Những công ty niêm yết nào tốt nhất Việt Nam năm 2017?
Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất được chọn từ các đơn vị có kết quả kinh doanh tốt theo từng lĩnh vực. VietjetAir, Petrolimex, Novaland… cũng có tên.
Ngày 29/5, Forbes Việt Nam đã công bố danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất trên sàn chứng khoán Việt trong năm 2017. Danh sách xếp hạng dựa trên kết quả kinh doanh tốt nhất theo từng lĩnh vực mà cổ phiếu các công ty này giao dịch, tại 2 sàn chứng khoán TP.HCM (HSX) và sàn Hà Nội (HNX). Các công ty được tính điểm dựa vào tỷ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ sinh lời và tăng trưởng trong giai đoạn 2012-2016.
Theo dữ liệu thống kê của Forbes Việt Nam, 50 công ty trong danh sách năm nay chiếm trên 60% giá trị vốn hóa của hai sàn, tương đương với tỉ lệ năm trước. Tuy nhiên do chất lượng hàng hóa được nâng cao, các công ty quy mô lớn niêm yết ngày càng nhiều, tổng doanh thu của các công ty trong danh sách đạt 734.822 tỉ đồng, tăng 55%. Tổng lợi nhuận của các công ty đạt 79.461 tỉ đồng, tăng 49% so với danh sách năm trước. Hầu hết các công ty trong danh sách niêm yết ở HSX, chỉ có bốn doanh nghiệp niêm yết ở sàn HNX. So với năm ngoái, danh sách năm nay có 12 gương mặt mới, trong đó 9 công ty mới lần đầu lọt vào danh sách và 3 công ty quay trở lại danh sách.
“Danh sách các công ty niêm yết tốt nhất năm nay cho thấy các công ty hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, bất động sản… đang tiếp tục chiếm ưu thế. Một số lĩnh vực nguyên vật liệu hàng hóa (commodities) như cao su, dầu khí… chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh,” bà Nguyễn Lan Anh, thư ký tòa soạn của Forbes Việt Nam cho biết.
Danh sách xếp hạng những công ty niêm yết tốt nhất thị trường của Việt Nam lần thứ năm phản ánh bức tranh kinh tế năm qua. Lĩnh vực ngành xây dựng, bất động sản xuất hiện nhiều đại diện do năm qua thị trường bất động sản vẫn giao dịch sôi động. Thị trường chứng khoán diễn biến khả quan và việc tái cơ cấu ngành ngân hàng bước sang năm thứ sáu với một số chuyển biến tích cự khiến lĩnh vực tài chính tăng số đại diện. Trong khi đó, xuất nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh khiến nhiều công ty trong ngành phụ trợ như logistics đạt kết quả kinh doanh khả quan nên số công ty tăng lên. Ngược lại, lĩnh vực dầu khí, cao su tự nhiên vẫn chưa phục hồi hoàn toàn khiến cả hai ngành không có công ty nào trong danh sách.
Phương pháp tính:
Forbes xem xét tất cả các cổ phiếu niêm yết trên sàn HSX và HNX và sắp xếp theo từng nhóm ngành. Ở vòng sơ loại, những công ty đang thua lỗ, hay trong quá trình hủy niêm yết, có quy mô giá trị vốn hóa và doanh thu dưới 300 tỉ đồng, các công ty con có hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào công ty mẹ (đã được xem xét) đều bị loại. Ở vòng tính toán định lượng, các công ty được chấm điểm theo các tiêu chí: tỉ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ sinh lời ROE, ROC và tăng trưởng EPS giai đoạn 2012 – 2016. Phần tính toán định lượng theo phương pháp của Forbes được sự hỗ trợ của công ty chứng khoán Bản Việt.
Tiếp theo, vòng định tính, Forbes Việt Nam xem xét độc lập mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp: thương hiệu, chất lượng quản trị doanh nghiệp, nguồn gốc lợi nhuận trong quá khứ và triển vọng phát triển bền vững. Các công ty nhiều lần vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin của hai sở giao dịch chứng khoán, có nghi vấn thao túng giá cổ phiếu sẽ bị loại.
Nguồn: Forbes Vietnam, ndh