fbpx

Nhà nho Lương Văn Can – Xây dựng đạo kinh doanh cho người Việt

Hơn 70 năm trước, chuyện một nhà cách mạng xuất thân từ Nho học, chẳng qua một trường lớp kinh tế nào lại viết sách dạy buôn bán, đó quả là một điều lạ lẫm, đáng ngạc nhiên. Càng ngạc nhiên hơn nữa khi những lập luận, phân tích và kiến thức trình bày trong đó rất sắc sảo, cụ thể, khác với kiểu tư duy trừu tượng, xa thực tế và quan niệm cổ hủ của phần lớn trí thức khoa bảng thời đó.

Tuy vậy, điều đó cũng không có gì khó hiểu đối với những người mà khát vọng canh tân tự cường đất nước mãnh liệt đến mức có thể xô ngã những ràng buộc, rào cản của những lề thói và quan niệm lệch lạc đã tồn tại cả ngàn năm.

Từ lý thuyết đến kinh doanh nơi đất khách

Trong dòng chảy của lịch sử, Lương Văn Can được coi như người thầy đầu tiên của giới doanh thương. Cụ không chỉ gắn bó với thương giới trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục khi cùng các chí sĩ soạn sách cổ vũ nghề buôn mà trong cả thời gian đi đày ở Nam Vang (Thủ phủ Campuchia).

Trong thời gian kiếm kế sinh nhai tại Nam Vang, Lương Văn Can đã phát hiện ra nơi đây chính là một thị trường đầy tiềm năng còn đang bị bỏ ngỏ. Hàng hóa sơ sài và việc buôn bán cũng không mấy được chú trọng phát triển.

Có lẽ đây là giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của cụ Lương Văn Can, một giai đoạn cụ tham gia vào việc làm kinh doanh và thành công ở ngay trên đất khách, trong hoàn cảnh của một tù giam lỏng. Điều đó cho thấy tài năng của cụ trong việc kinh doanh.Trước đây, cụ cùng những người sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục hô hào chấn hưng thực nghiệp, cổ vũ nghề kinh doanh buôn bán, thì nay, cụ có điều kiện để thực hành những lý thuyết mà các cụ đề xướng.

Lương Văn Can

Triết lý về thông thương

Lương Văn Can là một trong những người ủng hộ hết lòng cho sự phát triển của thương nghiệp. Khó ai có thể hình dung một vị nho học cách chúng ta gần một thế kỷ đã nhìn thấy tầm quan trọng của nghề kinh doanh đối với sự phát triển của dân tộc. Thời đó, cụ đã nhìn thấy một sự giao thương mang tầm quốc tế: Bây giờ phong khí mở rộng, hoàn cầu đi lại như một nhà, đường bộ thì có hỏa xa, đường thủy thì có hỏa thuyền, không trung thì có tàu bay, lại thêm điện báo để thông thư tín, điện thoại để thông âm ngữ, tin tức đã mau, vận tải rất tiện, người mà thông buôn bán thì làm giàu cũng dễ.

Tục ngữ có câu rằng: “Phi thương bất phú, các đại quốc do thông thương mà làm được phú cường, các nhà đại tư bản do kinh thương mà phú gia địch quốc, thế thì sự buôn cũng không nên câu nệ như xưa mà chẳng lưu tâm nghiên cứu.”

Cách chúng ta cả gần 1 thế kỷ mà cụ Can đã cảm nhận được cái không khí “hoàn cầu đi lại như một nhà” mà đến tận năm 2006, sau khi Việt Nam đặt chân vào WTO người dân Việt Nam mới “thấm” được điều đó.

Sách giáo khoa cho doanh thương Việt

Nhìn lại, trong lịch sử của nghề kinh doanh, chưa từng có một cuốn sách về kinh doanh cũng như chỉ ra những mặt mạnh, mặt yếu của các doanh thương người Việt. Trong thời thế mang tính cạnh tranh với các tư bản nước ngoài rất gay gắt, người đi buôn trong nước cũng rất cần phải có kiến thức, có trình độ mới có thể tồn tại được.

Trong sự nghiệp trước tác của Lương Văn Can, có hai quyển sách bàn về việc kinh doanh mà lâu nay ít được biết tới. Đó là quyển “Kim cổ cách ngôn”“Thương học phương châm” (hiện còn ở dạng bản thảo, lưu giữ tại Thư viện Khoa học Trung ương và gia đình tác giả). Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, “Kim cổ cách ngôn” là “một thứ sách giáo khoa bàn về cách làm giàu và bàn về của cải để mong tìm ra một “đạo làm giàu” của người Việt Nam mà không bị cuốn vào cơn lốc làm giàu của xã hội thời thuộc địa”.

