Nhờ “cách ly xã hội” mà nhiều người đã ngộ ra: Phải tìm lại cái tâm nguyên lai đã thất lạc từ lâu
Vạn sự trên đời không có điều gì ngẫu nhiên. Vũ trụ đang canh tân nên con người lẽ tất nhiên cũng cần thay đổi. Không phải là đi xa thêm nữa, mà hãy trở về với bản chất thiện lương của chúng ta.
Con người suốt một đời tính toán, bao phen chạy ngược chạy xuôi, rốt cuộc là vì điều gì? Nếu không phải bây giờ, khi đại dịch xuất hiện buộc toàn thế giới ngừng lại, thì đến bao giờ con người mới nhận ra đừng đi xa thêm nữa?
Cầu kỳ phóng tâm
Trong “Mạnh Tử – Cáo Tử Thượng” có dẫn: “Học vấn chi đạo vô tha, cầu kì phóng tâm nhi dĩ hĩ” (Cái đạo của học vấn không có gì khác, tìm cái tâm mình đã mất mà thôi). Mạnh Tử đưa ra một ví dụ: Ở nông thôn người ta phải nuôi gà, sáng sớm thả gà đi kiếm ăn, tối đến người chủ sẽ gọi về. Con người cũng giống như vậy, người ta những năm đầu đời phải ra ngoài làm việc để kiếm sống, cái tâm của con người cũng giống như gà, sẽ phóng ra rất xa, nhưng tâm người ta phóng ra xa rồi lại thường không tìm về được, cuối cùng lạc mất, trầm mê trong danh lợi và ân oán của thế gian con người. Gà đi lạc rồi, người ta phải gọi về, nhưng tâm lạc mất rồi thì sẽ không đi tìm lại, đây thực sự là một điều bi ai.
Vậy nên Mạnh Tử cho rằng, con đường cầu học không có gì khác, chính là phải tìm lại cái tâm nguyên lai đã bị lạc mất.
Cái ngộ đạo của Mạnh Tử chính nằm tại đây: điểm trọng yếu của việc cầu học vấn, là cần khiến tâm của con người phản bổn quy chân.
Từ sau khi lệnh cách ly ban hành, đường phố Hà Nội trở nên vắng vẻ thanh tĩnh. Một Hà Nội vốn ồn ào nhọc nhằn những mưu sinh mà giờ đây thu mình lại trong thinh lặng. Như chưa bao giờ! Sống giữa lòng Hà nội mà lại cồn cào nhớ Hà Nội… đã trở thành nỗi niềm không của riêng ai. Trẻ nhớ trường, người nhớ việc. Nhưng cả 11 triệu người Hà Nội đều hiểu rằng, ta chọn ở nhà, bạn chọn ở nhà để bảo vệ bản thân, cũng là thể hiện tình yêu nhân loại.
Tuy nhiên, cuộc sống trong một căn nhà be bé bỗng trở nên có chút bức bối thì phải. Bàn chân quen đi, như chú gà kia bao năm nay vẫn mải mê kiếm sống, vậy mà bỗng nhiên dừng lại trong vô định thời gian. Ta tưởng ta thành lạc lõng so với nhịp sống thường ngày, nhưng hôm nay khi đọc “Cầu kỳ phóng tâm” của Mạnh Tử thì ngộ ra bao năm nay mới chính là đi lạc.
Vạn vật chuyển động có gì ngẫu nhiên không? Dường như sự sắp xếp này là cảnh tỉnh cho chú gà kia phải dừng lại mà trở về nhà của mình. Bởi vì chú cứ đi mãi đi mãi, cuộc sống cứ phồn hoa diễm lệ khiến chú ta rẽ nhánh không ngừng, có phải đã đi quá xa? Bước ra khỏi nhà thì công việc, bạn bè, cà phê, bàn nhậu, những cửa hàng cửa hiệu, mua mua bán bán kéo ta đi muôn nẻo. Dục vọng ơi là dục vọng, gà ơi là gà!
Có lẽ chúng ta đã sống bao nhiêu năm như những chú gà, cái tâm kia đã phóng ra rất xa đến nhường nào. Cái tâm này trước nay chỉ một mực mưu cầu tiền tài, danh lợi, hưởng thụ vật chất. Khi đang bận bận rộn rộn mà ai đó nói với ta về việc dừng lại, đi tìm cái tâm ban đầu đã mất, há chẳng phải ta sẽ nghĩ người ấy không bình thường hay sao. Gà có thể nhìn thấy được mà gọi về, nhưng cái tâm kia có dễ dàng trở về không?
Con người thường muốn làm gì liền làm nấy, ở trong mê chỉ thấy điều mắt thấy. Vậy khi đôi chân kia buộc phải dừng lại, khi những con số tăng lên hàng giờ, có lẽ sẽ ngộ ra chăng?
Trong bối cảnh đại dịch, con người hàng ngày cầu mong mọi chuyện sớm qua, sinh hoạt trở lại bình thường, nhưng nếu như tất cả những chuyện này là để canh tân đổi mới thì có thể nào quay trở lại như trước kia với đủ những dục vọng và phóng túng hay không?
