Nhận diện mẫu hình đỉnh M – đâu là điều lưu ý?
Mẫu hình tại đỉnh khá khác với mẫu hình tại đáy. Và các mẫu hình đỉnh M khác các mẫu hình W ở đáy cả về tốc độ, độ biến động, khối lượng và định nghĩa – tất cả đều khác nhau. Do đó, việc bạn tìm hiểu đầy đủ về các mẫu hình ở đỉnh và đáy là cực kỳ quan trọng, mẫu hình ở đỉnh sẽ không chỉ đơn giản là sự phản chiếu của các mẫu hình tại đáy.
Các mẫu hình ở đỉnh thường phức tạp hơn ở đáy, do đó chúng thường khó nhận diện hơn
Chúng có điểm chung là đều dựa vào phân tích của tâm lý học. Tuy nhiên tâm lý hoảng sợ là một cảm xúc sâu sắc, mạnh mẽ hơn nhiều so với cảm xúc tham lam, vì vậy những tín hiệu và biểu hiện của tâm lý hoảng sợ trên biểu đồ rõ ràng hơn nhiều.
Nếu với các mẫu hình tạo đáy, điển hình nhất là mẫu hình hai đáy, hoặc còn được gọi là đáy W, thì tại các đỉnh thường sẽ diễn ra phức tạp hơn nhiều, với sự hình thành điển hình nhất là ba đỉnh.
Và cũng giống như trường hợp tạo đáy nhọn (đáy V), các trường hợp tạo đỉnh nhọn (đỉnh A), có sự thay đổi xu hướng đột ngột thường sẽ hiếm gặp hơn. Phổ biến hơn sẽ là các đỉnh kiểu chữ M, hay còn được gọi là hai đỉnh, bao gồm một đợt tăng, một đợt hồi phục (kiểm tra kháng cự tại đỉnh trước đó thất bại), theo sau là bắt đầu xu hướng giảm. Tuy nhiên, phổ biến nhất sẽ là ba đỉnh và một biến thể phổ biến khác của nó là mẫu hình vai đầu vai (đây có lẽ là thuật ngữ phân tích kỹ thuật được nhiều nhà đầu tư biết đến nhất).
Đà tăng của cổ phiếu sẽ suy giảm dần khi cổ phiếu đến gần đỉnh
Mô hình giá và khối lượng giao dịch đều có mối liên hệ chặt chẽ với tâm lý giao dịch. Sự hưng phấn và tham lam là đặc trưng tâm lý giao dịch khi ở phía bên trái của mẫu hình cùng các tin đồn, thường sẽ là phương tiện đẩy giá chủ đạo.
Khối lượng giao dịch tăng và độ biến động lớn. Phần đỉnh đầu thường sẽ đi kèm với việc các tin đồn trước đó trở thành sự thật và được đưa ra một cách chính thống. Lúc này mặc dù mức giá cao mới được thiết lập, nhưng khối lượng giao dịch sẽ không có tín hiệu xác nhận. Đây thường là lúc phát huy tác dụng của một câu nói cổ điển “bán theo tin chính thức”, khi những người mua theo tin đồn trước đó quyết định bán ra để thực hiện hóa lợi nhuận. Việc bán ra của họ, kèm theo một số hành động bán khống sẽ tạo thành chiều giảm của phần đỉnh đầu, tạo tiền đề cho một cơn hưng phấn cuối cùng và yếu ớt sẽ được hình thành bên phía vai phải.
Biến động giá thiếu tích cực với khối lượng giao dịch thấp. Khi đường viền cổ bị phá vỡ kèm khối lượng giao dịch tăng đột biến sẽ là tín hiệu của xu hướng giảm đã trở thành sự thật và nỗi sợ hãi tăng lên. Cuối cùng, với việc những người bán khống trước đó phải mua lại cổ phiếu để đóng vị thế, sẽ tạo ra một đợt phục hồi trở lại về phía gần đường viền cổ. Đợt phục hồi này là cơ hội tốt cuối cùng để bạn có thể thoát ra, trước khi giá cổ phiếu đảo chiều và giảm xuống mức thấp hơn. Xem Hình 13.2 để biết ví dụ trong thực tế.
Bollinger Bands hỗ trợ nhận diện mẫu hình như thế nào?
May mắn thay, việc phán đoán tất cả những điều này sẽ được hỗ trợ rất nhiều bởi Bollinger Bands. Cách dễ nhất để giải quyết các đỉnh đó là chia nhỏ chúng thành các bộ phận, xem chúng như một chuỗi các mẫu hình đỉnh M và đáy W. Các thành phần mẫu nhỏ hơn này sẽ dễ đối phó hơn nhiều so với các mẫu hình lớn và phức tạp, nhưng trước tiên, chúng ta hãy xem xét các mẫu hình lớn trong điều kiện lý tưởng.
Mô hình vai đầu vai cổ điển sẽ có đỉnh của vai trái nằm ngoài dải trên Bollinger Band, đỉnh đầu sẽ chạm dải trên và đỉnh vai phải sẽ không thể vượt qua dải trên (Hình 13.3).
Trong một điều kiện lý tưởng, đường viền cổ sẽ trùng với dải giữa, và sau khi hình thành vai phải, sự sụt giảm đầu tiên sẽ dừng lại ở dải dưới Bollinger Bands. Sự phục hồi sẽ dừng lại ở dải giữa, và cuối cùng, đáng chú ý nhất đó là đợt sụt giảm sẽ phá vỡ dải dưới Bollinger Band. Đó là trong điều kiện lý tưởng, nhưng tỷ lệ nhìn thấy một mô hình lý tưởng như vậy, hoàn hảo về mọi mặt, là không cao. Phổ biến hơn nhiều sẽ là một mô hình tuân theo hầu hết các quy tắc đó.
Trích sách Bollinger on Bollinger Bands
THÂU TÓM ĐIỂM VÀO LỆNH TỐI ƯU – TỪ CHỈ BÁO BOLLINGER BANDS