Trong phần luận về “Đời người và của cải”, Lương Văn Can viết:

Người ta từ sự ăn uống, may mặc đến những việc trưởng thành như lấy vợ, lấy chồng… đều phải cậy nhờ vào của cải. Của cải là sự sống còn của con người. Chính vì vậy khi dùng của cải phải xem nguồn gốc của nó có trong sáng không, có hợp nghĩa không… Nguồn của cải đã trong sáng thì việc chi tiêu phải có đạo, phải tính toán cân nhắc việc nặng, việc nhẹ, việc khoan, việc gấp, việc trước, việc sau. Việc gì nên chi thì chẳng nên kiệm, việc gì cần phải kiệm thì chẳng nên chi…

Bàn về kinh doanh, ông cho rằng “kinh doanh phải hiểu nghĩa”. Ông viết:

Bí quyết thành công đối với nhà kinh doanh là ở sự trung thực. Nghĩa là nguồn lợi thu về phải theo lẽ tự nhiên, đừng bao giờ vì lợi mà làm điều xằng bậy hoặc phiêu lưu mạo hiểm. Giả dụ như người tích trữ gạo, vải mà lại mong mất mùa lúa, mùa bông thì đó là cái tâm địa ích kỷ, độc ác. Lại có người kinh doanh chuyên mua thừa bán thiếu, làm hàng giả để đánh tráo hàng thật, cũng bởi lòng tham không cùng mà thôi. Xét kỹ ra, người ta giàu nghèo ở tâm đức, ở lòng ngay thẳng, khoan hậu với người, đấy cũng là phép thuật kinh doanh vậy!…

“Thương học phương châm” là một quyển sách rất đáng chú ý bởi vì nó không chỉ hướng dẫn cụ thể về nghề thương mại mà còn đề cập đến vai trò của thương mại đối với sự phát triển kinh tế và mổ xẻ tình trạng thương mại yếu kém của nước ta thời phong kiến. Theo nhà nghiên cứu Trần Thái Bình, quyển sách này bao gồm các mục: Tựa, Tư bản, Tổ chức sự buôn, Tính toán, Sổ sách, Thư từ, Thương hiệu, Thương tiêu, Thương địa, Thương điếm, Bày hàng, Quảng cáo, Giao tế tiếp giản, Điều lệ nhà băng, Sự buôn bán nước ta…

Trong lời tựa, tác giả khẳng định:

Đương buổi thế giới cạnh tranh này, các nước phú cường không đâu là chẳng đua tài, thi sức, ở trong trường thương chiến, văn minh càng tiến bộ, buôn bán càng thịnh đạt. Việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy như thế, ta há nên coi thường xem khinh sao được.

Phân tích nguyên nhân không phát triển của thương mại nói riêng, kinh tế nước ta nói chung, Lương Văn Can vạch ra 10 điểm đó là:

1. Người mình không có thương phẩm;
2. Không có thương hội;
3. Không có tín thực;
4. Không có kiên tâm;
5. Không có nghị lực;
6. Không biết trọng nghề;
7. Không có thương học;
8. Kém đường giao thiệp;
9. không biết tiết kiệm;
10. Không nội hóa.

Do vậy, theo ông, để cho dân giàu nước mạnh, cần phát triển nghề buôn, và mọi người cần chú trọng thực nghiệp, phải lưu tâm nghiên cứu thương học. Ông viết:

Nước ta ngày trước học Nho chỉ chí tại thi đỗ để ra làm quan, ngày nay học Tây chỉ chí tại tốt nghiệp để ra làm việc, ít người chí làm thực nghiệp. Hoặc có một bọn muốn làm nghề buôn mà tư bản đã ít, học thức cũng kém, chỉ được mấy năm thì thất bại khánh tận ngay, ấy chỉ bởi không có thương học mà đến thế.

Đó cũng chính là mục đích khiến ông viết tác phẩm này, với lòng mong mỏi: “Độc giả chọn lấy mà xem cho biết sự thể tình hình, may ra nghề buôn nước ta có phát đạt hơn trước được chăng”.

Nhìn lại cuộc đời của cụ, chúng ta có thể thấy đó là một minh chứng sống động cho triết lý này: những đồng tiền gia đình cụ tích cóp từ việc kinh doanh đã quay lại với xã hội, góp phần vào những việc ích nước lợi dân. Trong các trường hợp cần kíp, gia đình cụ sẵn sàng bán cả gia sản tổ tiên để đóng cho sự nghiệp chung của dân tộc.

Như vậy, có thể nói, ngay trong những ngày đầu hình thành và phát triển, thương giới Việt đã có được một cái “đạo”, một đường lối khá rõ ràng. Đó quả là một may mắn rất đáng quý. Và người có công đầu trong việc xây dựng đạo kinh doanh cho người Việt không ai khác chính là danh sĩ họ Lương. Các thế hệ sau cảm phục cụ, một người chưa từng trải qua bất kỳ một trường lớp về kinh tế nào song đã viết sách rất bài bản dạy buôn bán, thiết lập nên một hệ tư tưởng riêng cho giới kinh doanh. Đây không phải là những bài học mang tính “sách vở” bởi chính cụ là người đầu tiên đem chính những kiến thức này – cái “đạo” này – ra thực thi và đã thành công.

Trong giai đoạn đầu thế kỷ 20, lần đầu tiên các nhà kinh doanh của Việt Nam hội nhập kinh tế với thế giới – có thể tạm coi như vậy – và ngay lập tức đã xây dựng được một con đường đi đúng đắn để tranh đua với các nhà tư bản nước ngoài. Những triết lý về đạo kinh doanh mà Lương Văn Can đã chia sẻ với thương giới cách đây ngót thế kỷ chính là những bài học vượt thời gian mà giới doanh nhân ngày nay vẫn rất nên tìm hiểu, chiêm nghiệm.

Nguồn: Sách Lương Văn Can – Xây dựng đạo kinh doanh cho người Việt

Các viết cùng chủ đề