fbpx

Những công nghệ miễn phí có thực sự “miễn phí”?

Nếu bạn muốn lưu trữ file và ảnh, Google Drive là một lựa chọn miễn phí. Khi bạn muốn quảng bá doanh nghiệp của mình, bạn có thể lập một tài khoản YouTube, Facebook hay Twitter mà không phải trả xu nào. Nhưng những công nghệ miễn phí này có thực sự “miễn phí”?

Trong cuốn sách “How Google Works” (tạm dịch: Google hoạt động như thế nào), hai tác giả Eric Schmidt và Jonathan Rosenberg nhận định cái giá của thất bại trong khởi nghiệp chưa bao giờ “rẻ” như bây giờ. Các doanh nhân thời nay có thể chơi đùa với công nghệ, ra mắt thử một sản phẩm, và nếu nó không thành công, hủy sản phẩm đó và nghĩ một ý tưởng mới. Đúng vậy, khởi nghiệp, thất bại và làm lại từ đầu chưa bao giờ đơn giản như thế nhờ sự trợ giúp của những dịch vụ miễn phí.

Nếu bạn muốn lưu trữ file và ảnh, Google Drive là một lựa chọn miễn phí. Nếu bạn muốn tạo một tài khoản email, bạn không cần trả tiền để sử dụng Yahoo hay Outlook. Còn khi bạn muốn quảng bá doanh nghiệp của mình, bạn có thể lập một tài khoản YouTube, Facebook hay Twitter mà không phải trả xu nào. Nhưng những công nghệ miễn phí này có thực sự “miễn phí”?

Phiên bản trả tiền

Sở dĩ các máy bay chở khách có nhiều hạng ghế là bởi các hãng hàng không hiểu rằng có những hành khách chỉ muốn đi từ điểm A đến điểm B một cách nhanh nhất, rẻ nhất. Ngược lại, có những khách muốn hưởng dịch vụ tiện nghi tại phòng chờ, muốn được uống rượu vang và có giường nằm khi bay (hoặc là công ty họ sẽ chi trả tiền cho vé hạng thương gia).

Các sản phẩm công nghệ cũng vậy – Chúng có những phiên bản miễn phí và phiên bản trả tiền. Khi đăng ký bản miễn phí của Wix (nền tảng xây dựng website trực tuyến), website của bạn sẽ có quảng cáo của Wix chèn phía dưới và không có tên miền riêng. Ngược lại, khi nâng cấp lên phiên bản trả tiền, bạn sẽ có nhiều dung lượng lưu trữ hơn, có tên miền riêng, thỏa sức chọn các thiết kế mà bạn muốn và nhận được sự trợ giúp 24/7.

Còn rất nhiều ví dụ tương tự, như ActiveCampaign (nền tảng tiếp thị qua email) – Bạn càng muốn gửi email đến nhiều khách hàng thì càng phải trả nhiều tiền. Trong ngành Marketing, thuật ngữ dành cho những dịch vụ này là “Freemium” (viết tắt của Free và Premium).

Tính năng phụ có trả phí

Với nhiều sản phẩm công nghệ khác, việc tải về, sử dụng và nâng cấp là hoàn toàn miễn phí, cho đến khi bạn muốn mua thêm tính năng phụ. Game trên điện thoại là một ví dụ điển hình – Bạn phải trả tiền để trang bị thêm vũ khí cho nhân vật, mua xe mới, lên level hay hồi sinh sau khi bị tiêu diệt.

Năm 2018, người chơi game Candy Crush trên nền tảng iOS và Android đã chi tổng số tiền 1,5 tỷ USD, tương đương 4,2 triệu USD mỗi ngày. Một ví dụ khác là Gmail. Nhiều người lập tài khoản Gmail không nhận ra rằng họ chỉ có 15GB dung lượng miễn phí (con số này được chia sẻ với Google Drive và Google Photos). Khi dung lượng hết, họ có thể ngồi cả ngày để xóa bớt email và ảnh, hoặc bỏ tiền để nâng cấp bộ nhớ lên 100GB, 200GB, 2TB hoặc 10TB và có thêm dung lượng sau một cú click chuột.

Quảng cáo

Có những dịch vụ hoàn toàn miễn phí, bạn không cần trả tiền để nâng cấp hay mua tính năng phụ. Nhưng cái giá bạn bỏ ra là thông tin cá nhân, và thông tin cá nhân được các công ty sử dụng để chèn quảng cáo.

Năm 2018, quảng cáo (trên app, phiên bản web, video, Instagram và Messenger) chiếm đến 98,5% doanh thu 55,8 tỷ USD của Facebook, đồng nghĩa mỗi người dùng đem về 24.96 USD doanh thu quảng cáo cho mạng xã hội này. Tương tự, các trang mạng xã hội khác, như YouTube, LinkedIn, Twitter và các trang báo mạng cũng chèn quảng cáo.

