu thuật. Lại một lần nữa, cả ba nhóm đều có những tiến triển đáng kể, họ đã có thể đi lại dễ dàng và không còn khập khiễng sau các ca mổ. Hơn nữa, hai nhóm bệnh nhân trải qua ca mổ thật lại không cho thấy hiệu quả vượt trội hơn so với nhóm được phẫu thuật giả, và điều đó vẫn đúng cho đến tận hai năm sau.
Phải chăng những bệnh nhân trong nhóm phẫu thuật giả đã khỏe mạnh hơn chỉ đơn thuần nhờ niềm tin vào sức mạnh chữa lành của các bác sĩ, bệnh viện và trang thiết bị hiện đại? Phải chăng bằng cách nào đó, họ đã mường tượng về một cuộc sống mới với đầu gối hoàn toàn lành lặn, và cuối cùng đã thật sự bước đi bình thường trở lại? Về mặt hiệu quả, phải chăng bác sĩ Moseley chính là vị pháp sư thần kỳ trong chiếc áo blouse trắng thời hiện đại? Và liệu phương pháp này có mang lại hiệu quả tương tự đối với những bệnh nhân đang phải đối mặt với các căn bệnh khó khăn hơn, trầm trọng hơn – chẳng hạn như phẫu thuật tim?
CA MỔ TIM KHÔNG CÓ THẬT
Vào cuối thập niên 1950, hai nhóm khoa học gia đã tiến hành so sánh phương pháp giả dược với phương pháp phẫu thuật trong điều trị đau thắt ngực được cho là tiêu chuẩn vào thời điểm đó. Nghiên cứu này diễn ra trước khi có bắc cầu động mạch vành – loại phẫu thuật phổ biến hiện nay. Thời đó, hầu hết bệnh nhân tim mạch sẽ được mổ thắt bên trong, tức là tìm ra những động mạch đã hỏng rồi chủ động buộc thắt chúng.
Ý tưởng chính ở đây là ngăn cản máu lưu thông đến những động mạch này, buộc cơ thể phải phát triển thêm mạch máu mới để tăng máu chuyển đến trái tim. Loại phẫu thuật nói trên cực kỳ thành công cho đa số bệnh nhân, mặc dù các bác sĩ không có bằng chứng chắc chắn rằng mạch máu mới đã được hình thành hay không. Đó là lý do có hai cuộc thử nghiệm vào thập niên 1950. Hai nhóm nghiên cứu này, một ở thành phố Kansas và một ở Seattle, đều cùng thực hiện những bước tiến hành y hệt nhau. Họ chia các đối tượng nghiên cứu thành hai nhóm, một nhóm được phẫu thuật mổ thắt bên trong lồng ngực, nhóm còn lại thì được thực hiện phẫu thuật giả. Các bác sĩ phẫu thuật cũng rạch một đường trên ngực bệnh nhân, sau đó lập tức khâu lại mà không can thiệp gì.
Kết quả của hai cuộc thử nghiệm này thật đáng kinh ngạc: 67% bệnh nhân thật sự làm phẫu thuật đã không còn đau đớn và không phải sử dụng thuốc thường xuyên như trước, trong khi tỷ lệ này ở nhóm trải qua phẫu thuật giả là 83%. Phải chăng các bệnh nhân được phẫu thuật giả đã quá tin tưởng rằng họ sẽ khỏe hơn, và cuối cùng đã biến điều đó thành hiện thực chỉ nhờ vào niềm tin kiên định? Và nếu khả năng đó xảy ra, nó đang truyền đi thông điệp gì về sức ảnh hưởng của những ý nghĩ ta có mỗi ngày – dù tích cực hay tiêu cực – đến cơ thể và sức khỏe của chúng ta?
THÁI ĐỘ LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT
Một số lượng lớn các nghiên cứu đã chứng minh được rằng: thái độ sống thật sự có ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe con người, bao gồm cả tuổi thọ. Ví dụ, vào năm 2002 Mayo Clinic đã công bố kết quả một nghiên cứu tiến hành theo dõi 447 người trong vòng 30 năm. Nó cho thấy rằng thái độ lạc quan sẽ giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Lạc quan ở đây có nghĩa là tốt nhất, luôn hướng tới viễn cảnh tốt đẹp nhất trong tương lai. Cụ thể, người lạc quan có ít vấn đề trong cuộc sống hàng ngày hơn nhờ luôn ở trong tình trạng thể chất và tinh thần tốt. Họ cảm thấy hạnh phúc, bình tĩnh và an lành trong phần lớn thời gian sống.
Một nghiên cứu khác cũng đến từ Mayo Clinic được thực hiện trên 800 người trong 30 năm đã củng cố kết luận nói trên. Báo cáo này cho biết những người suy nghĩ tích cực thì sống thọ hơn những người suy nghĩ tiêu cực.
Các chuyên gia từ Đại học Yale cũng đã theo dõi 660 người, ở độ tuổi từ 50 trở lên, trong vòng 23 năm. Họ phát hiện rằng, những người suy nghĩ tích cực về quá trình lão hóa thì sống thọ hơn bảy năm so với những ai cảm thấy bi quan về tuổi già. Kỳ thực, tuổi thọ là yếu tố chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ thái độ sống, mạnh hơn nhiều so với các yếu tố khác như huyết áp, nồng độ cholesterol,