Thần Phật đang cho con người sự cảnh tỉnh! Virus corona có khả năng lây nhiễm cao khi người tiếp xúc với người nhưng ít nhất vẫn còn tỷ lệ sống sót, vẫn có thời gian để chữa trị, nghĩa là Thần Phật vẫn cho con người một cơ hội. Sự an bài này cho ta nhìn thấy những gương người đã ngã xuống mà buộc phải nghĩ suy. Mỗi người đang sống cần quý trọng thời gian, lòng thành tâm sám hối.
Nếu đã từng lừa dối, xin hãy bỏ đi lừa dối, từ nay chỉ sống thành thật.
Nếu đã từng tranh đấu, oán hận, hãy bỏ đi oán hận, thay thế bằng lòng biết ơn.
Nếu đã quá nhiều lần nóng giận, kiêu ngạo, nay càng phải biết thủ đức giữ mình.
Những gì đã qua, cho qua, mở rộng tâm lượng của mình, nuôi dưỡng một lòng khoan dung nhân hậu.
Chỉ mong sao con người ơi, khi cái tâm đang được tạo điều kiện cách ly khỏi lợi lộc, công danh sẽ tỉnh giác, biết tìm lại vẻ nguyên sơ ban đầu!
Nhìn thấy một con sóng rất cao lớn ở bên cạnh mình, con sóng nhỏ tỏ ra bực tức và ghen tỵ:
– Bực ghê. Sóng kia lớn quá, sao ta bé tí. Chúng mạnh mẽ xiết bao, còn ta sao lại yếu đuối thế này!
Con sóng lớn cười đáp :
– Đó là vì bạn không nhận ra gốc gác của mình nên mới buồn bực thế.
– Tôi không là sóng thế là gì ?
– Sóng chỉ là hình thức tạm thời trong sinh mệnh của bạn. Kỳ thực bạn là nước. Một khi nhận ra bản nguyên của chính mình là nước, bạn sẽ không còn ấm ức với cái vỏ sóng này và không còn buồn bực gì nữa.
Con sóng nhỏ hiểu ra, cười vui vẻ:
– À, bây giờ thì tôi hiểu. Không cần thiết phải so sánh hay phân biệt giữa bạn và tôi…
Con người vì nghĩ mình như sóng mà suốt đời tranh đấu rồi thấy mỏi mệt. Hãy ngộ ra bản chất của mình là nước để lòng luôn thanh tĩnh. Đặc tính của nước là ở chỗ thấp mà không tranh, nghĩa là chân thành giúp đỡ vạn vật mà không giành danh lợi, không tranh cao thấp, cũng không tự cho mình là hiểu biết, lại không khoe khoang bản thân. Không tranh giành với vạn vật nên không có oán hận và âu lo.
Thực ra loài người được cấu tạo cùng một bản chất trong vũ trụ bao la, bản nguyên sinh mệnh của con người là lương thiện. Chỉ khi người ta nảy sinh cái tôi cá nhân: tham lam, khoe khoang, tranh đấu, đố kỵ… mọi việc mới trở nên càng lúc càng phức tạp, con người càng ngày càng rời xa bản tính tiên thiên của mình. Ai cũng nằm lòng 6 chữ này “Nhân chi sơ, tính bản thiện”.
Đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã lấy đi hàng chục nghìn sinh mệnh và đẩy những người nghèo khổ vào cảnh khó khăn trên toàn thế giới… Nhưng hãy tin rằng hoàn cảnh nào cũng có ánh sáng của niềm tin và hy vọng! Niềm tin về một nền văn minh sau cải tổ, hy vọng vào con người biết hối lỗi sao cho xứng đáng với thế giới văn minh sau này sẽ thắp lên tương lai của chúng ta.
Có ai đó nói rằng, đây là lúc “ngồi xuống thật yên và nghĩ lại mình”.
Đừng trách người khác bởi vì thêm một phần oán trách là thêm một nguồn năng lượng tiêu cực. Ta chỉ nên sám hối chính mình. Càng trong khó khăn, càng nhìn lại những thiếu sót mà rút ra bài học cho bản thân. Ta có muốn sống trong một tương lai mà mọi người đều vì nhau hay không? Vậy thì bản thân phải là một mảnh ghép mang lương thiện, thật thà, nhẫn nại vào trong bức tranh thế giới đại đồng ấy.
Mong mọi người đều thành tâm sám hối, cầu nguyện Thần sẽ bảo hộ người thiện lương vượt qua thời khắc khó khăn này, bước sang tương lai thuần tịnh và rực sáng.Những ngày tháng cách ly chính là cách ly với phù phiếm và giả dối, cách ly với đố kỵ và khoe khoang, cho ta sự yên lặng và thời gian để tìm lại bản chất lương thiện thuần khiết.
Nguồn: dkn.tv
Có thể bạn quan tâm: TỦ SÁCH KHỞI SỰ – KHỞI NGHIỆP – LÀM GIÀU