Điều khác biệt giữa quảng cáo thời nay và thời dot-com đầu thế kỷ 21 đó là chúng được cá nhân hóa (personalized) dựa trên vị trí địa lý, giới tính, tuổi tác, công việc và sở thích của bạn. Mới đây, tôi vừa tìm kiếm nhà cho thuê tại Dublin trên Google và vài phút sau đó, các quảng cáo nhà cho thuê tại Dublin đã tràn ngập Facebook của tôi và cả các trang báo nước ngoài tôi thường đọc như CNN.

Thông tin hành vi người tiêu dùng

Tại sao Facebook lại bỏ 19 tỷ USD để mua WhatsApp khi mà ứng dụng tin nhắn này không có phiên bản nâng cấp, không có tính năng phụ hay quảng cáo và gần như không có doanh thu (WhatsApp đã từng thu phí sử dụng tại một vài thị trường nhưng đã từ bỏ chính sách này khi sáp nhập vào Facebook)? Trong khi ứng dụng nhắn tin Viber kiếm tiền bằng việc bán những gói sticker và dịch vụ gọi quốc tế, thì người dùng WhatsApp lại không phải trả khoản phí nào. Tại sao vậy?

Lý do chính khiến Facebook mua lại WhatsApp năm 2014 là để loại bỏ bớt một đối thủ tiềm năng trên thị trường ứng dụng gọi điện và nhắn tin. Khi mục tiêu này đã được hoàn thành, thì giá trị của WhatsApp nằm ở thông tin hành vi người tiêu dùng. Với hơn 1,5 tỷ người dùng thường xuyên hàng tháng (MAU – Monthly Active User), WhatsApp tạo ra một lượng thông tin khổng lồ cho Facebook.

Tất nhiên, bởi vì tin nhắn trên WhatsApp được mã hóa, nên kể cả các kỹ sư tại Facebook cũng không thể đọc nội dung tin nhắn của người dùng. Nhưng những thông tin như người dùng thường online lúc mấy giờ, họ thường gửi ảnh hay GIF, cuộc gọi của họ thường kéo dài bao lâu hay nhóm chat của họ thường có bao nhiêu người đều là những dữ liệu hữu ích để cải thiện chính WhatsApp và những sản phẩm khác như Facebook, Messenger và Instagram.

Phí dịch vụ

Rất nhiều nền tảng trực tuyến kiếm tiền qua phí dịch vụ. Bạn có thể thoải mái lướt web trên các kênh thương mại trực tuyến mà không phải trả tiền, nhưng khi mua hàng trong nhiều trường hợp, bạn phải trả phí ship hàng.

Hay như với AirBnB (một ứng dụng miễn phí), chỉ khi bạn đặt phòng và trả tiền (bao gồm một khoản phí dịch vụ cho công ty này), bạn mới nhận được thông tin liên hệ của chủ nhà. Điều này giúp tránh được việc bạn trực tiếp liên hệ với chủ nhà, thỏa thuận giá cả mà không qua kênh của AirBnB. Một số trang đăng tin thuê nhà như Spotahome cũng có mô hình tương tự – Bạn nghĩ rằng mình chỉ phải trả tiền cho chủ nhà cho đến khi nhận ra để liên hệ được với họ bạn phải checkout và trả một khoản phí “Booking Fee”.

Tăng nhận thức về những sản phẩm, dịch vụ khác

Có một số dịch vụ như ứng dụng từ điển, ứng dụng của các hãng hàng không và ngân hàng không thuộc bất cứ nhóm nào kể trên. Chúng không có quảng cáo, không có phí dịch vụ, phiên bản nâng cấp và mục đích của người sáng lập cũng không phải để nghiên cứu hành vi người tiêu dùng. Mục đích tạo ra những dịch vụ miễn phí này, trong phần lớn trường hợp, là để quảng bá cho công ty mẹ.

Ví dụ, bạn có thể tải ứng dụng của một hãng hàng không để làm thủ tục checkin online, nhưng nếu bạn vẫn giữ nó, thì trong tương lai bạn sẽ thấy được những đợt giảm giá vé và ưu đãi làm thẻ bạch kim của hãng. Đối với những doanh nghiệp lớn như vậy thì chi phí duy trì một ứng dụng di động là trong tầm tay.

Dịch vụ trải nghiệm

Chắc hẳn bạn đã từng nhận được nhiều lời mời trải nghiệm miễn phí công nghệ nào đó. Ngay cả khi bạn không bỏ một xu cho sản phẩm đó, thì bạn cũng đã bỏ ra nhiều thứ khác.

Giáo sư Marketing nổi tiếng thế giới Philip Kotler khi nghiên cứu về những chi phí mà một người tiêu dùng phải bỏ ra khi mua hàng đã chỉ ra bốn nhóm, bao gồm: Monetary Cost (số tiền bạn bỏ ra), Time Cost (thời gian bạn bỏ ra), Energy Cost (năng lượng bạn bỏ ra) và Psychic Cost (sự căng thẳng vì phải nghĩ đến việc mua hàng). Giống như khái niệm chi phí cơ hội đã chỉ ra, khi bạn dành thời gian và năng lượng cho một thứ gì đó (kể cả khi nó miễn phí), thì bạn đã có ít thời gian và năng lượng hơn để làm những việc khác.

Nguồn: Cafebiz 

Các viết cùng chủ đề